Doanh nghiệp - doanh nhân

Điểm danh các “ông lớn” tham gia chuỗi dự án khí - điện Lô B - Ô Môn

M.A 09/11/2023 - 14:15

Siêu dự án khí - điện Lô B - Ô Môn đang có những bước tiến quan trọng. Tham gia vào chuỗi dự án là hàng loạt các tên tuổi lớn của ngành Dầu khí Việt Nam, trong khu vực và trên thế giới, kỳ vọng chuỗi dự án hoàn thành sẽ đáp ứng chiến lược cân đối cung cầu, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, chuyển đổi năng lượng xanh và phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Tổng quan chuỗi dự án Lô B - Ô Môn

Chuỗi dự án khí - điện Lô B - Ô Môn (Chuỗi dự án) là chuỗi khí điện có quy mô lớn tại Việt Nam. Chuỗi dự án bao gồm tổ hợp các dự án thành phần: Dự án phát triển mỏ Lô B (thượng nguồn), Dự án đường ống Lô B - Ô Môn (trung nguồn) và 4 nhà máy điện (NMĐ) khí Ô Môn I, II, III, IV ở hạ nguồn.

image-2720231108140217.jpg
Chuỗi dự án khí - điện Lô B - Ô Môn

Dự án thượng nguồn có tổng chi phí đầu tư trong 20 năm vào khoảng 6,6 tỷ USD. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) là Người điều hành (NĐH) với tổng phần tham gia trong hai hợp đồng Chia sản phẩm dầu khí (PSC, Lô B&48/95 và Lô 52/97) khoảng 42,9%; Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP), MOECO (Nhật Bản) và PTTEP (Thái Lan) tham gia góp vốn với tỷ lệ lần lượt 27%, 22,4% và 7,7%.

Dự án đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn với tổng mức đầu tư khoảng 1,2 tỷ USD. Petrovietnam là NĐH với phần tham gia trong Hợp đồng Hợp tác kinh doanh (BCC) là 28,7%. Các Bên tham gia góp vốn với tỷ lệ tham gia trong BCC là: Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS) 51%, MOECO 15,1% và PTTEP 5,2%.

Tại hạ nguồn, Dự án điện turbine khí hỗn hợp (NMĐ) tại Ô Môn với tổng quy mô đầu tư là khoảng 3,6 tỷ USD; bao gồm Ô Môn I (Chủ đầu tư EVNGENCO 2), Ô Môn II (Chủ đầu tư Marubeni và WTO) và Ô Môn III và IV vừa qua đã được chuyển giao chủ đầu tư cho Petrovietnam.

Dự kiến, toàn chuỗi dự án khi đi vào hoạt động sẽ mang về tổng nguồn thu của Chính phủ khoảng 30 tỷ USD; trong đó khoảng 22 tỷ USD từ dự án thượng nguồn và trung nguồn, 8 tỷ USD từ các dự án hạ nguồn. Các đối tác phía Việt Nam (Petrovietnam, PVEP, PV GAS) dự kiến thu về trong dự án thượng nguồn và trung nguồn khoảng 11 tỷ USD và phía nước ngoài là khoảng 4 tỷ đô.

Các đối tác chiến lược của chuỗi dự án

MOECO - Mitsui Oil Exploration

Trong chuỗi dự án, đối tác chiếm tỷ lệ tham gia lớn nhất của phía nước ngoài phần thượng nguồn và trung nguồn là Công ty Thăm dò và Khai thác Dầu khí Mitsui (MOECO - Mitsui Oil Exploration Co., Ltd.). MOECO được thành lập tại Nhật Bản từ năm 1969 với cổ đông lớn nhất là Tập đoàn Mitsui - Tập đoàn đầu tư kinh doanh và thương mại trong lĩnh vực khai thác tài nguyên khoáng sản, năng lượng, thiết bị, hóa chất, thực phẩm, dệt may, tài chính trên toàn thế giới, được thành lập từ năm 1947 tại Nhật Bản. Năm 2022, Tập đoàn Mitsui ghi nhận mức lợi nhuận 8 tỷ USD, với hơn 46.000 nhân viên trên toàn cầu.

img0520231108141020.jpg
Các dự án MOECO tham gia tại khu vực Đông Nam Á. (Ảnh: MOECO)

Công ty MOECO hoạt động trong lĩnh vực khai thác khí tự nhiên, dầu thô với các thị trường chính là Đông Nam Á, Trung Đông, Bắc Mỹ, Bắc Âu. MOECO tại Việt Nam được thành lập năm 1996 là một trong số các đối tác tham gia dự án Lô B từ ban đầu và đến nay vẫn tích cực thúc đẩy dự án. Với 20 năm kinh nghiệm tại thị trường Việt Nam, MOECO đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Petrovietnam tăng cường nhân sự kỹ thuật, triển khai đầu tư chuỗi dự án theo kế hoạch đề ra và tham gia hỗ trợ thêm dự án mới.

PTT Exploration and Production

Đối tác nước ngoài còn lại, Công ty TNHH Thăm dò Khai thác PTT (PTTEP) - đơn vị thành viên của PTT (Công ty Dầu khí Quốc gia Thái Lan) - cũng là một tên tuổi lớn hoạt động trong lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí (E&P) trong khu vực. Được thành lập từ năm 1985 với nhiệm vụ chính là thăm dò, phát triển và khai thác các nguồn dầu khí từ các mỏ trên bờ và ngoài khơi Thái Lan, những năm qua, PTTEP đã nhanh chóng mở rộng vùng hoạt động sang nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới, như Việt Nam, Myanmar, Campuchia, Indonesia, New Zealand, Australia, Canada, Oman, Algeria, Mozambique và Kenya…

z4860406686410-e170653c2cb7fc8050d4b897d75133dd20231108142428.jpg
Lô khí Erawan ở Vịnh Thái Lan do PTTEP vận hành (Ảnh: PTTEP)

Tại Việt Nam, năm 2002, PTTEP bắt đầu tham gia góp vốn đầu tư và liên doanh điều hành cùng PVEP và các đối tác SOCO (Vương Quốc Anh), OPECO (Hoa Kỳ) trong hai dự án Hợp đồng dầu khí Lô 16-1 và 9-2 ngoài khơi, thông qua hai công ty điều hành Hoàng Long JOC và Hoàn Vũ JOC. Cả hai dự án đã đi vào khai thác thương mại tại các Mỏ Cá Ngừ Vàng năm 2008, Tê Giác Trắng năm 2011. Đây được xem là một trong những thành công lớn nhất về đầu tư của PTTEP tại Việt Nam.

Ngoài ra, PTTEP cũng đang cùng với PVEP tham gia dự án dầu khí Lô 433a&416b tại khu vực Touggourt, Algeria, thông qua Công ty Điều hành Chung Groupment Bir Seba (GBRS) - liên doanh giữa Công ty Dầu khí Quốc gia Algeria (Sonatrach), PVEP và PTTEP - được thành lập từ năm 2009. Đến nay, đây vẫn là một trong những dự án đầu tư nước ngoài trọng điểm, mang lại hiệu quả cao của PVEP/Petrovietnam.

Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí

Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) - đơn vị chiếm tỷ lệ tham gia lớn thứ hai sau Petrovietnam trong dự án thượng nguồn - là một trong những đơn vị chủ lực của Petrovietnam ở lĩnh vực hoạt động cốt lõi của Petrovietnam là tìm kiếm thăm dò khai thác dầu khí. Khởi điểm từ 2 công ty Petrovietnam I và II (thành lập năm 1988), sau nhiều lần được đổi tên và tái cơ cấu lại cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển, năm 2007, Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí chính thức thành lập.

cum-gian-su-tu-trang20231108143057.jpg
Cụm giàn khai thác mỏ khí Sư Tử Trắng của PVEP

Chỉ tính riêng giai đoạn 15 năm kể từ 2007 đến nay, PVEP đã đạt tổng gia tăng trữ lượng 235 triệu tấn quy dầu; tổng sản lượng khai thác dầu khí đạt 72 triệu tấn quy dầu (trong đó 51 triệu tấn dầu và 21 tỷ m3 khí); đã đưa 43 mỏ/dự án dầu khí vào khai thác. Hiện tại, số lượng dự án PVEP đang triển khai là 35 dự án (trong đó 29 dự án trong nước và 6 dự án nước ngoài). Đến nay, tổng tài sản của PVEP ước đạt 90 nghìn tỷ đồng; nộp ngân sách Nhà nước hơn 195 nghìn tỷ đồng.

Tổng Công ty Khí Việt Nam

Tại dự án trung nguồn Đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn, Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS) là bên đầu tư chiếm tỷ lệ cao nhất với 51%. Là một trong những đơn vị chủ lực của Petrovietnam, PV GAS được thành lập năm 1990, có chức năng, nhiệm vụ trọng tâm là thu gom - xuất nhập khẩu - vận chuyển - chế biến/chế biến sâu - tàng trữ - dịch vụ - kinh doanh khí và các sản phẩm khí.

images1789575-dd14d76148a1016e49110c17510d9f4f20231108143413.jpg
Người lao động PV GAS trên công trình khí

Hơn 30 năm hình thành và phát triển, PV GAS không những trở thành một doanh nghiệp khí mạnh, hoạt động hoàn chỉnh trong tất cả các khâu: Thu gom – xuất, nhập khẩu – vận chuyển – chế biến - tồn trữ - dịch vụ - kinh doanh khí và sản phẩm khí; đóng vai trò chủ đạo trong ngành công nghiệp khí của Việt Nam. Hiện nay, mỗi năm PV GAS vận chuyển và cung cấp khoảng 8 - 10 tỷ m3 khí cho các nhà máy điện, đạm, khách hàng công nghiệp – giao thông; kinh doanh từ 2 - 2,2 triệu tấn LPG/năm; kinh doanh khoảng 90 – 100 nghìn tấn condensate/năm; doanh thu đạt 3,5 - 4 tỷ USD/năm và lợi nhuận trước thuế 500 - 700 triệu USD/năm; nộp NSNN khoảng 300 triệu USD/năm; tổng tài sản khoảng 3,8 tỷ USD. Qua hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD), PV GAS đáp ứng nguồn nguyên, nhiên liệu đầu vào để sản xuất gần 11% sản lượng điện, 70% nhu cầu đạm cả nước và chiếm lĩnh khoảng 65 - 70% thị phần LPG toàn quốc; là doanh nghiệp đầu tiên trong nước nhập khẩu và kinh doanh LNG.

Trong trường hợp Lô B bắt đầu vận hành vào cuối năm 2026 như dự kiến, các mỏ của Lô B sẽ cung cấp lượng khí hàng năm khoảng 5 tỷ m3, tương đương 65% sản lượng khí khô tiêu thụ của PV GAS trong năm 2022 vừa qua.

Tổng công ty Phát điện 2

Tại hạ nguồn, NMĐ Ô Môn I được đặt tại phường Phước Thới, quận Ô Môn, TP Cần Thơ do Tổng công ty Phát điện 2 (EVNGENCO2) làm chủ đầu tư. Nhà máy đi vào vận hành chính thức 2 tổ máy từ năm 2015 với tổng công suất 660 MW, sản xuất bình quân khoảng 1,9 tỷ kWh mỗi năm, góp phần tăng cường năng lực cung ứng điện của hệ thống điện quốc gia. Hiện NMĐ Ô Môn I đang sử dụng nhiên liệu dầu DO cho đến khi được chuyển sang chạy bằng khí từ nguồn cấp khí Lô B, với nhu cầu sử dụng dự kiến khoảng 0,95 tỷ m3/năm.

nhiet-dien-o-mon-dji-0953-1-scaled20231108143541.jpg
Nhà máy điện Ô Môn I

Chủ đầu tư NMĐ Ô Môn I - EVNGENCO2 được thành lập vào năm 2013 trên cơ sở tổ chức, sắp xếp lại Công ty TNHH MTV Nhiệt điện Cần Thơ và một số đơn vị khác thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Qua 10 năm, EVNGENCO 2 đã góp phần quan trọng cung ứng đủ điện cho nền kinh tế quốc gia, hoàn thành mục tiêu đầu tư xây dựng các dự án nguồn điện có quy mô lớn. Tổng công suất đặt ban đầu khi EVNGENCO 2 thành lập là 2.975MW, đến nay đạt 4.461MW. Giai đoạn 2013-2022, sản lượng điện sản xuất của EVNGENCO 2 đạt 161,3 tỷ kWh, trung bình mỗi năm cung cấp 16,1 tỷ kWh cho hệ thống điện quốc gia, chiếm xấp xỉ 12% tổng sản lượng điện sản xuất của EVN và khoảng 6% tổng sản lượng điện toàn hệ thống.

Vừa qua, Petrovietnam và EVNGENCO2 đã ký biên bản thống nhất nội dung Hợp đồng Bán khí Ô Môn I, là một trong những tiền đề quan trọng để Petrovietnam và các đối tác tiếp tục triển khai các dự án thành phần của toàn chuỗi dự án trong thời gian tới.

Liên danh Marubeni - WTO

Tiếp đến là Dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn II với công suất dự kiến 1.050 MW; chủ đầu tư là Liên danh nhà đầu tư Tổng công ty Cổ phần Thương mại Xây dựng - WTO (Việt Nam) và Marubeni (Nhật Bản). Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 1,3 tỷ USD, dự kiến khi đi vào hoạt động sẽ tiêu thụ khoảng 1,35 tỷ m3 khí/năm, sản xuất bình quân khoảng 6.300 GWh mỗi năm, góp phần tăng cường năng lực cung ứng điện của hệ thống điện quốc gia và giải quyết việc làm cho hơn 1.000 lao động. Đầu năm 2023, Petrovietnam và liên danh Marubeni - WTO đã tiến hành ký kết thoả thuận khung hợp đồng bán khí Lô B cho Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn II. Đây là một bước tiến quan trọng đóng góp cho quyết định đầu tư cuối cùng của chuỗi dự án khí Lô B.

strength-img-01-220231108144250.jpg
Dự án điện địa nhiệt Rantau Dedap của Marubeni tại Indonesia (Ảnh: Marubeni)

Tập đoàn Marubeni (Marubeni Corporation) được biết đến là một trong những tập đoàn thương mại đầu tư đa ngành lớn nhất Nhật Bản, có mặt trên 68 quốc gia, với tổng tài sản khoảng 68 tỉ USD và lợi nhuận hàng năm khoảng 2 tỉ USD. Marubeni đã có hơn 50 năm hoạt động trong ngành năng lượng tại Việt Nam, tham gia xây dựng 11 nhà máy điện với tổng công suất lắp đặt hơn 4.000MW, đóng góp hơn 5GW vào hệ thống điện quốc gia. Nhà máy điện Trà Nóc (Cần Thơ) được hoàn thành vào những năm 1970 là dự án điện đầu tiên, đánh dấu cho sự phát triển của Marubeni về năng lượng tại Việt Nam. Bên cạnh đó, các dự án xây dựng EPC Nhiệt điện Nghi Sơn 1, Nhiệt điện Thái Bình 1, Dự án Đầu tư BOT Nghi Sơn 2 và mới đây là Dự án Điện khí LNG Quảng Ninh đều là những dự án mang tính biểu tượng cho sự đóng góp lâu dài của Marubeni trong ngành điện Việt Nam.

Về phía Tổng Công ty Cổ phần Thương mại Xây dựng (WTO), đây là đơn vị có tiền thân là Nhà máy Vật liệu Hà Nội được thành lập từ năm 1961 thuộc Cục Cung cấp Vật tư, Bộ Giao thông Vận tải. Với gần 60 năm hoạt động, WTO hiện là một trong những tập đoàn kinh tế lớn đa ngành tại Việt Nam, hoạt động trong các lĩnh vực bất động sản, sản xuất công nghiệp, năng lượng và các ngành dịch vụ khác.

Liên danh McDermott và PTSC

Vừa qua, gói thầu EPCI#1 Thiết kế, xây dựng, lắp đặt cụm giàn công nghệ trung tâm và giàn nhà ở cho Dự án phát triển mỏ Lô B trị giá gần 1,1 tỷ USD đã được trao cho liên doanh xây dựng McDermott (Mỹ) - Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam. Liên danh được phép thực hiện một số công việc chuẩn bị sớm cho hợp đồng EPC mặc dù chưa có quyết định đầu tư cuối cùng (FID) đối với chuỗi dự án Lô B - Ô Môn. Động thái này nhằm mục tiêu đẩy nhanh tiến độ của gói thầu trong trường hợp nhà đầu tư đạt FID muộn hơn dự kiến.

Được biết, McDermott là doanh nghiệp có tuổi đời lên tới 100 năm, chuyên cung cấp các giải pháp kỹ thuật và xây dựng hàng đầu trong ngành năng lượng. Có trụ sở đặt tại Houston, Hoa Kỳ, công ty đã nhanh chóng vươn mình ra ngoài thế giới khi hoạt động tại 54 quốc gia với hơn 30.000 nhân viên cùng một đội tàu xây dựng hàng hải chuyên dụng và các cơ sở chế tạo.

77832-d044a92a2fc6610427bcf381a96fb14f20231108155044.jpg
McDermott là doanh nghiệp chuyên cung cấp các giải pháp kỹ thuật và xây dựng hàng đầu trong ngành năng lượng (Ảnh: McDermott)

Doanh nghiệp hoạt động chủ yếu tại 3 khu vực lớn là Bắc, Trung và Nam Mỹ, châu Âu, Trung Đông và châu Phi và châu Á - Thái Bình Dương. Năm 2018, McDermott hợp nhất với Chicago Bridge & Iron Company (CB&I) trong quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp và tiếp tục hoạt động cho tới ngày nay trong nhiều lĩnh vực liên quan tới năng lượng.

Tại Việt Nam, McDermott và PTSC đã sớm xây dựng mối quan hệ hợp tác tốt đẹp kéo dài gần 25 năm, kể từ khi cùng tham gia vào các dự án dầu khí lớn tại Việt Nam, khởi đầu từ dự án Rạng Đông - Bạch Hổ năm 2000. Đối với dự án Lô B - Ô Môn, McDermott và PTSC cũng đã từng tham gia trong giai đoạn từ năm 2009 đến 2010. Ngoài ra, McDermott cũng tham gia ký kết thỏa thuận phát triển dự án điện khí sử dụng LNG tại Bạc Liêu từ năm 2020, nhằm cung cấp các thiết bị và dịch vụ kỹ thuật trong gói thầu trị giá hơn 3 tỷ USD.

PTSC là Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam, đơn vị thành viên của Petrovietnam, có lịch sử 30 năm hình thành và phát triển trong lĩnh vực dịch vụ kỹ thuật dầu khí chất lượng cao. Doanh nghiệp tập trung vào 7 nhóm dịch vụ chính là căn cứ cảng và hậu cần dầu khí, tàu chuyên dụng, FSO/ FPSO, khảo sát địa chấn/ địa chất công trình ngầm, cơ khí dầu khí, O&M và năng lượng tái tạo.

xuat-khau-3-gian-dau-gieng-cho-du-an-gallaf-giai-doan-120231108160118.jpg
PTSC xuất khẩu 3 giàn đầu giếng cho Dự án Gallaf giai đoạn 1.

Chiếm lĩnh và giữ vững thị trường trong nước, PTSC là một trong những doanh nghiệp Việt Nam tiên phong đầu tư và phát triển dịch vụ dầu khí ra nước ngoài sớm nhất. Đến nay PTSC đã xuất khẩu sản phẩm hàng hóa, dịch vụ ra 10 nước và vùng lãnh thổ, khẳng định và nâng cao vị thế qua từng dự án quốc tế, trở thành thương hiệu uy tín trong khu vực.

Sở hữu nguồn lực đồ sộ và quy mô tổng tài sản hơn 27 nghìn tỷ đồng, quy mô doanh số của PTSC cũng phát triển vượt bậc, tăng gấp hàng trăm lần so với thời điểm bắt đầu thành lập với doanh số bình quân hơn 10 ngàn tỷ đồng/năm. Trong quá trình phát triển, có thời điểm doanh thu của PTSC đạt mức 1 tỷ đô la Mỹ, góp phần nâng tỷ trọng doanh thu dịch vụ lên 28% đến 30% trong tổng doanh thu của toàn ngành Dầu khí Việt Nam.

Đối với đại dự án Lô B, bên cạnh hợp đồng thiết kế, xây dựng, lắp đặt cụm giàn công nghệ trung tâm và giàn nhà ở cho dự án, PTSC còn có cơ hội tham gia các giai đoạn khác của dự án cho đến khi kết thúc vòng đời dự án (năm 2049), do các giai đoạn này vẫn cần đầu tư vào giàn thu gom khí, giàn đầu giếng, hệ thống đường ống nội bộ và CPP mở rộng, với tổng vốn đầu tư dự kiến là 2,7 tỷ USD bao gồm dự phòng tăng giá 2% mỗi năm.

Về mặt vận hành, chuỗi dự án Lô B - Ô Môn có thể sẽ yêu cầu các dịch vụ O&M thường xuyên cũng như FSO (kho nổi) cho kho chứa condensate và các dịch vụ tàu chuyên dụng trong suốt vòng đời của các dự án này, do đây đều là những mảng mà PTSC có thế mạnh về nguồn lực cũng như kinh nghiệm. Tính đến thời điểm hiện tại, PTSC đã nộp hồ sơ dự thầu cho FSO.

5c3d0e6b-d21e-427b-9bdb-a6f4d8eaeb672023103011300020231108160333.jpg
Trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Petrovietnam cùng các đối tác đã ký kết các hợp đồng liên quan và triển khai chuỗi dự án khí điện Lô B - Ô Môn

Trong thời gian qua, vì nhiều lý do khách quan trong các thủ tục đầu tư các dự án NMĐ hạ nguồn, cũng như còn tồn tại, vướng mắc trong cơ chế chính sách về tiêu thụ khí điện, vận hành thị trường điện để các hộ tiêu thụ có thể ký kết hợp đồng thương mại dẫn đến việc nhiều mốc tiến độ quan trọng của chuỗi bị chậm so với kế hoạch ban đầu. Tuy nhiên với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng sự quyết tâm của Petrovietnam và toàn bộ các Bên trong Chuỗi dự án, nhiều vấn đề vướng mắc đã từng bước được giải quyết với phương châm: “Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.

Ngày 30/10 vừa qua, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Petrovietnam cùng các đối tác đã ký kết các các văn bản quan trọng để thúc đẩy chuỗi dự án: Thỏa thuận khung Lô B giữa Petrovietnam, MOECO và PTTEP; Biên bản thống nhất nội dung Hợp đồng Bán khí Ô Môn I giữa Petrovietnam và EVNGENCO2; Trao thầu EPCI#1 giữa Phú Quốc POC, PTSC và McDermott Asia Pacific - đại diện liên danh tổng thầu. Đây là sự kiện tạo tiền đề để Petrovietnam và các đối tác tiếp tục triển khai các dự án thành phần.

Trước đó, vào tháng 6/2023, Thủ tướng Chính phủ cũng quyết định để Petrovietnam chính thức là chủ đầu tư tiếp tục triển khai hai dự án NMĐ Ô Môn III và IV, đánh dấu mốc quan trọng khi Petrovietnam tham gia đầu tư vào toàn Chuỗi dự án từ thượng nguồn tới hạ nguồn.

Trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng tăng trưởng mạnh, các nguồn điện truyền thống bị hạn chế, thì các dự án nhiệt điện khí là yếu tố quan trọng để bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Cùng với đó, việc khởi động triển khai chuỗi dự án khí điện Lô B - Ô Môn sẽ là một bước tiến quan trọng của Petrovietnam trong việc góp phần thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP26 với mục tiêu giảm phát thải carbon để ứng phó biến đổi khí hậu, Quy hoạch điện VIII được xây dựng hướng tới một hệ thống năng lượng “xanh hơn”, “sạch hơn”, phù hợp với xu thế toàn cầu về chuyển dịch năng lượng đang diễn ra mạnh mẽ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điểm danh các “ông lớn” tham gia chuỗi dự án khí - điện Lô B - Ô Môn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO