Hằng năm, UBND tỉnh Điện Biên đều chỉ đạo Sở NN&PTNT, UBND các huyện rà soát thực trạng, đánh giá nguy cơ thiên tai để cảnh báo, hỗ trợ người dân di dời ra khỏi vùng nguy hiểm. Tuy nhiên, do điều kiện tỉnh nghèo cho nên dù rất cố gắng nhưng công tác di dời dân khỏi vùng nguy cơ thiên tai, nhiều dự án di dời dân cư trên địa bàn tỉnh Điện Biên triển khai chậm, chưa đáp ứng yêu cầu.
Được biết, từ năm 2016 đến nay, bằng nguồn ngân sách địa phương, UBND tỉnh Điện Biên đã bố trí di dời được 217 hộ. Trong năm 2018, Điện Biên được phân bổ hai tỷ đồng để hỗ trợ di dời 100 gia đình ra khỏi vùng nguy cơ thiên tai nhưng đến hết tháng 6-2018, mới di chuyển được 47 hộ. Hiện còn 60 hộ ở các huyện: Mường Nhé, Nậm Pồ, Mường Chà và huyện Điện Biên cần di dời nhưng chưa có kinh phí.
Bên cạnh những hộ phải di chuyển theo kế hoạch vẫn còn rất nhiều hộ phải di dời khẩn cấp do diễn biến thời tiết phức tạp, mưa lớn kéo dài, kèm theo lũ ống, lũ quét, sạt lở đất… Tại bản Tìa Dình c, xã Tìa Dình, huyện Điện Biên Đông, mưa lớn kéo dài dã khiến vết nứt bên trên núi tiếp tục xảy ra tình trạng rạn nứt, sụt lún, và có xu hướng mở rộng thêm tạo thành một cung trượt dài hơn 1.000m. Tình trạng nứt gãy nền đất tiếp tục xảy ra tại khu vực trung tâm xã, Trường Tiểu học, Trụ sở UBND xã, điểm Bưu điện văn hóa xã. Trên 450 học sinh và giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Tìa Dình; Trụ sở UBND xã Tìa Dình và 44 hộ với hàng trăm nhân khẩu cần được di dời đến nơi an toàn.
Ghi nhận tại huyện Điện Biên, với đặc thù của huyện vùng núi, độ dốc địa hình lớn, hệ thống sông suối dày đặc nên thường xuyên bị ảnh hưởng do mưa lũ gây ra. Năm 2018, do ảnh hưởng biến đổi khí hậu toàn cầu nên thiên tai diễn biến phức tạp và ngày càng cực đoan, đã gây thiệt hại nặng nề trên địa bàn huyện.
Qua rà soát tại các xã, huyện Điện Biên hiện có 17 thôn, bản, đội nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở đất đá, lũ ống, lũ quét; bao gồm: bản Tâu 1, 2, 3, bản Co Pục, xã Hua Thanh; đội 8a, 10a, 10b xã Thanh Luông; đội 9a, 9b, 9c xã Thanh Xương; bản Phủ xã Noong Hẹt; bản Lọng Quân xã Sam Mứn; bản Pá Ngam 1, Na Sang 2, Ten Núa xã Núa Ngam; bản Phiêng Ban, bản Sáng 2, Noong Ứng 2 xã Thanh An; bản Pa Xa Xá, xã Pa Thơm.
Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Xuân Chinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Biên chia sẻ: Công tác vận động, tuyên truyền người dân di rời khỏi vùng có nguy cơ lũ ống, lũ quét gặp không ít khó khăn. Nhận thức của phần lớn người dân trong vùng có nguy cơ lũ ống, lũ quét còn hạn chế, chưa chủ động ứng phó với nguy cơ xảy ra thiệt hại đến tài sản và tính mạng; sau khi được vận động, tuyên truyền nhiều hộ dân muốn di dời nhưng không có quỹ đất để di chuyển đến nơi an toàn. Một số địa điểm có đủ các điều kiện cần thiết về hạ tầng để bố trí dân thì thì lại không bố trí được đất sản xuất, đất sản xuất tại nơi ở cũ cách khá xa (khoảng 4-5km) so với nơi ở mới nên người dân không đồng ý di dời.
Cùng với đó, theo quy định chính sách hỗ trợ cho hộ nằm trong vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi thiên tai khi di chuyển đến nơi ở mới là 20.000.000 đồng/hộ, mức kinh phí hỗ trợ trên không đủ để tháo dỡ, di chuyển đến nơi ở mới; san gạt mặt bằng, dựng lại nhà, ... trong khi đa số các hộ phải di chuyển đều là hộ nghèo, nên nhiều hộ gia đình không có khả năng di chuyển đến nơi an toàn.
Xã Hua Thanh, huyện Điện Biên hiện có 29 hộ dân sống trong vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét. Riêng bản Co Pục, mặc dù đã được cảnh báo là khu vực có nguy cơ sạt lở từ những năm 2000. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 17 hộ vẫn chưa di dời đến nơi an toàn. Bà con không có tiền để di dời, bởi số tiền hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ là quá ít với một gia đình di chuyển tái định cư. Khó nhất là quỹ đất để bố trí cho các hộ tái định cư tại chỗ đã hết. Xã Hua Thanh đã có phương án bố trí cho các hộ này tái định cư tại các bản Tâu 5, Tâu 6, Tâu 7 nhưng các hộ không đồng ý với lý do là khác dân tộc, khác tập quán sinh hoạt và xa khu vực sản xuất.
Nhiều năm trở lại đây, 63 hộ dân với gần 280 nhân khẩu đều là dân tộc Khơ-Mú tại bản Pa Xa Xá, xã Pa Thơm, huyện Điện Biên cũng sống trong tâm lý lo sợ vì tình trạng đá trên vách núi cao hàng chục mét phía sau bản sạt lở, đe dọa tài sản tính mạng. Nhiều lần xảy ra đá lở, lăn xuống bản với những tảng đá có kích thước từ 5m3 đến hơn 10m3, nặng cả chục tấn. Các vụ đá lăn đã làm hư hại các công trình phụ, không gây thương vong về người nhưng người dân nơi đây luôn phấp phỏng trong nỗi sợ hãi, không yên tâm.
Được biết, huyện Điện Biên đã xây dựng phương án phòng ngừa, phương án sơ tán người dân bản Pa Xa Xá đến nơi ở mới tại khu vực bãi Púng Min, ngay khu vực đầu xã. Tuy nhiên, người dân vẫn chưa đồng thuận với địa điểm tái định cư tại Púng Min vì lý do gần khu vực xử lý rác thải của huyện Điện Biên. Vì thế, chính quyền huyện Điện Biên vẫn chưa có cơ sở để báo cáo lên cấp tỉnh xem xét bố trí kinh phí. Huyện Điện Biên đã yêu cầu các phòng, ban chủ động xây dựng phương án khái toán kinh phí sơ bộ để khi người dân đồng thuận, sẽ báo cáo cơ quan có thẩm quyền, xin ý kiến triển khai thực hiện.
Có thể thấy, di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm của thiên tai là một “bài toán” khó, nhưng là nhiệm vụ vô cùng cấp bách. Để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, nhất là thiệt hại về người, tỉnh Điện Biên cần huy động nguồn vốn để hỗ trợ di chuyển dân ra khỏi khu vực nguy hiểm. Cùng với đó, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu, chủ động bảo đảm an toàn cho bản thân, gia đình và phối hợp với chính quyền trong thực hiện di dời đến nơi an toàn.