Điện Biên: Lộ trình xóa bỏ gạch nung – bao giờ dứt điểm?

26/06/2019 08:34

(TN&MT) – Theo lộ trình được UBND tỉnh Điện Biên đặt ra, đến 31/12/2017, sẽ chấm dứt hoạt động đối với toàn bộ các lò sản xuất gạch đất sét nung. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, tỉnh Điện Biên vẫn còn 10 lò sản xuất gạch nung đất sét đang hoạt động.

Hiện trên địa bàn tỉnh Điện Biên vẫn tồn tại 10 cơ sở sản xuất gạch đất sét nung.
Hiện trên địa bàn tỉnh Điện Biên vẫn tồn tại 10 cơ sở sản xuất gạch đất sét nung.

Ngày 31/7/2014, UBND tỉnh Điện Biên ra Văn bản số 2761/KH-UBND nêu rõ lộ trình xóa bỏ các lò gạch đất sét nung. Theo đó, sau 31/12/2014 phải chấm dứt hoạt động sản xuất gạch, ngói đất sét nung bằng lò thủ công, lò thủ công cải tiến (hiện tại đã xóa bỏ hoàn toàn); đối với lò đứng liên tục, sau ngày 31/12/2016 phải chấm dứt hoạt động; đối với lò vòng, hết 31/12/2017 phải chấm dứt hoạt động.

Nhưng đến nay mới chỉ có các lò gạch thủ công được xóa bỏ. Hiện, trên địa bàn tỉnh Điện Biên vẫn còn 10 đơn vị sản xuất gạch đất sét nung với tổng công suất thiết kế gần 90 triệu viên/năm, trong đó có 1 lò Tuynel; 3 lò đứng liên tục (1 lò đang tạm dừng hoạt động) và 6 lò vòng.

Ông Bùi Văn Luyện, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Điện Biên cho biết: Mặc dù đã được tuyên truyền, phổ biến các quy định của Nhà nước về việc sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng cũng như về lộ trình xóa bỏ lò gạch thủ công, thủ công cải tiến; lò đứng liên tục và lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch và những nguy cơ, tác hại của nó. Song, đến nay Điện Biên chưa thể xóa bỏ hoàn toàn các lò gạch nung bằng đất sét. Phần lớn do thói quen sử dụng, nên hầu hết các công trình kiên cố của người dân trên địa bàn tỉnh Điện Biên chủ yếu xây bằng “gạch đỏ”. Gạch bằng bột đá (gạch không nung) chưa chiếm lĩnh được thị trường, một phần do thói quen sử dụng của người dân, một phần do chất lượng một số đơn vị sản xuất gạch không nung chưa đảm bảo, chưa chủ động tuyên truyền, tiếp thị đến người dân. Cùng với đó, sự vào cuộc của một số đơn vị, chính quyền địa phương trong việc quyết tâm xóa bỏ gạch nung đất sét chưa thực sự rốt ráo. Nên các lò gạch nung đất sét chưa bị xóa sổ hoàn toàn.

ảnh


Theo quy định của Thông tư số 13/2017/TT-BXD ngày 08/12/2017, của Bộ Xây dựng, đối với các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn nhà nước ngoài ngân sách, vốn vay của doanh nghiệp có vốn nhà nước lớn hơn 30% phải sử dụng vật liệu xây không nung trong tổng số vật liệu xây, theo đó đối với Đô thị loại III trở lên, các công trình xây dựng phải sử dụng tối thiểu 70%, các khu vực còn lại phải sử dụng tối thiểu 50%. Các công trình xây dựng từ 9 tầng trở lên phải sử dụng tối thiểu 80% vật liệu xây không nung trong tổng số vật liệu xây. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều công trình có vốn đầu tư từ nguồn ngân sách trên địa bàn tỉnh Điện Biên vẫn còn nhiều dự toán phê duyệt bằng “gạch đỏ”.

Nhu cầu sử dụng gạch đỏ trong xây dựng của người dân vẫn còn rất lớn.
Nhu cầu sử dụng gạch đỏ trong xây dựng của người dân vẫn còn rất lớn.

Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Minh Cương, Chủ tịch UBND xã Thanh Xương, huyện Điện Biên cho biết: Hiện trên địa bàn xã có 2 đơn vị sản xuất gạch đất nung theo công nghệ lò vòng vẫn đang hoạt động, với chức năng nhiệm vụ của mình, địa phương sẽ phối hợp với cơ quan chức năng tiếp tục tuyên truyền để các cơ sở sản xuất gạch đất nung có kế hoạch chuyển đổi dây chuyền sản xuất phù hợp với quy định và tiến tới đóng cửa những cơ sở sản xuất gạch đất sét nung theo quy định phải xóa bỏ.

Sinh sống cạnh cơ sở sản xuất gạch nhiều năm nay, ông Tòng Văn Thưởng, người dân đội 2, xã Thanh An, huyện Điện Biên bức xúc: Chúng tôi cũng đã nhiều lần kiến nghị nhưng lò gạch này vẫn chưa bị đóng cửa. Hàng ngày, chúng tôi phải ngửi mùi khét từ lò gạch rất khó chịu, nhất là về ban đêm. Hơn thế, vườn cây ăn quả chúng tôi trồng không thể ra hoa, kết trái. Chúng tôi mong muốn các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung nên sớm bị đóng cửa hoặc có biện pháp chuyển đổi, thay thế dây chuyền công nghệ để đảm bảo môi trường, an toàn đến sức khỏe của người dân.

Cơ sở sản xuất gạch đất sét nung tại xã Thanh Xương, huyện Điện Biên.
Cơ sở sản xuất gạch đất sét nung tại xã Thanh Xương, huyện Điện Biên.

Nếu theo đánh giá của Sở xây dựng tỉnh Điện Biên thì hiện tại, nhu cầu sử dụng gạch đất nung của người dân trên địa bàn vẫn còn rất lớn, do đó các cơ sở sản xuất gạch đất nung vẫn hoạt động, chưa thể dừng hoạt động để chuyển đổi sang sản xuất gạch xây không nung. Như vậy, việc các cơ sở gạch nung đất sét trên địa bàn tỉnh Điện Biên đang viện cớ nhu cầu sử dụng của người dân để tồn tại. Hay còn vướng mắc gì trong quá trình triển khai mà dẫn đến việc xóa bỏ lò gạch nung đất sét của tỉnh này đang chậm trễ? Nhiều lò gạch nung đất sét vẫn hoạt động mạnh mẽ. Cứ đà này bào giờ Điện Biên xóa bỏ được những lò gạch nung đất sét với những dây chuyền, kỹ thuật lạc hậu có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường như khuyến cáo?

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điện Biên: Lộ trình xóa bỏ gạch nung – bao giờ dứt điểm?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO