Cánh đồng Mường Thanh với thương hiệu gạo Điện Biên nức tiếng. |
Điện Biên có tổng diện tích tự nhiên là 950 nghìn ha, trong đó, đất đang sử dụng vào sản xuất nông, lâm nghiệp chiếm hơn 75%, đây là nguồn tài nguyên quý giá để địa phương này tập trung phát triển kinh tế cũng như đảm bảo môi trường sinh thái.
Theo thống kê năm 2019, Điện Biên đã hỗ trợ xây dựng và cấp giấy chứng nhận cho thêm 6 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, nâng tổng số chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh lên 19 chuỗi. Cùng với đó, cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 3 dự án đầu tư vào nông nghiệp với tổng số vốn là 688,9 tỷ đồng. Việc thực hiện tái cơ cấu trong nông nghiệp đã góp phần nâng cao tiêu chí hình thành tổ chức sản xuất tạo việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo trong xây dựng NTM.
Ông Bùi Minh Hải – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Thời gian qua, Ngành nông nghiệp đã phối hợp chặt chẽ của với cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc thực hiện hiệu quả kế hoạch phát triển nông, lâm nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh đạt được kết quả khả thi. Trong đó, việc phát huy tiềm năng nông, lâm nghiệp luôn được chú trọng, nhất tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Hiện Điện Biên có 19 chuỗi sản phẩm an toàn và tăng hơn so với năm 2018 là 6 chuỗi; trong năm 2019 có trên 10 sản phẩm được công nhận đạt 3 - 4 sao về OCOP…
Bên cạnh đó, hàng năm, Điện Biên đã có nhiều chính sách và giải pháp để khuyến khích các hợp tác xã nông nghiệp nâng cao năng suất, sản lượng cũng như chất lượng gạo Điện Biên, trong đó tập trung vào việc đổi mới phương thức canh tác như: Thay đổi giống, kỹ thuật gieo trồng; khuyến khích, ưu đãi cho việc đầu tư ứng dụng công nghệ cao, cơ giới hóa vào sản xuất.
Đoàn công tác lãnh đạo tỉnh Điện Biên kiểm tra Dự án trồng cây mắc ca tại huyện Mường Nhé. |
Một trong những điển hình về đầu tư nâng cao chất lượng gạo Điện Biên là HTX Nông nghiệp Công nghệ cao bản Mé, xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên. Hiện HTX có trên 50 thành viên, hầu hết các thành viên đều là những nông dân trực tiếp sản xuất lúa gạo tại cánh đồng Mường Thanh. Những năm qua, HTX đã tập trung sản xuất lúa gạo, chủ yếu là giống lúa Hương Việt và Séng Cù. Đây là 2 loại gạo có chất lượng ngon hàng đầu ở Điện Biên.
Lúa của HTX Nông nghiệp Công nghệ cao được gieo cấy theo kỹ thuật “Hiệu ứng hàng biên”, giúp cho việc canh tác dễ dàng, giảm bớt chi phí từ công lao động, lượng giống, thuốc bảo vệ thực vật mà vẫn đảm bảo năng suất, sản lượng. Cùng với canh tác theo phương thức tiên tiến, HTX còn đầu tư hệ thống sàng lọc hiện đại để loại bỏ những hạt gạo kém chất lượng từ hình thức bên ngoài đến chất lượng dinh dưỡng. Mới đây, HTX đã đầu tư thêm hệ thống kho làm lạnh hiện đại, phục vụ cho việc bảo quản thóc gạo, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng gạo Điện Biên.
Phát huy tiềm năng sẵn có của địa phương, Điện Biên đang nỗ lực trong sản xuất nông, lâm nghiệp. |
Cùng với sản xuất lúa gạo, tiềm năng nông, lâm nghiệp tại Điện Biên còn được phát triển bằng nhiều sản phẩm khác ở các huyện trong toàn tỉnh như: Ngô, đậu tương ở Tuần Giáo; chè Tuyết San ở Tủa Chùa; cà phê ở Mường Ảng; chăn nuôi đại gia súc ở Mường Nhé, Nậm Pồ, Mường Chà. Phát triển rừng sản xuất với các loại cây công nghiệp ở hầu hết các địa phương trong tỉnh.
Phát huy tiềm năng thế mạnh sẵn có tại địa phương, Điện Biên tiếp tục ưu tiên cho việc xúc tiến đầu tư – đây là một trong những yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả nâng cao giá trị sản phẩm và liên kết sản xuất với tiêu thụ để đảm bảo ổn định thị trường đầu ra cho sản phẩm. Hiện tại, tỉnh Điện Biên đang tiến hành xúc tiến đầu tư các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao như: Cây mắc ca, cà phê, cây cam và các loại cây ăn quả, cây công nghiệp có giá trị cao. Song song với đầu tư sản xuất lúa và trồng các loại cây có giá trị cao đó là việc mời gọi đầu tư cho chế biến các sản phẩm nông nghiệp...