Điện Biên thực hiện tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng

Hoàng Châu| 26/09/2022 10:55

(TN&MT) - Những năm qua, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên đã thực hiện tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) mang lại hiệu quả tích cực, huy động được nguồn lực đáng kể cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nâng cao đời sống người dân sống gắn bó với rừng. Từ nguồn kinh phí chi trả DVMTR, không ít cộng đồng thôn, bản trên địa bàn tỉnh đã xây dựng thành công nhiều mô hình phát triển sinh kế, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác bảo vệ và phát triển rừng, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng . Hiện nay, đã được thay thế bằng Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ.

Ông Trần Quốc Khánh, Hạt trưởng hạt Kiểm lâm huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên cho biết: Huyện Tủa Chùa với hơn 25.932ha đất có rừng, trong đó có trên 21.397 ha diện tích rừng được chi trả DVMTR nằm ở 4 lưu vực: lưu vực Sông Đà là 21.397,6758 ha; lưu vực nhà máy nước Tủa Chùa 72,6680 ha; lưu vực Nậm Mu 2 là 2.237,2471 ha và lưu vực Trung Thu 4.426,3216 ha.

img_20220926_075807.jpg
Quỹ BV&PTR Điện Biên phối hợp với NH chính sách chi trả tiền DVMTR cho người dân xã Tùa Thàng, huyện Tủa Chùa tham gia bảo vệ rừng.

Nhờ phát huy được hiệu quả chính sách chi trả DVMTR mà công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn huyện Tủa Chùa đã đạt được kết quả tích cực. Ý thức của người dân trong bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng được nâng cao. Vừa qua, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên đã phối hợp cùng Ngân hàng chính sách mở tài khoản, chi trả tiền DVMTR từ năm 2017 đến năm 2021 trên địa bàn huyện Tủa Chùa với tổng số tiền chi trả hơn 2,1 tỷ đồng gồm 49 chủ rừng có 33 chủ rừng là hộ gia đình, 18 chủ rừng là cộng đồng thuộc 10 bản: Tùa Thàng, Xá Nhè, Huổi So, Mường Đun, Sín Chải, Tả Sìn Thàng, Mường Báng, Sính Phình, Trung Thu và Thị trấn Tủa Chùa. Cùng với đó, tổng số tài khoản được mở mới là 49 tài khoản: 36 tài khoản hộ gia đình, 13 cộng đồng… còn 6 hộ gia đình chưa mở được tài khoản do chủ rừng đã mất (chưa có người thừa hưởng lại khu đất rừng đó), chủ rừng đi làm ăn xa; chưa làm xong căn cước công dân...

Việc triển khai thực hiện, chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn huyện Tủa Chùa đã góp phần quan trọng trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; giúp ổn định diện tích rừng hiện có cả về số lượng, chất lượng, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định đời sống của người dân và cộng đồng dân cư tham gia bảo vệ rừng, huy động được nguồn lực lớn, thường xuyên cho công tác tuần tra, bảo vệ rừng.

img_20220926_075749.jpg
Nhờ phát huy được hiệu quả chính sách chi trả DVMTR mà công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn huyện Tủa Chùa đã đạt được kết quả tích cực.

Xã Mường Báng, huyện Tủa Chùa có trên 291,79ha rừng, toàn xã hiện có 3 cộng đồng và 7 hộ gia đình tham gia quản lý, bảo vệ rừng. Được hưởng lợi từ rừng, nhận tiền chi trả DVMTR người dân trên địa bàn xã đã ý thức hơn trong việc giữ rừng. Các cộng đồng thôn bản nhận khoán bảo vệ rừng đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, lực lượng kiểm lâm phụ trách địa bàn trong công tác bảo vệ rừng; hạn chế được tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép. Chính sách chi trả DVMTR vừa tạo việc làm mà còn giúp người dân thêm gắn bó với rừng. Giờ đây, ý thức bảo vệ rừng được nâng cao, không còn tình trạng xâm hại đến diện tích rừng hay chặt phá, khai thác rừng bừa bãi. Cũng nhờ số tiền chi trả từ DVMTR đã nhiều hộ có vốn đầu tư phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Có thể thấy, thưc hiện chính sách chi trả DVMTR đã tác động mạnh mẽ đến công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn huyện Tủa Chùa. Người dân được hưởng các chế độ chính sách của Nhà nước đã nêu cao trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng. Nhất là ý thức khoanh nuôi, bảo vệ diện tích rừng tái sinh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điện Biên thực hiện tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO