Xã hội

Điện Biên Đông nỗ lực giảm nghèo

Trần Hương 15/03/2024 - 14:59

(TN&MT) - Đại hội Đảng bộ huyện Điện Biên Đông khóa VI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 xác định mục tiêu “quyết tâm sớm đưa Điện Biên Đông thoát khỏi tình trạng huyện nghèo của tỉnh Điện Biên”. Để hiện thực hóa Nghị quyết đó, Đảng bộ huyện Điện Biên Đông đã tiến hành triển khai, thực hiện như thế nào, kết quả ra sao?, PV Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Mùa A Vảng, UV dự khuyết BCH TW Đảng khóa VIII, Bí thư Huyện ủy, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên làm rõ nội dung trên.

PV: Xin ông cho biết, từ sau Đại hội Đảng bộ huyện Điện Biên Đông khóa VI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, địa phương đã bắt tay vào cuộc triển khai các chương trình hành động, nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội như thế nào? Đặc biệt, giúp đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) ở Điện Biên Đông giảm nghèo, thoát nghèo bền vững?

Ông Mùa A Vảng: Từ sau Đại hội Đảng bộ huyện đến nay, Ban Thường vụ đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm thúc đẩy công tác xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn huyện. Tập trung xây dựng các chương trình hành động nhằm cụ thể hóa các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để phát triển kinh tế để Điện Biên Đông giảm tỷ lệ hộ nghèo qua các năm như chỉ tiêu mà Nghị quyết Đảng bộ huyện đã đề ra. Đồng thời, đây cũng là cơ sở nền tảng để nêu cao tinh thần trách nhiệm tập thể, cá nhân mỗi cán bộ, đảng viên chủ động, sáng tạo..đặc biệt nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền, nhất là khâu tổ chức thực hiện.

Đến nay, sau gần 3 năm triển khai Nghị quyết Đảng bộ huyện, đến nay tỷ lệ hộ nghèo đã giảm qua các năm. Nếu năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện 53,20% thì đến cuối năm 2023 huyện giảm xuống còn 41,58%, bình quân mỗi năm giảm 5,81% tỷ lệ hộ nghèo.

z5244259830240_196e049098f91832bb8138c79fb10a3c.jpg
Ông Mùa A Vảng, Bí thư Huyện ủy, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên

Để có được kết quả đó là nhờ quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự bắt tay vào cuộc mạnh mẽ của cấp ủy, chính quyền địa phương. Đặc biệt, trong năm qua, huyện đã huy động cả hệ thống chính trị bắt tay vào cuộc làm nhà cho 574 hội nghèo, hộ có khó khăn về nhà ở theo Đề án 09 của Trung ương MTTQ Việt Nam, tất cả các hộ trong diện được hỗ trợ làm nhà có diện tích từ 40m2 trở lên, giá trị mỗi căn nhà trên 100 triệu đồng. Với tinh thần ấy, Điện Biên Đông là một trong 3 địa phương của tỉnh Điện Biên hoàn thành 100% số nhà thuộc diện hỗ trợ.

Ngoài ra, huyện đã chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với UBND các xã, thị trấn triển khai hỗ trợ nhà ở cho 93 hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn từ nguồn vốn sự nghiệp thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giá trị trên 80 triệu đồng/căn (Nhà nước hỗ trợ 40 triệu đồng, hộ gia đình đóng góp thêm khoảng 40 triệu đồng) và huy động từ sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân khác làm mới trên 20 căn nhà. Tích lũy từ đầu nhiệm kỳ đến nay, huyện đã làm mới trên 1.800 căn nhà cho hộ nghèo, hộ chính sách xã hội.

Bên cạnh đó, huyện đã huy động nguồn lực từ xã hội hóa để xây dựng nhà văn hóa bản; cải tạo sửa chữa, nâng cấp cơ sở trường, lớp học; làm cầu dân sinh; tặng quà cho hộ nghèo, hộ chính sách xã hội, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, người dân tộc thiểu số với tổng số tiền trên 20 tỷ đồng. Đặc biệt, huyện đã chủ động đề xuất với tỉnh kêu gọi nguồn vốn hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân ngoài địa bàn tham gia hỗ trợ xóa bản trắng về điện lưới quốc gia cho các bản chưa có điện, trong đó thành phố Hồ Chí Minh cam kết hỗ trợ khoảng 50 tỷ đồng để làm đường điện lưới Quốc gia về cho 10 bản vùng sâu, vùng xa của huyện Điện Biên Đông.

PV: Xin ông đánh giá thêm về những thành tựu kinh tế mà Điện Biên Đông đã đạt được trong năm qua và một số giải pháp đã đem lại hiệu quả cho địa phương trong mục tiêu phát triển kinh tế, nhằm xóa đói, giảm nghèo?

Ông Mùa A Vảng: Năm 2023 kinh tế của địa phương qua đã có nhiều sự chuyển bước tích cực. Đặc biệt là thu ngân sách trên địa bàn vượt trên 30 tỷ đồng. Đây là một trong những nhiệm vụ khó khăn đối với huyện nghèo như Điện Biên Đông và đó cũng là năm đầu tiên từ khi thành lập năm 1996 đến nay thực hiện được nội dung này. Thu nhập bình quân đầu người đạt 30,2 triệu đồng/người/năm, tăng 4,6 triệu đồng so với năm 2022 và đạt 100,67% chỉ tiêu nghị quyết đề ra. Tổng giá trị sản xuất ước đạt 2.972 tỷ đồng, tăng 181 tỷ đồng so với năm 2022.

a2.jpg
Lãnh đạo huyện Điện Biên Đông thăm hỏi động viên gia đình chính sách và người nghèo trong dịp Tết Nguyên đán 2024.

Để đạt được kết quả đó, ngoài việc huyện chăm lo cho người nghèo còn chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân đi làm việc tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp, xuất khẩu lao động kết hợp với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm góp phần nâng cao thu nhập, thay đổi tác phong làm việc, từ đó làm cơ sở thúc đẩy giảm nghèo bền vững.

Kết quả trong năm 2023, toàn huyện có 117 lao động đã tham gia đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và có 3.860 lao động thường xuyên đi làm việc tại các DN, khu CN ngoài tỉnh với nguồn thu nhập mang về cho địa phương khoảng 200 tỷ đồng/năm; mở 31 lớp đào tạo nghề cho 1.085 lao động nông thôn trên địa bàn và một trong những địa phương có số lượng người dân đi làm việc ở nước ngoài đứng đầu toàn tỉnh Điện Biên.

Huyện đã rất nỗ lực trong việc đào tạo nguồn nhân lực tại địa phương, nâng cao tay nghề người lao động để đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của các công ty…

PV: Xin ông cho biết thêm về mục tiêu phát triển kinh tế, giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện trong thời gian tới?

Ông Mùa A Vảng: Song song với các hoạt động về nâng cao trình độ, năng lực, sự hiểu biết của người dân, chất lượng lao động cho người dân. Huyện còn chú trọng việc khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương để thúc đẩy công tác giảm nghèo như: phát triển chăn nuôi trâu, bò; du lịch cộng đồng; trồng cây dược liệu và cây lá thuốc công nghệ cao.

Trong 2 năm qua, chúng tôi huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để làm nhà cho người nghèo; đưa điện sáng về cho toàn bộ các bản vùng sâu, vùng xa. Năm 2024, chúng tôi xác định những bản nào chưa có điện huyện tiếp tục tập trung các nguồn lực để đưa điện thắp sáng về cho bà con.

Cùng với đó là tập trung nguồn lực nâng cấp sửa chữa đường giao thông bản và cơ sở trường, lớp học, trạm y tế. Đây cũng là một trong những tiêu chí giảm nghèo đa chiều bền vững theo Nghị định số 07/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Còn đối với các dự án, mục tiêu phát triển du lịch, nông nghiệp, lâm nghiệp... chúng tôi đã xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết giao cho từng bộ phận phối hợp với chính quyền, các cấp ủy Đảng, cơ quan đoàn thể cấp xã cùng với người dân thực hiện. Vướng mắc đâu báo cáo ngay để cùng bàn bạc tháo gỡ.

lac-do-dien-bien-dong.jpg
Lạc đỏ là một trong những sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu của Điện Biên Đông. Trong ảnh: Một góc ảnh chụp nương lạc đỏ của người dân đang kỳ sinh trưởng.

Năm 2023 huyện Điện Biên Đông đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương lao động hạng Nhì (theo QĐ số 1338/QĐ-CTN, ngày 8/3/2023) ghi nhận sự nỗ lực của lãnh đạo, tập thể huyện đã hết lòng chăm lo cho người dân. Đó là vừa là vinh dự, vừa là nhiệm vụ, trọng trách. Cả hệ thống chính trị huyện Điện Biên Đông quyết tâm cùng người dân từng ngày vươn lên thoát nghèo, giảm nghèo bền vững đạt được các chỉ tiêu kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đảng bộ huyện đã đề ra.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điện Biên Đông nỗ lực giảm nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO