Điện Biên: Tháo gỡ khó khăn các dự án phát triển cây mắc ca

Trần Hương| 20/07/2021 10:02

(TN&MT) - Cách đây không lâu, Điện Biên ban hành chính sách cho doanh nghiệp thuê đất của dân để phát triển cây mắc ca. Tuy nhiên, trong thực tế chính sách ấy đã gặp phải một số vướng mắc, trong đó nguy cơ người dân sẽ bị mất tư liệu sản xuất. Lẽ đó, Điện Biên đã tổ chức Hội nghị bàn giải pháp và ban hành lại chính sách đảm bảo quyền lợi 3 bên; người dân, doanh nghiệp và địa phương.

Chính sách phát triển dự án trồng mắc ca trước đây của tỉnh Điện Biên là cho doanh nghiệp trồng mắc ca thuê đất của dân, với giá 4 triệu đồng/1ha/năm. Và từ năm thứ 6 trở đi người dân ngoài tiền cho thuê đất 4 triệu/ha/năm còn được thêm 4 triệu đồng/ha/năm từ việc ăn chia sản phẩm; cơ sở tính dựa vào sản lượng thu hoạch lúa nương của người dân/ha/năm và từ năm thứ 2 trở đi giá thuê đất giữ nguyên và được cộng thêm phần điểu chỉnh tăng hàng năm theo chỉ số tiêu dùng (CPI do Tổng cục Thống kê công bố). Trường hợp giá đất của Điện Biên vượt số tiền doanh nghiệp chi trả cho người dân (đã bao gồm lũy tiến) thì tính theo giá đất của tỉnh cộng với hệ số trượt giá hàng năm.

Đồi cây mắc ca của Công ty maccadimia Điện Biên trồng tại huyện Tuần Giáo

 Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn triển khai chính sách này đã gặp một số vướng mắc nảy sinh, nhiều ý cho rằng: cách tính này không khác gì bài học cây cà phê Mường Ảng, dân góp đất cho Công ty Thái Hòa, làm ăn thua lỗ mang “sổ đỏ” cầm cố ngân hàng rồi bỏ chạy. Trước những dự báo và thực tế ấy. Vừa qua, ngày 17/7/2021, tỉnh Điện Biên đã tổ chức Hội nghị đánh giá tổ chức triển khai thực hiện và bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn các dự án mắc ca.

Theo đó, chính sách phát triển dự án mắc ca của tỉnh Điện Biên Biên được tính lại, đảm bảo 3 bên: doanh nghiệp, người dân và địa phương. Trong đó, vai trò doanh nghiệp là liên kết cùng các hộ dân, hỗ trợ giống cây tốt, kỹ thuật chăm sóc và tiêu bao sản phẩm. Còn phía người dân thì có trách nhiệm thành lập tổ liên kết, HTX... chăm sóc tốt vườn cây của hộ gia đình theo đúng tiêu chuẩn, quy định và giữ vững liên kết khi mắc ca cho thu hoạch. Cơ quan quản lý nhà nước giữ vai trò là "trọng tài" đảm bảo lợi ích các bên, đồng thời hỗ trợ người dân cây giống, phân bón và kỹ thuật chăm sóc thông qua doanh nghiệp.

Theo cách tính đó, doanh nghiệp tham gia trồng cây mắc ca tại tỉnh vẫn được thuê lại đất của dân để phát triển vùng nguyên liệu. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp có thể đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sâu... và nếu người dân có phá vỡ liên kết, bán mắc ca cho tư thương thì doanh nghiệp vẫn chủ động được vùng nguyên liệu.

Mặt khác, người dân cũng sẽ được giao trồng mắc ca, làm chủ vườn cây trong hạn mức không quá 5ha/hộ. (ngoài hạn mức đó dân có thể cho doanh nghiệp thuê đất trồng mắc ca...) Số tiền người dân cho doanh nghiệp thuê đất sẽ đảm bảo đời sống trước mắt, "lấy ngắn nuôi dài". Còn về lâu dài thì vẫn phải có vườn cây mắc ca của hộ gia đình, là nguồn sinh kế ổn định, bền vững. Có thể nói, trong bài toán cây mắc ca của Điện Biên thì người dân là người vừa được cho "cá, trao cần câu và cả mồi câu."

Người dân chăm sóc vườn cây mắc ca

Ông Bùi Minh Hải, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên, cho biết: Hiện nay, Điện Biên còn khoảng hơn 265.900ha đất lâm nghiệp chưa có rừng. Do cấu trúc địa hình dốc cao và thẳng đứng, cùng với tập tục canh tác luân canh của đồng bào các dân tộc, quá trình mưa lũ làm bào mòn rửa trôi lớp mùn trên bề mặt khiến nhiều diện tích đất của Điện Biên đang có nguy cơ hoang hóa.

Để giải quyết bài toán phủ xanh đất trống đồi trọc và phát triển kinh tế ngành lâm nghiệp, 7 năm qua, Điện Biên đã cho trồng thí điểm cây mắc ca trên đất dốc. Đến nay, diện tích gần 1.000ha mắc ca đã cho thu hoạch và được đánh giá là cây phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của Điện Biên.

Là một trong những người đầu tiên trồng thử nghiệm cây mắc ca ở Điện Biên, ông Phạm Duy Thành, Phó Giám đốc Công ty CP Macadamia Điện Biên, chia sẻ: “...mắc ca là cây rất khó chọn giống, nếu người dân không đủ tiềm lực kinh tế thì rất khó thành công ở giống cây này. Hàng năm, chúng tôi phải mời chuyên gia mắc ca từ Australia sang để hướng dẫn kĩ thuật ghép cành; tỷ lệ cây sống sau ghép cành chỉ đạt từ 60 - 70%. Trong khi đó, chúng tôi phải tìm nguồn hạt có đủ tiêu chuẩn để ươm cây hạt thực sinh, đến khi cây non được gần 1 năm tuổi sẽ tiến hành ghép cây giống với cành trưởng thành đã ra quả. Phải ghép cành mới mong ra quả và cho năng suất. Khâu chọn giống rất quan trọng, vì mỗi loại sẽ có một đặc điểm riêng ví dụ như năng suất, chất lượng hạt, khả năng kháng hạn, kháng bệnh.. Nếu chọn giống không đúng thì năng suất sẽ rất thấp, thậm chí cây rất tốt nhưng lại không ra quả.

Chúng tôi đã mất 7 năm để trồng thử nghiệm giống cây này, bắt đầu từ năm 2009, với diện tích là 771ha ở các huyện Tuần Giáo, Mường Ảng và TP. Điện Biên Phủ. Đến nay, một số diện tích này đã cho thu hoạch. Mỗi cây được khoảng 2 - 3 tạ quả. Mỗi kilogam quả mắc ca tươi dao động từ 130 -150 nghìn đồng/kg và không có để bán ra thị trường vì chúng tôi đang quá trình nhân giống.

Trước những điều kiện thuận lợi về khí hậu thổ những và đặc biệt là bài toán kinh tế từ quả mắc ca, Điện Biên đã chọn giống cây này để trồng trên 265ha diện tích đất lâm nghiệp chưa có rừng. Đến nay, UBND tỉnh Điện Biên đã phê duyệt chủ trương đầu tư 5 dự án cho 5 nhà đầu tư; trồng cây mắc ca gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm... tổng diện tích 17.214ha, tổng mức đầu tư 4.729,95 tỷ đồng.

Tính đến thời điểm này dự án phát triển cây mắc ca cơ bản tỉnh Điện Biên đã giao đất cho các doanh nghiệp để trồng trong mùa mưa năm nay. Tuy nhiên, vì gặp phải một số vướng mắc tại những diện tích cây mắc ca trồng thí điểm đang cho thu hoạch và một số dự tính đi kèm mà Điện Biên điều chỉnh chính sách cho phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương, nhằm đảm đảo lợi ích 3 bên: Doanh nghiệp, người dân và nhà nước. Song, đến nay dự án này đang bị đánh giá là triển khai chậm cho với kế hoạch đã đề ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điện Biên: Tháo gỡ khó khăn các dự án phát triển cây mắc ca
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO