Môi trường

Điện gió ngoài khơi: Nguồn năng lượng của tương lai - Tín chỉ các-bon - vấn đề cần lưu tâm

Vy Huyền 04/07/2023 - 10:45

(TN&MT) - Bên cạnh việc tạo ra nguồn năng lượng sạch để Việt Nam giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, ĐGNK có tiềm năng kinh tế lớn từ lượng tín chỉ các-bon thu về để bù đắp chi phí đầu tư.

Sức ép từ các mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính bằng “0” buộc các quốc gia, doanh nghiệp trên toàn cầu tham gia vào cuộc đua giảm phát thải. Doanh nghiệp có hạn ngạch phát thải khí nhà kính của doanh nghiệp, quốc gia có mục tiêu giảm phát thải của quốc gia theo các cam kết toàn cầu về biến đổi khí hậu. Riêng Việt Nam sẽ phải cắt giảm hơn 400 triệu tấn CO2 so với kịch bản phát triển thông thường đến năm 2030 (với điều kiện có sự hỗ trợ từ các nước phát triển).

Việc phát triển thị trường các-bon Việt Nam là một trong những công cụ kinh tế đã được đưa vào Luật Bảo vệ môi trường từ năm 2020. Thị trường là nơi mua bán, giao dịch tín chỉ các-bon - loại mặt hàng mới được tạo ra khi thực hiện các hoạt động cắt giảm phát thải hoặc hấp thụ khí nhà kính trong quá trình thực hiện.

anh-3.png
Các tua bin được lắp đặt ngày nay lớn hơn và hiệu quả hơn rất nhiều. Ảnh: orsted.vn

Ông Lương Quang Huy - Trưởng phòng Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và Bảo vệ tầng ô-dôn (Cục Biến đổi khí hậu - Bộ TN&MT) cho biết, hiện nay, trên thế giới có khoảng 700 - 800 triệu tín chỉ các-bon đến từ các trang trại điện gió, điện mặt trời. Nhu cầu mua tín chỉ đang tăng lên theo sức ép từ cam kết phát thải ròng bằng “0”. Đây sẽ là nguồn lực quan trọng cho các nhà đầu tư bù đắp chi phí phát triển dự án ĐGNK tại Việt Nam trong tương lai khi mục tiêu theo Quy hoạch Điện VIII lên tới 91GW, tương đương lượng tín chỉ thu về rất lớn.

Vấn đề hiện nay là trong bối cảnh khá nhiều nhà đầu tư ĐGNK đến từ nước ngoài, vậy tín chỉ này sẽ thuộc quyền sở hữu của họ hay được giữ lại Việt Nam và đóng góp cho mục tiêu giảm phát thải của Việt Nam? Có thể mua bán tại Việt Nam hay bán sang các nước khác hay không? Điều này sẽ cần được bàn luận để đưa vào từ giai đoạn xây dựng dự án. Đây là vấn đề đã nảy sinh tại nhiều quốc gia trên thế giới trong quá trình phát triển ĐGNK nên rất cần các bên có liên quan lưu tâm - ông Huy nhấn mạnh.

Ngân hàng Thế giới đánh giá, giá trị thị trường các-bon toàn cầu hiện nay lên tới 52 tỷ USD và dung lượng của thị trường vẫn còn khá lớn. Đối với thị trường các-bon trong nước, lộ trình phát triển và triển khai đã được Chính phủ ban hành tại Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 07/01/2022 về quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn.

Bộ Tài chính đang phối hợp cùng Bộ TN&MT nghiên cứu xây dựng Đề án Phát triển thị trường các-bon để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm thành lập sàn giao dịch tín chỉ các-bon và ban hành cơ chế quản lý tài chính cho hoạt động của thị trường các-bon. Đề án cũng sẽ đưa ra cơ chế trao đổi tín chỉ các-bon giữa Việt Nam với các quốc gia khác.

Trước mắt, Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) dự kiến sẽ sớm triển khai giao dịch các sản phẩm tín chỉ các-bon liên thông với các Sở Giao dịch lớn trên thế giới ngay trong quý IV năm 2023. Các dự án ĐGNK với tiềm năng tạo ra lượng tín chỉ lớn được dự báo sẽ nắm giữ khối lượng hàng hóa có giá trị khổng lồ trong tương lai không xa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điện gió ngoài khơi: Nguồn năng lượng của tương lai - Tín chỉ các-bon - vấn đề cần lưu tâm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO