Theo đó, UBND tỉnh Điện Biên yêu cầu Giám đốc, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thị, thành phố tăng cường thông tin tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, nhất là tác hại của dịch bệnh; các biện pháp phòng dịch như vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất, chăn nuôi an toàn sinh học, tiêm phòng.
Chỉ đạo các phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phòng Kinh tế, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp cấp huyện và UBND cấp xã tổ chức tốt việc giám sát dịch bệnh động vật để phát hiện sớm, xử lý kịp thời dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; khi phát hiện bệnh lây truyền từ động vật sang người phải thông báo kịp thời cho ngành Y tế; hướng dẫn tổ chức, hộ gia đình chăn nuôi áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, các biện pháp chủ động phòng dịch, tiêm phòng các loại vắc xin theo quy trình chăn nuôi và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn; xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo dịch bệnh, bán chạy, giết mổ động vật mắc bệnh, động vật nghi mắc bệnh, vứt xác động vật chết ra ngoài môi trường dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng, gây bức xúc cho người dân và cộng đồng; tổng hợp báo cáo kịp thời, đầy đủ về tình hình dịch bệnh từ cấp thôn, bản đến cấp xã, huyện, tỉnh theo đúng quy định hiện hành.
Cùng với đó, chuẩn bị đầy đủ vật tư, nhân lực, trang thiết bị để chủ động tổ chức triển khai kế hoạch ứng phó với nguy cơ xâm nhiễm vi rút cúm gia cầm và các mầm bệnh nguy hiểm ở động vật…
Tỉnh Điện Biên đang tiến hành cấp hơn 21.600 lít hóa chất cho 10 huyện, thị xã, thành phố để tiến hành phun tiêu độc khử trùng. |
Là đơn vị được UBND tỉnh giao hoàn thiện các thủ tục mua hóa chất cấp cho các huyện, thị xã, thành phố để triển khai “Tháng tổng vệ sinh tiêu độc khử trùng”, hiện nay Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên đang tiến hành cấp hơn 21.600 lít hóa chất cho 10 huyện, thị xã, thành phố để tiến hành phun tiêu độc khử trùng, chủ động phòng chống dịch bệnh cúm gia cầm, dịch tả lợn châu Phi tái phát và các dịch bệnh khác ở vật nuôi.
Ông Đỗ Thái Mỹ, Chi Cục trưởng Chi Cục Thú y tỉnh Điện Biên cho biết: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, việc chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm phần lớn sản xuất của địa phương đây là điều kiện rất khó khăn trong việc phòng chống dịch, đặc biệt là đối với dịch cúm gia cầm có khả năng lây sang người. Do đó, để chủ động hơn trong công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm tại địa phương, chúng tôi sẽ chủ động giám sát tình trạng gia cầm ốm, chết để cơ quan chuyên môn xác định nếu đúng dịch cúm gia cầm thì phải được tổ chức tiêu hủy và thực hiện các biện pháp phòng chống tích cực.
Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm việc kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật xuất tỉnh; phối hợp với các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn; không để động vật, sản phẩm động vật chưa qua kiểm dịch, không có nguồn gốc xuất xứ vận chuyển vào địa bàn tỉnh hoặc vận chuyển đi các tỉnh khác để tiêu thụ.