Điện Biên: Tăng cường vai trò của cộng đồng và chủ rừng trong bảo vệ rừng bền vững

Phạm Huế - Hoàng Châu| 18/10/2021 10:54

(TN&MT) - Những năm qua, kinh tế từ rừng ở tỉnh Điện Biên đã mang lại hiệu quả rõ rệt, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phối hợp cùng người dân tổ chức trồng, chăm sóc, bảo vệ tốt diện tích rừng được giao.

Bà Đặng Thị Thu Hiền, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng, tỉnh Điện Biên cho biết: Hiện nay diện tích đất có rừng của tỉnh Điện Biên là 407.030,3ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 42,66%. Rừng đóng vai trò quan trọng trong đời sống của con người và mang lại giá trị kinh tế cao. Hiểu rõ tầm quan trọng đó, những năm gần đây, người dân trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã chú trọng đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng gắn với chăm sóc, bảo vệ rừng.

Cùng với đó, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đã thay đổi nhận thức của người dân về vai trò và tác dụng của rừng; nâng cao ý thức bảo vệ rừng; đồng thời góp phần tăng thu nhập, tạo động lực để người dân gắn bó, bảo vệ rừng. Thông qua công tác tuyên truyền của lực lượng kiểm lâm và địa phương, các hộ trồng rừng và người dân đã hiểu rõ lợi ích từ việc trồng rừng không những giúp chống xói mòn, bảo vệ nguồn nước; tham gia trồng rừng người dân còn được hưởng lợi từ các chính sách của Nhà nước; cộng đồng tham gia trồng và bảo vệ rừng  còn được hưởng chính sách chi trả DVMTR hàng năm để đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, các công trình phúc lợi… góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống.

Rừng huyện Nậm Pồ được bảo vệ xanh tốt nhờ chính sách chi trả DVMTR

Những năm qua, huyện Nậm Pồ đã thực hiện có hiệu quả chính sách giao đất, giao rừng cho cộng đồng quản lý và sử dụng. Hiện nay diện tích rừng đã giao trên địa bàn huyện là 52.031,71 ha, gồm có 03 tổ chức, 33 chủ rừng là hộ gia đình và 103 cộng đồng dân cư. Trong năm qua, diện tích rừng được chi trả DVMTR là 49.249,165 ha với số tiền hơn 41 tỷ đồng. Các tổ chức, cộng đồng, hộ gia đình trên địa bàn huyện Nậm Pồ cũng xây dựng Quy ước quản lý, bảo vệ rừng, phát huy tính tự quản của người dân trong phòng cháy, chữa cháy và phát triển rừng. Việc thực hiện giao đất rừng cho người dân quản lý, khai thác. Qua đó giúp người dân trên địa bàn huyện tự chủ hơn trong việc phát triển kinh tế rừng và nâng cao ý thức quản lý, bảo vệ rừng. Không chỉ vậy, bà con trong các thôn, bản còn đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, vận động nhau cùng giữ rừng, chung tay góp sức bảo vệ rừng. Nhờ đó tình trạng chặt phá rừng, mất rừng đã giảm hẳn.

Anh Thào Seo Lử, Trưởng bản Huổi Púng, xã Pa Tần huyện Nậm Pồ, chia sẻ: Với gần 10 tổ tự quản và trên 255ha rừng được chi trả tiền DVMTR, việc quản lý và bảo vệ rừng ở bản được người dân thực hiện hiệu quả. Không chỉ xây dựng các hương ước có gắn với việc bảo vệ rừng, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích từ việc giữ rừng cũng được chính quyền địa phương và ngành chức năng thực hiện.

Từ chính sách chi trả DVMTR, tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng của các chủ rừng và cộng đồng.

Chúng tôi được tuyên truyền về những lợi ích của việc bảo vệ rừng. Vì vậy định kỳ hằng tuần, tổ quản lý, bảo vệ rừng bản Huổi Púng, xã Pa Tần lại tập trung để tuần tra tại những diện tích được giao khoán và bảo vệ. Quy ước cũng nói rõ trách nhiệm của tổ tự quản, bảo vệ rừng, trách nhiệm của từng thành viên trong tổ. Việc lên rừng tuần tra của tổ đều có biên bản và căn cứ quy chế, điều lệ hoạt động của Tổ để xử lý vi phạm

Có thể thấy, việc quản lý rừng theo quy ước trong cộng đồng ở huyện Nậm Pồ không chỉ nâng cao trách nhiệm bảo vệ rừng mà còn bảo vệ môi trường sinh thái bền vững. Góp phần cải thiện sinh kế, tăng thu nhập cho người dân, đặc biệt là đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điện Biên: Tăng cường vai trò của cộng đồng và chủ rừng trong bảo vệ rừng bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO