Điện Biên: Hội thảo phát triển đô thị xanh, thông minh gắn với thị trường tín chỉ cacbon
Ngày 12/1/2024, Sở Xây dựng tỉnh Điện Biên phối hợp với Viện Quản lý phát triển đô thị, Viện Chiến lược chuyển đổi số, Viện Nghiên cứu tăng trưởng xanh và Viện Kiến trúc nhiệt đới, tổ chức Hội thảo Phát triển đô thị xanh, thông minh gắn với thị trường tín chỉ cacbon tỉnh Điện Biên.
Đây là một trong những Hội thảo khoa học đầu tiên của tỉnh Điện Biên liên quan đến chuyển đổi số, tăng trưởng xanh về phát triển đô thị gắn liền với thị trường tín chỉ cacbon, đặt ra một kỳ vọng tương lai mục tiêu về phát triển đô thị như: Đô thị tăng trưởng xanh; đô thị thông minh; đô thị ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH) tỉnh Điện Biên trong tương lai.
Hiện nay, diện tích rừng tự nhiên của Điện Biên có hơn 409.033ha, trong đó rừng trồng 8.311ha được đánh giá là một trong những địa phương còn nhiều tiềm năng nếu phát triển tín chỉ cacbon về rừng. Bên cạnh đó, tỷ lệ phát triển đô thị của tỉnh Điện Biên thấp, tỷ trọng phát triển công nghiệp chưa cao.
Chính vì vậy, Hội thảo khoa học về phát triển đô thị, khu công nghiệp xanh, thông minh gắn với thị trường tín chỉ cacbon tỉnh Điện Biên là một trong những bước đầu tiên, bổ sung thêm phương pháp luận, kinh nghiệm thực tiễn cho mục tiêu phát triển bền vững tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, Hội thảo sẽ tập trung thảo luận về khả năng thông qua thị trường tín chỉ cacbon, lập cơ sở xây dựng các chỉ số để chứng minh, kỳ vọng Điện Biên là tỉnh đầu tiên trong cả nước đạt tiêu chí mức phát thải chuyển đổi bằng 0.
Ông Nguyễn Thành Phong, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Điện Biên, cho biết: Sau khi kết thúc hội thảo, chúng tôi sẽ báo cáo và xin chủ trương Ban Thường vụ đồng thời lập đề án, xây dựng đề án dựa vào thực tiễn của địa phương. Từ đó có lộ trình thực hiện cho các nhiệm vụ tiếp theo.
Thực hiện cam kết tại COP 26 (2021), Chính phủ Việt Nam đã Ban hành Chiến lược quốc gia về BĐKH giai đoạn đến năm 2050; kế hoạch hành động quốc gia về Tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030; kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê tan đến năm 2030; Nghị định số 06/2022/NĐ-CP, ngày 07/01/2022 quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô - dôn trong đó có nội dung quy định về phát triển thị trường tín chỉ Carbon. Tại COP27 diễn ra tại Ai Cập vào tháng 11/2022, Việt Nam một lần nữa
tái khẳng định cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050. COP28 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã nhấn mạnh, chuyển đổi xanh cùng với chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu của Việt Nam để phát triển nhanh, bền vững.