Bà Đặng Thị Thu Hiền, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên, cho biết: Việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR không những từng bước cải thiện đời sống của người dân, nâng cao ý thức trách nhiệm của các chủ rừng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, nâng số hộ gia đình, nhóm hộ, cộng đồng dân cư thôn được nhận khoán bảo vệ rừng mà còn huy động được một nguồn lực lớn cho công tác tuần tra, bảo vệ rừng một cách thường xuyên.
Từ đó, đẩy mạnh công tác xã hội hóa nghề rừng, góp phần tích cực giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh chính trị và trật tự xã hội được ổn định ở các địa bàn dân cư, nhất là ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Việc hưởng lợi từ chính sách chi trả DVMRT đã tác động tích cực đến ý thức, vai trò, trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương, các chủ rừng là tổ chức cũng như người dân trong công tác bảo vệ và phát triển rừng.
Cán bộ Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên tuyên truyền về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. |
Bên cạnh đó, các chủ rừng được giao quản lý, bảo vệ rừng tăng cường các biện pháp, phối hợp các ngành chức năng tổ chức tuần tra, kiểm soát, truy quét các cá nhân, tổ chức, đối tượng phá rừng, xử lý nghiêm những đối tượng vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng. Để thực hiện hiệu quả chính sách chi trả DVMTR, các đơn vị chủ rừng, cộng đồng dân cư và hộ nhận khoán quản lý bảo vệ rừng cần tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng; tuyên truyền vận động người dân tham gia quản lý bảo vệ rừng gắn với việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR. Sử dụng tiền DVMTR hiệu quả, đúng quy định.
Được hưởng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng với trên 2.739ha xã Lay Nưa, thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên có 16 cộng đồng dân cư tại các bản được giao quản lý, bảo vệ và được hưởng dịch vụ chi trả môi trường rừng. Từ khi nhà nước triển khai thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, người dân trên địa bàn đều tích cực tham gia nhận khoán bảo vệ rừng. Ðến nay, các chủ rừng đã được nhận được hơn 1 tỷ đồng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng. Nhờ đó, 100% diện tích rừng của xã được bảo vệ an toàn, không xảy ra phá rừng, cháy rừng.
Người dân xã Lay Nưa, thị xã Mường Lay được cán bộ Quỹ tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng tiền DVMTR |
Ông Mai Văn Tài, Chủ tịch UBND xã Lay Nưa cho biết: Những năm qua, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng không chỉ giúp người dân nâng cao ý thức trong bảo vệ rừng mà còn góp phần tăng thu nhập, tạo động lực để người dân gắn bó, bảo vệ rừng, từng bước thay đổi nhận thức của nhân dân về vai trò và tác dụng của rừng, nâng tỷ lệ che phủ rừng, cải thiện môi trường sống trên địa bàn.
Cùng với đó, được cán bộ của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh giới thiệu các mô hình phát triển sinh kế, mà các hộ dân trong xã đã biết sử dụng nguồn tiền chi trả DVMTR để đầu tư mua sắm các máy móc phục vụ sản xuất, phát triển chăn nuôi.... Kinh tế các hộ gia đình từ đó đã khá hơn nhiều, mua sắm được đồ dùng gia đình, con cái được học hành đầy đủ.
Như vậy, chính sách chi trả DVMTR triển khai tại Điện Biên không những mang lại hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng mà còn là động lực to lớn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trên địa bàn tỉnh. Đây thực sự là chính sách thiết thực, được người dân đón nhận, ủng hộ, đồng tình và luôn muốn gắn bó lâu dài. Nhờ đó, người dân có ý thức, trách nhiệm bảo vệ rừng, tích cực tham gia tuần tra, quản lý rừng. Đây là một chính sách phát triển rừng bền vững giúp người dân nâng cao thu nhập từ rừng để gắn bó hơn với nghề rừng.