Điện Biên: Nhân rộng mô hình hầm Biogas
(TN&MT) - Xây dựng công trình khí sinh học, tận dụng chất thải trong chăn nuôi không chỉ giúp người dân tiết kiệm chi phí về khí đốt mà còn xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường
Hệ thống bể chứa biogas của gia đình anh Lê Minh Điều, đội 5, xã Thanh ph Hưng được xây ngầm dưới đất, nhờ đó chất thải chăn nuôi không gây ô nhiễm môi trường.
Gia đình anh Lê Minh Điều, đội 5, xã Thanh Hưng (huyện Điện Biên) là một trong những hộ chăn nuôi lợn quy mô lớn. Trước đây, toàn bộ chất thải được anh Điều cho xuống bể chứa trước khi dùng làm phân bón cho cây trồng. Mặc dù được che chắn cẩn thận nhưng vẫn gây mùi hôi thối, ảnh hưởng đến hàng xóm xung quanh. Qua nhiều kênh thông tin, tìm hiểu, anh Điều biết được công dụng của hầm biogas tạo ra một loại khí đốt bằng việc tận dụng chất thải chăn nuôi. Cách đây 9 năm, anh đầu tư 13 triệu đồng xây hầm khí sinh học biogas bằng vật liệu composite.
Từ ngày sử dụng hệ thống biogas, vấn đề ô nhiễm môi trường được xử lý triệt để, gia đình anh tiết kiệm được chi phí nhiên liệu cho sinh hoạt hàng ngày. Anh Điều cho biết: Đó chưa phải là lợi ích lớn nhất mà hầm khí sinh học này đem lại. Chất thải chăn nuôi sau khi được xử lý qua hầm biogas trong môi trường yếm khí sẽ được tách bã và nước thải.
Nguồn nước thải này tận dụng để bón cho hơn 2.000m2 rau gia vị của gia đình. Nhờ đó, năng suất và sản lượng rau cao hơn hẳn so với các loại phân bón hữu cơ trước đây, đồng thời tiết kiệm được chi phí đáng kể về đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
Năm 2017, thực hiện hỗ trợ cải thiện môi trường theo nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã Thanh Hưng đã họp bàn và thống nhất sử dụng nguồn vốn này hỗ trợ xây hầm biogas. Toàn xã có 21 hộ đăng ký xây hầm biogas.
Ông Vì Văn Biến, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Hưng cho biết: Sử dụng hầm biogas mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy vậy, theo Thông tư số 43/2017/TT-BTC ngày 12/5/2017 của Bộ Tài chính và Quyết định số 14/2018/QĐ-UBND tỉnh về quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2017 - 2020 trên địa bàn tỉnh Điện Biên, đối tượng được hỗ trợ các công trình khí sinh học biogas hoặc đệm lót sinh học đối với lợn và gia cầm là hộ nghèo, hộ cận nghèo và gia đình chính sách trên địa bàn các xã.
Trong khi đó, những hộ thuộc diện hỗ trợ trên địa bàn xã Thanh Hưng đa phần là hộ không chăn nuôi hoặc chăn nuôi ít nên không có nhu cầu xây hầm biogas; ngoài ra những hộ này không đủ vốn đối ứng với chương trình. Vì vậy chương trình xây hầm biogas chưa thực sự mạnh mẽ, nhân rộng. Những hộ đăng ký thời gian qua, đều chăn nuôi vừa và nhỏ, có nhu cầu mở rộng phát triển chăn nuôi nhưng do chi phí xây hầm biogas tương đối cao nên chưa làm được.
Năm 2006, vợ chồng anh Bùi Văn Lực, đội 5, xã Thanh Hưng phát triển chăn nuôi nên đầu tư hơn chục triệu đồng xây dựng hầm biogas.
Mặc dù, đã sử dụng hơn 10 năm, nhưng hầm biogas của gia đình anh Lực vẫn hoạt động tốt. Có thời điểm, đàn lợn của gia đình anh Lực tăng lên 60 - 70 con (cả lợn sữa và lợn thịt) song, chưa bao giờ anh phải lo lắng về tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi.
Anh Lực chia sẻ: Hiệu quả từ sử dụng hầm chứa biogas, người dân ai cũng nhận thấy. Tuy vậy, kinh phí đầu tư ban đầu tương đối cao đối với nhiều hộ chăn nuôi quy mô nhỏ. Điều này tác động trực tiếp đến quyết định đầu tư của nông dân nhằm giải quyết vấn đề xử lý chất thải.
Để khuyến khích nông dân sử dụng hầm biogas nhiều hơn, mong rằng Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ phù hợp hơn.