Ngày 11/3/2015, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành nghị quyết số: 889/NQ-UBTVQH13 về việc công nhận huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam thành thị xã. Đây là dấu mốc quan trọng của phong trào xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị, gắn với quá trình đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ ở Điện Bàn.
Trong thời gian qua, thị xã Điện Bàn đã triển khai đồng bộ việc xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới - Đô thị văn minh” thông qua các phong trào như: Xây dựng gia đình văn hóa, thôn, khối văn hóa, tuyến phố văn minh đô thị, phường văn minh đô thị… đã từng bước nâng cao ý thức của người dân tự giác chấp hành pháp luật, cũng như thực hiện nếp sống văn minh trong cưới hỏi, ma chay, lễ hội, ý thức bảo vệ môi trường… có nhiều chuyển biến sâu, tích cực.
Theo báo cáo năm 2017, thị xã Điện Bàn có 167 thôn, khối phố đạt chuẩn văn hóa (tỷ lệ 91,7%); 11/13 xã được công nhận xã văn hóa nông thôn mới; 5/7 phường đạt chuẩn phường văn minh đô thị; 159/170 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được công nhận đạt chuẩn văn hóa; 14/20 tuyến phố được công nhận là tuyến phố văn minh đô thị.
Tuy nhiên, phong trào “Xây dựng nếp sống, văn hóa - văn minh đô thị” của thị xã Điện Bàn chưa vững chắc. Những biểu hiện như: mâu thuẫn nội bộ gia đình, tình trạng li hôn và bạo lực gia đình có chiều hướng gia tăng số vụ và tính chất nghiêm trọng; số vụ vi phạm pháp luật chưa có dấu hiệu giảm, tệ nạn sử dụng và mua bán trái phép chất ma túy vẫn đang diễn ra ở nhiều nơi. Đặc biệt mới đây, cơ quan chức năng thị xã đã phát hiện và bắt giữ đường dây đánh bạc qua mạng với quy mô và số tiền cá cược lớn. Ngoài ra, nhiều tuyến đường tuyến phố đô thị của thị xã không bảo đảm vệ sinh môi trường. Tình trạng vứt rác, xả thải bữa bãi còn phổ biến, việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường trái phép làm nơi kinh doanh buôn bán vẫn diễn ra thường xuyên. Nhiều địa phương vẫn để tình trạng rải đồ cúng, treo đồ cúng ở các ngã ba, ngã tư đường, các trụ điện làm mất mỹ quan đô thị và gây ô nhiễm môi trường.
Phát biểu trong buổi Tọa đàm, ông Nguyễn Xuân Hà- Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho biết: Dù đã đạt được những kết quả nhất định trong dựng nếp sống, văn hóa, văn minh đô thị, tuy nhiên còn thiếu tính bền vững, một số xã, phường chưa phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa để nâng cao đời sống của người dân, chưa đánh giá thực chất hoạt động của các chi hội, đoàn thể ở thôn, khối phố, vì đây là lực lượng chính trong công tác giáo dục, tuyên truyền người dân thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh đô thị, công tác tuyên truyền, vận động và xử lý vi phạm trên lĩnh vực văn hóa nhiều địa phương chưa thực hiện tốt.
Thực tế, việc xây dựng nếp sống văn hóa ở một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp (văn hóa công sở) hiện nay ở Điện Bàn chưa được chú trọng đúng mức, chưa trở thành nội dung thi đua xuyên suốt trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của từng cơ quan, đơn vị. Một số nơi, chi hội hoạt động trung bình, không tổng kết phong trào xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị, nhưng vẫn đề nghị công nhận thôn, khối phố văn hóa đang là vấn đề thực tế diễn ra ở Điện Bàn hiện nay.
Nhiều ý kiến của các đại biểu tham gia thảo luận cho rằng: phong trào xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị cần phải đi vào thực chất. Các cấp chính quyền, cơ quan chức năng, các chi hội, đoàn thể phải có những giải pháp cụ thể chứ không hô hào xuông. Trong đó, cần có sự tham gia vào cuộc của các dòng tộc, các tổ chức tôn giáo trên địa bàn trong việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.
Cùng với đó, nâng cao chất lượng hoạt động các khu thiết chế văn hóa, thể thao, có giải pháp tổng thể, chặt chẽ trong việc thu gom rác thải, gắn với trách nhiệm của từng cơ quan, cán bộ quản lý trực tiếp từ cơ sở để bảo đảm môi trường đô thị luôn xanh, sạch; đồng thời chấm dứt ngay tình trạng kêu réo, đeo bám, vòi vĩnh xin tiền ở các chợ, các địa điểm du lịch, kiểm soát chặt chẽ việc kinh doanh thực phẩm không an toàn, mua bán, sử dụng hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không có nguồn gốc xuất xứ.