Điện Biên siết chặt hoạt động khai thác cát, sỏi: Đề cao vai trò của người đứng đầu

Trần Hương| 10/02/2022 10:08

Những năm qua, công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản nói chung, cát, sỏi nói riêng trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã đạt được nhiều kết quả khả quan, các cấp chính quyền và lực lượng chức năng đã có nhiều nỗ lực trong đấu tranh ngăn chặn và xử lý các hành vi khai thác cát, sỏi trái phép, từng bước đưa hoạt động quản lý, khai thác khoáng sản đi vào nền nếp.

Trước thực trạng khai thác cát, sỏi trái phép trên địa bàn tỉnh Điện Biên diễn ra tự phát ở các nhánh sông, suối với quy mô hộ gia đình, trữ lượng nhỏ không thành mỏ nên chưa đáp ứng được các trình tự, thủ tục xin cấp phép khai thác theo quy định đã dẫn đến những khó khăn trong công tác quản lý cho cơ quan chức năng và gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng do hệ lụy từ hoạt động khai thác, UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo ngành TN&MT tỉnh, các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp, trong đó, trọng tâm là công tác quản lý hoạt động thăm dò, khai thác, vận chuyển và tiêu thụ cát, sỏi lòng sông, suối trên địa bàn tỉnh.

a2.jpg

Công tác quản lý cát sỏi lòng sông suối ngày càng được các lực lượng chức năng tỉnh Điện Biên quản lý chặt chẽ

Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước trong lĩnh vực khoáng sản, Sở TN&MT đã chủ trì, phối hợp với các địa phương, cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về khoáng sản, tạo sự chuyển biến rõ nét về nhận thức và hành động đối với công tác bảo vệ khoáng sản từ các cấp quản lý đến các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân...

Đồng thời, chú trọng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật khoáng sản của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về khoáng sản nói chung và hoạt động khai thác, sử dụng cát, sỏi lòng sông; kiên quyết dừng khai thác, đóng cửa mỏ, yêu cầu cải tạo, phục hồi môi trường đối với những khu vực vi phạm, khai thác không hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường theo quy định pháp luật; xử lý nghiêm hoạt động khai thác, buôn bán vận chuyển, xuất khẩu khoáng sản trái phép, rà soát kiểm tra công tác đóng cửa mỏ đối với các giấy phép khai thác khoáng sản đã hết hiệu lực theo quy định. Tổ chức các Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện, xã để kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trái phép, tập kết, vận chuyển, kinh doanh khoáng sản trái phép, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo điều kiện kinh doanh.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Điện Biên có 26 giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực. Trong đó, 18 giấy phép khai thác đá và 4 giấy phép khai thác cát làm vật liệu xây dựng thông thường, 2 giấy phép khai thác than, giấy phép khai thác chì kẽm và 1 giấy phép khai thác đá vôi làm nguyên liệu sản xuất xi măng.

Sở TN&MT phối hợp với Công an tỉnh và các cơ quan đơn vị liên quan định kỳ 1 quý/lần (không kể đột xuất) kiểm tra việc khai thác theo đúng các nội dung được quy định tại Giấy phép, không để xảy ra tình trạng khai thác trái phép, khai thác ngoài khu vực cấp phép khai thác. Tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát những nơi thường xảy ra khai thác khoáng sản trái phép, không để xảy ra các điểm nóng về hoạt động hoạt động khoáng sản trái phép trên địa bàn.

Đối với các dự án khai thác cát, sỏi lòng sông, việc thẩm định cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản phải đảm bảo các quy định của Luật Khoáng sản năm 2010, Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24/2/2020 của Chính phủ quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông cùng các văn bản hướng dẫn của Bộ, ngành Trung ương, địa phương. Cơ quan chức năng tỉnh thường xuyên rà soát các Quy hoạch, phối hợp với Sở Xây dựng dự báo về vật liệu xây dựng tại các địa phương, khảo sát khu vực có tiềm năng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường như cát, sỏi, đá… để tích hợp vào quy hoạch tỉnh, đảm bảo phù hợp với Luật Khoáng sản, Luật Quy hoạch và các quy định pháp luật có liên quan nhằm đáp ứng nhu cầu xây dựng trên địa bàn tỉnh và nâng cao hiệu quả quản lý bảo vệ tài nguyên khoáng sản.

Cùng với đó, tập trung chỉ đạo quản lý hoạt động thăm dò, khai thác, vận chuyển, tiêu thụ cát, sỏi lòng sông, suối, nhất là các tuyến sông, suối giáp ranh giữa các xã, huyện và tỉnh. Tổ chức các Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện, xã để kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trái phép, tập kết, vận chuyển, kinh doanh khoáng sản trái phép, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo điều kiện kinh doanh.

Trên địa bàn Điện Biên có 5 loại khoáng sản gồm: Cát, đá, than, chì, kẽm được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp phép khai thác. Trong đó điểm mỏ khai thác đá làm VLXDTT với tổng trữ lượng được phép khai thác trên 18,2 triệu m3, điểm mỏ khai thác than là 351.416 tấn, điểm mỏ khai thác cát 354.876,7 m3, điểm mỏ khai thác đá vôi làm nguyên liệu sản xuất xi măng 12,78 triệu m3 và điểm mỏ khai thác chì kẽm là 244.076 tấn.

Đặc biệt, tỉnh Điện Biên tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền; đề cao vai trò của người đứng đầu trong công tác quản lý, sử dụng tài nguyên tại địa phương; giao Chủ tịch UBND các cấp phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, ô nhiễm môi trường, lợi dụng việc nạo vét, khơi thông luồng để khai thác cát, sỏi trái phép trên địa bàn quản lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điện Biên siết chặt hoạt động khai thác cát, sỏi: Đề cao vai trò của người đứng đầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO