Điện Biên: Đề nghị Tập đoàn cao su Việt Nam hỗ trợ người dân

03/10/2018 20:58

(TN&MT) - Ngày 28/9/2018, UBND tỉnh Điện Biên ban hành văn bản số 2774/UBND-KTN, dựa trên đề xuất của Sở Tài chính thống nhất phương án tạm tính giá và xác định giá mủ cao su bình quân năm 2017. Đồng thời, đề nghị Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam hỗ trợ người dân góp 1ha đất trồng cao su tối thiểu từ 4,5 - 5 triệu đồng; tương đương với thu nhập từ 1ha trồng lúa nương.

Theo phương án ban đầu để xin chủ trương dự án trồng cao su, giá mủ được xác định là 60 triệu đồng/tấn, với chu kỳ khai thác mủ là 20 năm; sản lượng bình quân là 1,7 tấn/ha. Với bài toán này thì thu nhập bình quân của mỗi người dân trồng cao su ước khoảng 10 triệu đồng/ha/năm. Cũng theo phương án này thì cây cao su tại Điện Biên trồng đến năm thứ 7 sẽ đưa vào khai thác mủ.

Tuy nhiên, năm 2017 phía công ty cao su chỉ thực hiện khai thác khoảng 50% trên tổng diện tích cây cao su đã đủ tuổi khai thác mủ. Nghĩa là 50% diện tích còn lại chưa khai thác là do nguyên nhân chủ quan từ phía tập đoàn cao su. Đây là nguyên nhân dẫn đến sản lượng cao su bình quân thấp, nên việc phân chia tỷ lệ cho người dân góp đất trồng cao su cũng thấp và không có cơ sở để xác định năng suất thực.

Nhiều diện tích cao su tỉnh đủ tuổi khai thác mủ vẫn chưa được đưa vào khai thác
Nhiều diện tích cao su trên địa bàn tỉnh Điện Biên đủ tuổi khai thác mủ vẫn chưa đưa vào khai thác

 

 

Hiện nay, giá mủ cao su trên thị trường thế giới biến động mạnh, giảm chỉ còn 30 triệu đồng/tấn (so với tính toán ban đầu giá cao su bị giảm một nửa). Trong khi đó, giá bán bình quân mủ SVR10 năm 2017 có giá trị gần 40 triệu đồng/tấn; được xác định dựa trên giá bán bình quan của 53 lần thông báo giá sàn mủ SVR10 do Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam ban hành trong năm 2017.

Theo đó, Sở tài chính Điện Biên tạm tính lấy giá mủ cao su quy khô năm 2017 là 31.852.019 đồng/tấn để tính giá trị sản phẩm chia cho người dân. Bên cạnh đó, Sở này cũng đề nghị Công ty CP cao su Điện Biên tạm ứng chi trả trước 80% giá trị sản phẩm chia cho người dân; phương án cụ thể sẽ được tính toán lần 2 sau khi các bên đưa ra quyết định và phương án cụ thể.

Theo Nguyễn Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở Tài chính, tỉnh Điện Biên thì phương án ban đầu thì giá mủ cao su quy khô được tính toán phân chia cho người dân trên 1ha thấp hơn so với thu nhập từ 1ha lúa nương. Chính vì vậy mà Sở Tài chính tham mưu cho UBND tỉnh Điện Biên, đề nghị Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam thực hiện chính sách hộ trợ cho người dân bằng thu nhập 1ha lúa nương để đảm bảo quyền lợi cho người dân góp đất (tối thiểu 4,5 - 5 triệu đồng/1ha).

Tại Công văn số 2774/UBND-KTN, ngày 28/9/2018 của UBND tỉnh Điện Biên, về việc chi trả tiền tạm ứng giá trị sản phẩm mủ cao su năm 2017 cho người dân góp đất vào dự án trồng cao su, gửi; Công ty CP cao su Điện Biên, đồng ý với đề xuất của Sở Tài chính. Đồng thời đề nghị Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam tính toán lại tỷ lệ quy đổi từ mủ tươi sang mủ quy khô dạng nước; xác định năng suất sản phẩm mủ cao su bình quân chung toàn tỉnh hay cho từng huyện, thị, thành phố.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điện Biên: Đề nghị Tập đoàn cao su Việt Nam hỗ trợ người dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO