Điện Biên: Nông dân chủ động thích nghi với biến đổi khí hậu
(TN&MT) - Điện Biên nằm ở nơi lòng chảo, vốn có khí hậu khắc nghiệt do đặc trưng của gió Lào, những năm gần đây do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BĐKH) càng làm cho khí hậu, thời tiết có diễn biến phức tạp. Chính vì vậy, tình hình nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Điện Biên cần phải thích nghi với BĐKH trong sản xuất nông nghiệp. Trước bối cảnh đó, Hội Nông dân đã có những hành động thiết thực, hỗ trợ hội viên và nông dân để chủ động thích nghi với điều kiện thời tiết, môi trường hiện nay.
Trong năm 2023, tổng sản lượng lương thực ước đạt 285.519 tấn, bình quân lương thực đầu người 500 kg/người/năm. Nông nghiệp đã góp phần đảm bảo an ninh lương thực trong tỉnh Điện Biên. Tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm được duy trì và phát triển, các mô hình trang trại, gia trại, tỷ trọng chăn nuôi tăng bình quân hàng năm đạt 3,6%. Công tác trồng, chăm sóc bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng được quan tâm, duy trì và phát triển diện tích cao su và mắc ca, cây dược liệu dưới tán rừng, góp phần nâng độ che phủ rừng của tỉnh tăng lên 43,54%.
Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình sản xuất nông nghiệp của tỉnh vẫn đứng trước những khó khăn thách thức. Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế. Quy mô sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún, giá trị gia tăng thấp; các sản phẩm trao đổi trên thị trường chủ yếu là sản phẩm thô, giá trị chưa cao. Vấn đề liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ hàng hóa nông sản chưa vững chắc, các doanh nghiệp lớn chưa quan tâm đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tại tỉnh. Biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến thất thường, dịch bệnh gia súc, gia cầm vẫn còn xảy ra, tác động, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.
Trao đổi với chúng tôi, bà Vàng Thị Bình, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Điện Biên, cho biết: Các cấp Hội, Trung tâm hỗ trợ nông dân đã chủ động xây dựng Kế hoạch triển khai các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt, các lớp dạy nghề ngắn hạn cho hội viên, nông dân gắn với các giải pháp thích nghi với khí hậu môi trường sống cho cây trồng vật nuôi. Kết quả: Hội Nông dân tỉnh tổ chức 21 lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm; tập huấn về xây dựng chi, tổ Hội nghề nghiệp cho 2.210 hội viên, nông dân. Trung tâm Hỗ trợ, Hội Nông dân tỉnh tổ chức 12 lớp đào tạo nghề cho 413 hội viên, nông dân. Các cấp Hội phối hợp tổ chức 4.112 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 20.255 lượt hội viên, nông dân. Các huyện, thị, thành phố phối hợp tổ chức 95 lớp dạy nghề cho 3.325 lượt người.
Cùng với đó, để chủ động ứng phó với BĐKH, cũng như giúp nông dân chủ động trong sản xuất nông nghiệp, trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh Điện Biên đã hỗ trợ và giới thiệu cho các hội viên, nông dân những địa chỉ tin cậy về cây trồng, vật nuôi; cung cấp trên 10.000 cây ăn quả gồm: xoài, mít thái, bưởi da xanh, na thái, táo Đài Loan... trên 5.000 con giống gồm gà, ngan, ngỗng; phối hợp cung ứng 50 tấn phân bón hữu cơ. Điều này góp phần giúp nông dân yên tâm sản xuất, tiếp cận được những giống cây trồng và con giống hiện đại, phù hợp với tình hình BĐKH và thời tiết hiện nay trên địa bàn tỉnh Điện Biên.
Song song với đó, để hỗ trợ nông dân trong vấn đề liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ hàng hóa nông sản, Hội nông dân phối hợp Bưu điện tỉnh tổ chức các hội nghị tập huấn cho 1.000 cán bộ, hội viên, nông dân và các hợp tác xã về các xúc tiến thương mại, cơ chế bán hàng cho cộng tác viên, đại lý các cấp hội. Cùng với đó, Hội nông dân cũng phối hợp với Sở Công thương quảng bá, giới thiệu, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm mở gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm cho hội viên, nông dân.