Điện Biên: Nhiều sai phạm tại nhà máy chế biến tinh bột sắn

17/01/2018 09:05

(TN&MT) – Liên quan đến sự việc suối Nậm Núa, đoạn chảy qua địa bàn 2 xã Hẹ Muông và Núa Ngam, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên bị ô nhiễm nghiêm trọng, khiến cá chết nổi trắng bề mặt, Báo Tài nguyên và Môi trường tiếp tục tìm hiểu thông tin và phát hiện nhiều vi phạm tại Nhà máy chế biến tinh bột sắn xã Hẹ Muông được xây dựng với tổng mức đầu tư trên 70 tỷ đồng.

Nhà máy chế biến sắn tại xã Hẹ Muông, huyện Điện Biên
Nhà máy chế biến sắn tại xã Hẹ Muông, huyện Điện Biên 

Kỳ vọng từ dự án FDI đầu tiên

Dự án đầu tư Nhà máy Chế biến tinh bột sắn xã Hẹ Muông được UBND tỉnh Điện Biên phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 189/QĐ-UBND ngày 15/3/2017. Dự án có tổng vốn đầu tư 70 tỷ đồng; công suất hoạt động 80 tấn sản phẩm tinh bột sắn/ngày. Diện tích mặt đất sử dụng 20.000m2 do các nhà đầu tư: Đỗ Dũng, Lưu Minh Dương, Tống Lập Pú (quốc tịch Trung Quốc) và nhà đầu tư Đinh Văn Toản, trú tại TP. Điện Biên Phủ đầu tư (trong đó, nhà đầu tư Trung Quốc góp 90% tổng vốn đầu tư).

Việc UBND tỉnh phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án xây dựng Nhà máy chế biến tinh bột sắn vừa qua đã góp phần thực hiện thành công mục tiêu đề ra của Chương trình xúc tiến đầu tư giai đoạn 2016 - 2017. Đây cũng là thành quả cho sự nỗ lực của tỉnh Điện Biên trong việc triển khai và thực hiện các giải pháp thu hút đầu tư nói chung và thu hút đầu tư FDI nói riêng.

Mục tiêu dự án là thu mua sản phẩm sắn củ và sắn lát thái khô để chế biến thành tinh bột sắn, hình thành mô hình sản xuất chuỗi liên kết khép kín giữa người dân và doanh nghiệp; nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập cho nông dân, góp phần thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.

Việc xây dựng nhà máy sẽ giúp giải quyết đầu ra cho sản phẩm sắn của người dân địa phương, ổn định sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần cải thiện đời sống cho bà con nông dân trong vùng; đóng góp vào sự thay đổi bộ mặt nông thôn mới, xây dựng vùng chuyên canh tại huyện Điện Biên nói riêng, tỉnh Điện Biên nói chung; tạo công ăn việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho khoảng 100 lao động địa phương…

Dòng suối Nậm Núa bị ô nhiễm nghiêm trọng sau khi xảy ra sự cố vỡ bể chứa nước thải.
Dòng suối Nậm Núa bị ô nhiễm nghiêm trọng sau khi xảy ra sự cố vỡ bể chứa nước thải.

Và thất vọng khi quá nhiều sai phạm

Sau khi xảy ra sự cố vỡ bể chứa chất thải của nhà máy chế biến tinh bột sắn, nhiều người dân sinh sống trên địa bàn các xã Hẹ Muông và Núa Ngam, huyện Điện Biên, phản ánh tình trạng nước suối Nậm Núa bị ô nhiễm nghiêm trọng, khiến cho cá và các loài thủy sinh bị chết hàng loạt nổi trắng trên bề mặt.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường, tại trụ sở của nhà máy này vào trưa ngày 15/1, hoạt động thu gom sắn vẫn diễn ra, còn các hoạt động sơ chế đã tạm dừng. Ao chứa chất thải của nhà máy đã bị vỡ phần phía đuôi, khiến toàn bộ nước thải chưa qua xử lý trong ao tràn toàn bộ ra suối Nậm Núa, gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Ông Cao Đăng Nghị, Phó Chủ tịch UBND xã Núa Ngam, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên cho biết: "Ngay sau khi phát hiện sự cố xã đã tổ chức đoàn công tác của xã xuống trực tiếp hiện trường, xuống lòng suối của xã Núa Ngam để kiểm tra và đã thu nhận các hình ảnh trực tiếp về nguồn nước nó bị ô nhiễm, màu rất khó chịu ảnh hưởng tới sức khỏe bà con. Sinh vật dưới nước là cũng chết hết, nổi hết lên".

Ngay khi sự cố xảy ra, đại diện lãnh đạo UBND huyện Điện Biên, Chi cục Bảo vệ môi trường và Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Điện Biên đã có buổi làm việc với ban lãnh đạo Công ty cổ phần tinh bột Hồng Diệp về vấn đề này. Tại buổi kiểm tra, đại diện công ty Hồng Diệp cũng xác nhận, vào ngày 14/1 vừa qua, do công ty sản xuất hết công suất các dây chuyền, nên bể chứa bị tăng áp lực, dẫn đến vỡ ao, tràn toàn bộ chất thải chưa xử lý ra môi trường gây ô nhiễm.

3. Người dân đổ xô đi vớt cá và các loài thủy sinh bị chết do ô nhiễm
Người dân đổ xô đi vớt cá và các loài thủy sinh bị chết do ô nhiễm

Điều đáng nói, trước khi xảy ra xự cố, ngày 11.1, Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an tỉnh Điện Biên đã phối hợp với Chi cục Môi trường tiến hành kiểm tra việc xây dựng, xử lý khu vực bể chứa nước thải của nhà máy. Tại thời điểm kiểm tra, Công ty chưa xây dựng xong hệ thống xử lý rác thải, đoàn kiểm tra đã yêu cầu Công ty cổ phần Hồng Diệp dừng mọi hoạt động, phải xây dựng xong hệ thống xử lý nước thải, mới được hoạt động.

Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Nguyễn Tuấn Bắc, Phó trưởng Phòng cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Điện Biên cho biết: "Sau khi phối hợp với Chi cục môi trường xuống kiểm tra về việc xây dựng các hệ thống xử lý nước thải của công ty, xác định công ty này chưa xây dựng xong hệ thống xử lý nước thải, chúng tôi cũng đã yêu cầu dừng các hoạt động để hoàn thiện các thủ tục trước khi đi vào hoạt động. Tuy nhiên, công ty vẫn cố tình hoạt động để xảy ra sự cố vỡ ao chứa nước thải dẫn đến việc phát tán nước thải ra môi trường. Trước mắt chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra đánh giá lại toàn bộ thủ tục pháp lý liên quan đến dự án này, lấy mẫu để phân tích, trên cơ sở đó để xác định mức độ ô nhiễm, căn cứ vào những kết quả kiểm tra, xác định sai phạm, kiến nghị với các cơ quan chức năng xử lý theo đúng quy định của pháp luật".

Tại buổi kiểm tra, đoàn công tác liên ngành cũng đã chỉ ra nhiều sai phạm của công ty cổ phần tinh bột Hồng Diệp về các thủ tục pháp lý, như: việc thực hiện lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, chưa xây dựng quy hoạch chi tiết và chưa hoàn thiện các thủ tục về đất đai theo quy định… 

4. Việc sử dụng cá chết do ô nhiễm làm thức ăn có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Việc sử dụng cá chết do ô nhiễm làm thức ăn có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Trong khi đó, theo khoản 5, Điều 3, Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư của UBND tỉnh Điện Biện Biên, quy định: “Nhà đầu tư chỉ được triển khai dự án sau khi được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường( nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường phải làm rõ nội dung xử lý nước thải, chất thải rắn và cơ chế kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước trong quá trình vận hành nhà máy.”

Ông Bùi Hải Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Biên, cho biết: "Theo quy trình kỹ thuật là phải qua hệ thống xử lý Biogas, qua các hệ thống bể chứa, bể lắng, bể lọc, theo quy trình của nó mới được xả thải ra môi trường. Tuy nhiên hiện tại đơn vị thực hiện không đúng quy trình, tự ý đào những hố đất giáp bờ suối, hoạt động mạnh vào ban đêm và trong quá trình hoạt động chất thải đã vượt quá giới hạn nên gây vỡ bờ chứa. Về vấn đề này chúng tôi cũng đã cương quyết yêu cầu đơn vị dừng hoạt động và tiếp tục chỉ đạo các phòng ban cơ quan chuyên môn thuộc huyện tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường giám sát hoạt động".

Có thể thấy, việc xây dựng nhà máy chế biến sắn là tín hiệu vui cho những người nông dân khi có đơn vị trực tiếp thu mua nông phẩm với giá cao hơn mọi năm. Tuy nhiên, việc doanh nghiệp “bất chấp” để vận hành nhà máy khi chưa đủ điều kiện là trái với quy định của pháp luật. Và hậu quả là vỡ bể chứa nước thải chưa qua xử lý, gây ô nhiễm nguồn nước, hủy hoại thủy sinh sông Nậm Núa, gây bức xúc và hoang mang cho người dân.

Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin vụ việc./.

    (0) Bình luận
    Nổi bật
    Đừng bỏ lỡ
    Điện Biên: Nhiều sai phạm tại nhà máy chế biến tinh bột sắn
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO