Điện Biên: Cần giải pháp ngăn chặn ô nhiễm từ kênh thủy nông Nậm Rốm

24/03/2018 17:34

(TN&MT) - Tình trạng người dân xả rác bừa bãi trên các tuyến kênh thuộc công trình Đại thủy nông Nậm Rốm đã diễn ra nhiều năm nay. Rác thải dồn về những xã cuối tuyến kênh, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt và sức khỏe của người dân. Thế nhưng cho đến nay, vẫn chưa có giải pháp nào giải quyết triệt để tình trạng này.

Rác thải từ kênh hữu Đại thủy nông Nậm Rốm đổ dồn về hồ Co Lôm, xã Noong Luống, huyện Điện Biên.
Rác thải từ kênh hữu Đại thủy nông Nậm Rốm đổ dồn về hồ Co Lôm, xã Noong Luống, huyện Điện Biên.

Sau khi được bê tông hóa vào năm 2003, hệ thống 2 tuyến kênh tả, hữu với chiều dài khoảng 24km của công trình Đại thủy nông Nậm Rốm đã phát huy hiệu quả phục vụ sản xuất nông nghiệp cho cánh đồng Mường Thanh rộng lớn. Thế nhưng, nhiều năm trở lại đây, lượng rác đổ dồn theo kênh về các xã phía cuối kênh ngày càng nhiều, gây ô nhiễm môi trường.

Theo nhiều người dân địa phương cho biết, những thứ rác bẩn dưới lòng kênh một phần là do người dân sống ở phía thượng nguồn xả xuống kênh rồi rác theo nguồn chảy về đây, mắc cạn. Một phần cũng vì người dân sở tại thiếu ý thức nên xả trực tiếp xuống dòng kênh. 2 tuyến kênh tả, hữu của Đại thủy nông Nậm Rốm như một địa chỉ tiện ích cho nhân dân trong vùng xả rác, đổ phế phẩm, thậm chí là xác động vật...

Ghi nhận của chúng tôi tại kênh tả của Đại thủy nông Nậm Rốm, đoạn chạy qua địa phận xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên, cũng đang bị ô nhiễm. Hàng trăm thứ rác phía thượng nguồn theo kênh chảy xuống và rác thải sinh hoạt của người dân hai bên bờ xả trực tiếp xuống lòng kênh đã khiến đoạn kênh này ngày càng bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Người dân phải đóc cọc, làm rào chắn rác để hạn chế rác thải tràn lan ra lòng hồ
Người dân phải đóng cọc, làm rào chắn rác để hạn chế rác thải tràn lan ra lòng hồ

Noong Hẹt là một trong những xã phía cuối kênh tả của Đại thủy nông Nậm Rốm. Hệ thống kênh cung cấp nước sản xuất cho 331ha lúa 2 vụ của toàn xã. Thế nhưng, tình trạng tự ý xả rác thải bừa bãi xuống hệ thống kênh thủy nông của người dân đã gây ra ô nhiễm môi trường, nhiều lúc làm tắc nghẽn hệ thống kênh cấp 2, cấp 3, thậm chí rác đổ dồn vào đồng ruộng.

Ông Quàng Văn Tỉnh, người dân xã Noong Hẹt, chia sẻ: Cứ mỗi khi nước cạn thì rác thải lại tồn ứ ở kênh, với đủ loại rác thải khác nhau. Khi nắng lên, rác thải bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân xung quanh kênh. Nhất là khu vực đập tràn, rác thải đổ xuống đó không tiêu thoát được gây tình trạng ô nhiễm.

Không chỉ có kênh tả, hệ thống kênh hữu của Đại thủy nông Nậm Rốm cũng đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Là điểm cuối của kênh hữu Đại thủy nông Nậm Rốm, hồ Cô Lôm, xã Noong Luống, huyện Điện Biên, có vị trí rất quan trọng đối với người dân xã Noong Luống khi đảm bảo cung cấp nước tưới cho hàng ngàn ha lúa, hoa màu của người dân. Thế nhưng, lượng rác thải đổ dồn về hồ Co Lôm, đã khiến khu vực lòng hồ trở thành bãi chứa rác thải khổng lồ.

Rác thải từ các tuyến kênh đổ dồn về khu vực đồng ruộng.
Rác thải từ các tuyến kênh đổ dồn về khu vực đồng ruộng.

Hầu hết rác thải sinh hoạt, xác động vật, lọ thuốc, bao bì thuốc bảo vệ thực vật... từ các xã đầu nguồn của tuyến kênh hữu này thải xuống. Đứng gần khu vực hồ Co Lôm, mùi hôi thối bốc ra từ những đống rác trên bờ hồ, dưới lòng hồ, đập hồ gây ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống của người dân xung quanh. Cùng với đó, việc xả thải xác gia súc, gia cầm ra nguồn nước kéo theo mầm bệnh khiến người dân khu vực này rất khó chăn nuôi.

Ông Lò Văn Pọm, Chủ tịch UBND xã Noong Luống, huyện Điện Biên, cho biết: Năm nay, lượng rác thải theo kênh có phần giảm hơn mọi năm. Tuy nhiên, tình trạng rác thải tập trung về lòng hồ vẫn còn xảy ra, nhất là đầu vụ tháo nước. Chủ thầu hồ Co Lôm phải lập rào chắn, vớt rác thường xuyên mỗi tuần 1 lần mới giảm được lượng rác thải tập trung tại lòng hồ. Ông Pọm khẳng định: Hồ Co Lôm nằm ở tuyến đầu xã, nên người dân xã Noong Luống không thể xả rác xuống mà chủ yếu là lượng rác thải từ các xã tuyến trên như Thanh Yên, Thanh Chăn, Thanh Hưng và TP. Điện Biên Phủ thải xuống.

Được biết, để tăng cường công tác quản lý và xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường tại các xã ở cuối kênh thủy nông Nậm Rốm, UBND huyện Điện Biên đã ban hành văn bản chỉ đạo các xã dọc tuyến kênh thủy nông xây dựng song chắn rác tại các điểm cuối địa bàn xã quản lý, bố trí người thu gom và đổ rác đúng nơi quy định.

Đa số các xã đều gỡ bỏ rào chắn rác vì lượng rác thải quá nhiều làm ứng nước, tạo áp lực lên các tuyến kênh.
Đa số các xã đều gỡ bỏ rào chắn rác vì lượng rác thải quá nhiều làm ứng nước, tạo áp lực lên các tuyến kênh.

Thế nhưng, việc xây dựng rào chắn rác lại gặp phải trở ngại lớn, rác thải dồn về quá nhiều khiến rác tích tụ tại các rào chắn, tạo thành vật cản chắn nước, gây áp lực lên những đoạn kênh yếu. Cùng với đó, công tác thu gom, vớt rác tồn ứ cũng không được đảm bảo do thiếu kinh phí. Theo ghi nhận của chúng tôi, đến nay, đa số các xã dọc 2 tuyến kênh này đều phải gỡ bỏ rào chắn rác.

Ông Bùi Hải Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Biên, cho biết: Bên cạnh tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong việc xử lý rác thải đúng quy định, để giải quyết tình trạng ô nhiễm do rác thải trên kênh thủy nông Nậm Rốm, huyện Điện Biên rất cần sự phối hợp từ phía TP. Điện Biên Phủ. Phía huyện đã chỉ đạo các xã xây dựng rào chắn rác, thế nhưng do rác thải phía trên thành phố đổ dồn về quá lớn nên việc dựng rào chắn rác không đem lại hiệu quả.

Thiết nghĩ, để giảm thiểu ô nhiễm môi trường do rác thải, phát huy hiệu quả của 2 tuyến kênh tả, kênh hữu Đại thuỷ nông Nậm Rốm, UBND huyện Điện Biên và TP. Điện Biên Phủ cần có sự phối hợp để sớm đưa ra giải pháp thiết thực ngăn chặn tình trạng xả thải rác ra các tuyến kênh. Quan trọng nhất là nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường và xả thải rác đúng nơi quy định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điện Biên: Cần giải pháp ngăn chặn ô nhiễm từ kênh thủy nông Nậm Rốm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO