Nam Trung Bộ và Nam Bộ là cứ điểm
TS. Phạm Nguyên Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Tư vấn xây dựng điện 1 (PECC1) đánh giá, Việt Nam có tiềm năng dồi dào để phát triển năng lượng mặt trời và nhân rộng số lượng cũng như quy mô các dự án điện mặt trời trên cả nước, đặc biệt ở khu vực miền Trung và miền Nam.
Với lợi thế là nguồn năng lượng sạch và an toàn, phát triển dự án điện mặt trời được xác định là lựa chọn đầu tư tối ưu, đáp ứng tiêu chí phát triển bền vững.
Nếu như cuối năm 2017, công suất lắp đặt của các dự án điện mặt trời dự kiến ở mức 6 - 7 MW, thì đến năm 2020, mục tiêu công suất lắp đặt tăng hơn 100 lần lên 800 MW, bằng 1,6% sản lượng điện cả nước. Đến năm 2030, con số này được quy hoạch lên 12 GW, chiếm 3,3% tổng sản lượng điện.
Ông Phạm Nguyên Hùng cho biết, tính đến tháng 6/2018, đã có hơn 100 dự án điện mặt trời quy mô lớn được bổ sung vào quy hoạch điện cấp tỉnh/quốc gia, với tổng công suất đăng ký là 4,7 GW vào năm 2020 và tăng thêm 1,77 GW sau năm 2020. Những dự án này chủ yếu tập trung ở khu vực Nam Trung Bộ và Nam Bộ.
Theo ông Are Gloersen, Giám đốc châu Á của Công ty điện mặt trời Ocean Sun (Na Uy) - doanh nghiệp đang tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam, xét cường độ bức xạ năng lượng mặt trời, thì khu vực phía Nam có tiềm năng rất lớn để phát triển điện mặt trời.
“Đặc biệt, đồng bằng sông Cửu Long, với hệ thống kênh rạch chằng chịt và nhiều đập thủy điện, có lợi thế rất lớn để phát triển điện mặt trời nổi trên mặt nước. Nhiều GW có thể được tạo ra nếu phát triển điện mặt trời nổi tại khu vực sông, kênh rạch và lòng hồ thủy điện ở đây,” ông Gloersen nói.
Điện mặt trời nổi có lợi thế hơn so với điện mặt trời trên cạn. Đại diện Ocean Sun cho biết, kết quả nghiên cứu và triển khai dự án điện mặt trời nổi tại Singapore chỉ ra rằng, điện mặt trời nổi giúp tiết kiệm sử dụng tài nguyên đất và chi phí giải phóng mặt bằng. Nhờ hệ thống làm mát ngay trên mặt nước, nên công suất phát điện của điện mặt trời nổi cao hơn 10% so với điện mặt trời trên cạn.
17 GW “ngóng” quy hoạch
Đầu tư phát triển điện mặt trời đang có lợi thế hơn so với đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo khác, bởi chi phí tấm pin mặt trời giảm nhiều so với trước kia và giá mua điện mặt trời tại điểm giao nhận điện ở mức khá hấp dẫn - 9,35 US cent/kWh, chưa kể thuế VAT (theo Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg về hỗ trợ phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam).
Tuy nhiên, theo bà Ngô Thị Tố Nhiên, chuyên gia năng lượng của Ngân hàng Thế giới (WB), một loạt những hạn chế liên quan đến hợp đồng mua bán điện mặt trời (PPA) đang khiến các chủ đầu tư, nhất là ngân hàng và quỹ đầu tư nước ngoài vẫn e ngại.
Cụ thể, giá mua điện theo hợp đồng PPA không tham chiếu đến bất cứ cơ chế tăng giá khác, chẳng hạn như chỉ số giá tiêu dùng (CPI), để giải quyết các rủi ro lạm phát. Hơn nữa, việc bên bán phải chịu các chi phí và rủi ro liên quan đến nối lưới theo hợp đồng PPA là mối lo ngại lớn đối với nhà đầu tư dự án ở vùng sâu, vùng xa, khu vực đòi hỏi đường dây truyền tải dài.
Chuyên gia WB cho rằng, những lo ngại khác đến từ việc chi phí phân phối điện không được xác định rõ trong hợp đồng PPA hay các quy định liên quan. Ngoài ra, vẫn còn thiếu những quy định chặt chẽ về ngưng phát điện, quyết định chấm dứt hợp đồng và đền bù trong trường hợp chấm dứt hợp đồng…
Bà Nhiên cho biết, hiện vẫn còn 17 GW công suất đăng ký của các dự án điện mặt trời đang chờ bổ sung vào quy hoạch.
Đã có tin vui cho các dự án này khi từ tháng 5/2018, Bộ Công thương và bên đối tác đã bắt đầu nghiên cứu về cơ chế đầu giá cho điện mặt trời, chủ yếu nhằm vào các dự án chưa được bổ sung vào quy hoạch. Theo đó, tập trung nghiên cứu Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Đất đai… để xây dựng mô hình đấu giá phù hợp với khung thể chế ở Việt Nam.
“Việc sửa luật sẽ rất khó và cần nhiều thời gian, nên ở giai đoạn hiện nay chúng tôi đang phối hợp với Bộ Công thương nghiên cứu các văn bản, quy định hiện có để đưa ra mô hình thí điểm đấu giá điện mặt trời phù hợp nhất,” bà Nhiên thông tin.
Chuyên gia WB cho biết, các quỹ đầu tư và ngân hàng quốc tế không hài lòng với hợp đồng mua bán điện PPA của Việt Nam. Do đó, khi tổ chức đấu giá điện mặt trời, thì hợp đồng PPA phải được điều chỉnh cho phù hợp thông lệ quốc tế để thu hút nguồn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực điện mặt trời. Theo đó, sẽ xem xét lựa chọn cơ chế đấu giá kín hay đấu giá ngược, tuyển chọn cho đấu giá, hình phạt bảo lãnh hợp đồng…để đảm bảo nhà thầu thực hiện đúng tiến độ và chất lượng.
Chuyên gia này cảnh báo, việc đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng dự án là rất quan trọng bởi số lượng dự án chờ bổ sung quy hoạch là rất lớn. Nếu bổ sung ào ạt các dự án vào quy hoạch, mà chủ đầu tư không triển khai dự án theo quy hoạch sẽ gây lãng phí tài nguyên và thời gian để Việt Nam đạt được mục tiêu quy hoạch phát triển điện và mục tiêu giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
Cơ chế đấu giá phù hợp sẽ là đòn bẩy để các dự án đã được bổ sung quy hoạch hoặc đang chờ bổ sung quy hoạch triển khai theo đúng kế hoạch, để đảm bảo mục tiêu phát triển lưới điện và cung ứng điện, bà Nhiên khẳng định.
Theo ông John Bruce Wells, chuyên gia tư vấn của Chương trình năng lượng hát thải thấp Việt Nam (V-LEEP) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), nhiều nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài phản hồi họ rất lo ngại về cơ chế mua bán điện trong hợp đồng PPA mà Việt Nam đang áp dụng, bởi hợp đồng này không theo thông lệ quốc tế.
Giá bán điện mặt trời 9,35 US cent/kWh sẽ hết hiệu lực sau ngày 30/6/2019 (theo Thông tư số 16/2017/TT-BCT). Chính phủ và Bộ Công thương đưa ra thông tin rõ ràng về mức giá bán điện mặt trời sau ngày 30/6/2019 ra sao, cao hơn hay thấp hơn mức giá hiện hành, để thuận lợi cho doanh nghiệp xem xét cơ hội đầu tư, ông John kiến nghị./