(TN&MT) - Lực lượng phòng, chống thiên tai tại các cơ sở có vai trò rất quan trọng trong việc nắm bắt tình hình; xác định những đối tượng chịu ảnh hưởng; vấn đề khắc phục hậu quả thiên tai; khu vực dễ bị chia cắt... Do đó, cần thường xuyên tăng cường kiến thức, kiện toàn lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã.
Điện Biên là một trong những địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng của nhiều loại hình thiên tai như: Mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất, dông, sét... gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Để từng bước giảm thiểu thiệt hại, tỉnh Điện Biên chú trọng nâng cao năng lực cho lực lượng phòng, chống thiên tai tại cơ sở về nắm bắt tình hình, xác định những đối tượng chịu ảnh hưởng, khắc phục hậu quả thiên tai.
Trước thực tế đó, nhằm giảm thiểu thiệt hại về thiên tai, nâng cao năng lực lực lượng PCTT tại cơ sở, Trong đó, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Điện Biên đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác phòng, chống thiên tai cấp huyện, thị, xã phường và thành phố.Thông qua hội nghị tập huấn nâng cao năng lực cho lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã. Trong năm qua, đã tổ chức diễn tập Ứng phó bão lụt và tìm kiếm cứu nạn tại huyện Điện Biên với 425 lượt người tham gia, đạt kết quả giỏi; diễn tập Ứng phó cháy rừng và TKCN tại huyện Điện Biên Đông với 539 lượt tham gia, đạt kết quả giỏi; tổ chức diễn tập Ứng phó bão, lụt và TKCN cho 9 cơ sở cấp xã với 1.817 lượt tham gia; diễn tập Ứng phó cháy rừng và TKCN cho 11 cơ sở với 2.340 lượt tham gia.
Ông Nguyễn Đức Đặng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Điện Biên cho biết: Hiện nay, lực lượng xung kích tại 129/129 xã, phường, thị trấn đã thành lập, kiện toàn theo Hướng dẫn số 08/QĐ-TWPCTT ngày 27/3/2021 của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT. Nhờ đó, các địa phương đã chủ động trong công tác khắc phục hậu quả, vận động các lực lượng tại chỗ khắc phục nhanh hậu quả thiên tai giúp người dân sớm ổn định cuộc sống. Đồng thời, đôn đốc các địa phương rà soát kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT-TKCN của cấp mình; phân công trách nhiệm cụ thể các thành viên phụ trách đôn đốc công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai ở các địa bàn, công trình trọng điểm. Tổ chức rà soát, đánh giá hiện trạng và bổ sung các phương án, kế hoạch, giải pháp để sẵn sàng ứng phó với thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ” phù hợp với từng địa phương.
Có thể thấy, lực lượng PCTT nhất là tại các cơ sở có vai trò rất quan trọng trong việc nắm bắt tình hình, nắm bắt những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề cần được hỗ trợ, đến vấn đề khắc phục hậu quả thiên tai, nhất là khu vực dễ bị chia cắt. Do đó, cần thường xuyên tăng cường kiến thức, kiện toàn lực lượng xung kích PCTT cấp xã. Đây là lực lượng chủ chốt tại chỗ, tham gia xử lý, phối hợp trong việc phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai; tham gia xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch PCTT, phương án ứng phó; tập huấn, diễn tập ứng phó, khắc phục hậu quả và tuyên truyền phổ biến nâng cao nhận thức, kỹ năng và trách nhiệm của nhân dân trong PCTT.