Bước vào quý I/2021, hiện tượng giá đất tăng ở TP.HCM đã khiến thị trường nhà đất leo thang, có thời điểm giá đất tăng trung bình 10% sau một tháng. Nhiều nơi, một bộ phận người dân đã bỏ sản xuất, kinh doanh để mua đi bán lại kiếm lời. Dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư khiến phần lớn mọi hoạt động giao dịch BĐS gần như “tê liệt”.
Dịch Covid-19 bùng phát gây khó khăn cho các công ty kinh doanh bất động sản |
Ông Phan Giao Trí - Giám đốc một công ty môi giới BĐS ở huyện Nhà Bè chia sẻ: “Gần 2 tháng qua, doanh nghiệp cố gắng duy trì kinh doanh bằng cách tổ chức tư vấn bán hàng qua điện thoại, online nhằm vớt vác phần nào kinh phí để trả lương cho nhân viên, tiền thuê mặt bằng. Nhiều căn hộ và sản phẩm đất nền công ty chào mời khách với giá huề vốn nhưng khách hàng vẫn lắc đầu. Trước giờ khách mua phần lớn là người đầu cơ, còn thời điểm hiện tại chỉ có những khách hàng mua ở thực nên họ lựa chọn, xem xét rất kĩ mới chịu xuống tiền”.
Thạc sĩ Lê Thị Phương Loan - Phó trưởng bộ môn BĐS - Trường Đại học Văn Lang cho rằng: “Đối với những người có nhu cầu mua nhà để ở thời điểm này là hợp lý, vì sẽ có những trường hợp khó khăn, phải bung hàng, giảm giá. Dự báo, từ đây đến cuối năm, thị trường BĐS vẫn còn gặp phải khó khăn nhất định, dòng tiền chảy vào thị trường không mạnh như cùng kỳ những năm trước. Lãi suất vay mua BĐS đang thấp nhưng chỉ mang tính ngắn hạn nên dòng tiền cho BĐS trong 6 tháng cuối năm 2021 vẫn hạn chế. Giai đoạn hiện nay phù hợp với những nhà đầu tư có dòng tiền nhàn rỗi, còn nhà đầu tư bằng tiền vay mượn sẽ gặp khó khăn”.
Một số chủ đầu tư hạ giá bán sản phẩm nhưng vẫn vắng khách hàng |
Còn ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) nhận định: “Trong 6 tháng cuối năm 2021, thị trường BĐS sẽ còn nhiều khó khăn. Cụ thể, BĐS văn phòng, cho thuê tiếp tục thiếu thanh khoản; BĐS du lịch khó hồi phục; BĐS để ở sẽ ổn định hơn vì nguồn cung ít hơn nguồn cầu. Riêng phân khúc BĐS cao cấp ổn định hoặc có thể giảm nhẹ; BĐS công nghiệp có khả năng phục hồi sớm nhất là vào quý I/2022. Đối với những người có nhu cầu mua nhà để ở, thời điểm này là hợp lý vì sẽ có những trường hợp khó khăn, phải bung hàng, giảm giá. Những người mua BĐS để đầu tư thì nên thận trọng, chỉ đầu tư bằng tiền nhàn rỗi, hạn chế dùng đòn bẩy tài chính. Nhà đầu tư có thể xem xét mua BĐS tạo ra dòng tiền như nhà cho thuê, văn phòng, ki-ốt cho thuê”.
Chia sẻ về việc khách hàng lựa chọn sản phẩm BĐS trong đợt dịch, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho rằng: “Hiện nay, các sản phẩm căn hộ bình dân, giá rẻ đang thiếu trầm trọng về nguồn cung. Do đó, trên thị trường dòng sản phẩm này khó sang tay với giá lỗ. Còn dòng căn hộ cao cấp, siêu cấp hướng tới phân khúc khách hàng có thu nhập cao, giá bán có thể giảm nhẹ. Trường hợp rao bán lỗ đôi khi rơi vào trường hợp người đầu cơ đang cần tiền nhưng có khi lại đắt hơn. Do đó, trước khi giao dịch, người mua nhà phải kiểm tra thật kỹ biên độ tăng giá sản phẩm trong một năm để nắm bắt được thông tin cắt lỗ có chính xác hay không”.