(TN&MT) - Điện Biên đang nắm giữ “khối tài sản giá trị” về di tích, hang động nhưng để phát huy được hiệu quả, khối tài sản quý giá này trong phát triển du lịch, thu hút du khách và tạo ấn tượng, phát huy đúng giá trị đích thực của nó làm nền tảng phát triển kinh tế - xã hội thì vẫn còn nhiều việc cần phải làm.
Việc giới thiệu, quảng bá ở các khu di tích lịch sử còn đơn điệu
Phát huy giá trị di tích
Trong mỗi lần trò chuyện với ông Nguyễn Văn Năm, Trưởng phòng Nghiệp vụ Du lịch của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên tôi đều rất ấn tượng về đánh giá, nhìn nhận của ông về phát triển du lịch các đểm di tích lịch sử trên địa bàn.
Ông Năm từng chia sẻ: Muốn phát triển hơn nữa các di tích, thu hút khách du lịch và tạo cho họ ấn tượng khi đến với Điện Biên, khi tham quan các điểm di tích thì cần phải có chung tay góp sức, ý thức không chỉ riêng ai. Trước hết, công tác bảo tồn, trùng tu, đầu tư xây dựng các khu di tích phải có tầm nhìn chiến lược không làm mất đi giá trị lịch sử, hồn cốt của quá khứ và làm thế nào để các điểm di tích luôn sinh động, thể hiện được tầm vóc chiến thắng, hào khí nhưng vẫn mềm mại, tinh tế giữa giá trị lịch sử và hiện tại.
Chia sẻ của ông Năm khiến tôi nhớ lại nhiều lần đưa các đoàn khách du lịch đi tham quan đồi A1, hầm Đờ - cát và Khu sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ tại Mường Phăng… Các du khách khi trở về điều có chung nhận xét: Việc tham quan, du lịch, tìm hiểu như tự “mầy mò”. Bởi theo họ, những điểm di tích lớn cần phải đan xen bằng khoa học hiện đại để tái hiện lại lịch sử như: Bố trí sa bàn, chiếu phim và hướng dẫn viên am hiểu, chuyên nghiệp. Bởi khi đến đây có rất nhiều thế hệ: Cựu chiến binh, người già, thanh niên, học sinh… Họ cần có được niềm tự hào qua những hình ảnh minh họa sinh động, vốn hiểu biết cần thiết về lịch sử, thời gian qua của những nơi họ được đặt chân đến. Những điểm di tích lớn vì vậy mà đã không nâng được giá trị lịch sử.
Nhiều du khách nhận xét việc trùng tu, tôn tạo đã biến một số điểm di tích trở lên thô cứng, không giữ được nét chân thực… khiến cho những người xem không mấy hứng thú. Đa số đều mong muốn nơi các di tích thường xuyên có đông khách đến tham quan có nhà chờ, để nghỉ ngơi tiếp tục hành trình và có người hướng dẫn viên am hiểu để họ hỏi, tìm hiểu nhưng hiện nay chưa đáp ứng được.
Việc bán các loại hàng hóa, đồ lưu niệm tại các điểm du lịch cũng là vấn đề cần phải bàn, vì nhiều nơi bán các loại hàng hóa vẫn mang tính thị trường không có tính chất lịch sử đặc trưng, khiến du khách không mặn mà. Việc bán hàng, năn nỉ, đeo bám du khách lâu nay diễn ra tại khu di tích Mường Phăng để bán các loại thuốc chữa bệnh, rễ cây…
Đánh vào tâm lý lòng thương của du khách đối với những người dân bản địa nên đã có khách du lịch mua hàng là muốn giúp đỡ người nghèo, xong ra khỏi địa bàn thì vất đi. Bởi các loại hàng hóa, như: rễ cây, thuốc chữa bệnh… đều không có địa chỉ, nhãn mác mà chỉ qua lời giới thiệu. Chính vì vậy, người dân đã đánh mất hình ảnh đẹp về những người, nơi vùng đất trung kiên của cách mạng.
Cần quy hoạch chi tiết hang động
Bên cạnh di tích thì Điện Biên có nhiều hang động lịch sử và thiên nhiên đẹp được công nhận, cấp tỉnh, quốc gia như động: Xá Nhè, huyện Tủa Chùa, Pa Thơm, huyện Điện Biên; Thẩm Púa, Mùn Chung, huyện Tuần Giáo; Mường Tỉnh, huyện Điện Biên Đông…. Nhưng hiện chỉ có động Pa Thơm là được quy hoạch chi tiết theo Quyết định số 01/QĐ – UBND tỉnh với việc đầu tư các công trình, cơ sở hạ tầng, khu nghỉ dưỡng sinh thái… khoảng trên 50 tỷ đồng.
Nếu không làm tốt công tác bảo vệ di tích sẽ trở thành nơi ô nhiễm
Tương lai, du khách đến tham quan động Pa Thơm sẽ dễ dàng hơn bởi có đường nhựa, nơi nghỉ dưỡng, tham quan khu vườn thực vật, khu du lịch mạo hiểm… việc quy hoạch chi tiết không những thu hút được khách du lịch, mà song hành với nó là giữ gìn được những giá trị về lịch sử, phong cảnh. Bởi những ai đã từng đến thăm các hang động như: Pa Thơm, Xá Nhè… chỉ sau một năm quay lại thì những nơi ấy đã thay đổi rất nhiều.
Thay đổi của các hang động không phải nó được tôn tạo, gìn giữ nguyên trạng mà đang bị bào mòn khủng khiếp, bị tàn phá bởi thiên nhiên, ý thức của con người do công tác bảo vệ và nhận thức của chính quyền địa phương, người dân sở tại. Người dân chưa hiểu hết giá trị về vẻ đẹp thiên nhiên ban tặng, nơi lưu dấu, ghi danh những dấu tích lịch sử… Ai đã từng cách đây 2 – 3 năm thăm động Pa Thơm và nay quay lại không khỏi buồn, nuối tiếc vì nơi đây nếu không nhanh chóng được trùng tu, tôn tạo, bảo vệ nghiêm ngặt thì những nhũ đá thiên nhiên, bức tranh thiên tạo sẽ bị vặt trụi. Người dân còn làm bàn thờ cúng trong động, xả rác thải, kẻ vẽ gây ảnh hưởng mỹ quan …
Pa Thơm được quy hoạch chắc chắn hiện tượng nêu trên sẽ không còn nhưng hiện trên địa bàn tỉnh còn nhiều hang động thuộc tầm cỡ quốc gia như: động Xá Nhè, hang Mường Tỉnh, hang Mùn Chung… mới đang nằm trong diện quy hoạch tổng thể nên khó lòng thu hút du khách. Bởi các hang động này đường đi lại khó khăn, chưa có cơ sở hạ tầng… nên việc phát triển du lịch ở các hang động này chỉ là tự phát. Bên cạnh đó, việc bảo vệ, trông coi lơi lỏng, không được thường xuyên dọn dẹp đã khiến nhiều người ái ngại không dám vào.
Nhiều nơi người dân đến đào bới, thậm chí có nơi hang động là nơi trú ngụ của trâu, bò khiến ô nhiễm nặng. Nhiều người mê phong cảnh thiên nhiên hang động khi lên Điện Biên, sau một tua tham quan khi trở về nửa đùa, nửa thật nói đã khiến chúng tôi, những người đang sống nơi đây phải trăn trở, suy nghĩ… “Hang động ở Điện Biên chẳng khác gì một hố đất đá hoang vu”.
Khai thác các điểm di tích, hang động để phát triển du lịch cần có sự đầu tư thỏa đáng, hợp lý, khoa học… mới có được nguồn thu lợi nhuận. Điện Biên có nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng để phát huy được thì vẫn còn nhiều việc cần phải làm.
Bài và ảnh: Kiên Cường