Mặc dù đã được cơ quan chức năng, chuyên gia cảnh báo trên các phương tiện truyền thông về những hệ lụy của nó. Thế nhưng, như một thói quen cố hữu, tình trạng này vẫn tồn tại, bất chấp hiểm nguy.
Bài 1: Hệ lụy từ thói quen cũ
Trong những ngày giữa tháng 6, nhiều khu vực trên địa bàn Hà Nội, hễ cứ chiều buông là lại ngộp trong khói từ việc đốt rơm rạ. Theo các chuyên gia y tế, ngoài làm nhiệt độ không khí tăng cao, gây ô nhiễm môi trường, khói đốt rơm rạ còn gây nguy cơ mắc bệnh đường hô hấp.
Hứng trọn khói rạ 2 đợt/năm
Theo tìm hiểu của PV báo Kinh tế& Đô thị, những ngày qua nhiều khu vực ngoại thành Hà Nội như Quốc Oai, Thạch Thất, Hoài Đức, Thanh Oai, cao tốc Nội Bài - Hà Nội, Gia Lâm … liên tục bị bao phủ bởi khói bụi tỏa ra từ việc đốt đồng ruộng sau khi thu hoạch lúa.
Anh Trọng Thái, lái xe taxi Mai Linh cho biết, anh thường xuyên đưa khách đi sân bay Nội Bài, có hôm vào đúng khung 18 giờ, qua cầu Thăng Long vài cây số khói rơm rạ mù mịt, khiến cho tốc độ di chuyển của anh bị chậm lại, vì khuất tầm nhìn. “Nếu vào hôm thời thiết xấu và gặp tình trạng này thì rất nguy hiểm, các phương tiện không chỉ nuốt trọn mùi hắc khó chịu từ khói mà còn bị hạn chế tầm nhìn, rất dễ xảy ra tai nạn, nhất là khi có xe phóng nhanh vượt ẩu” – anh Thái nhận định.
Là người dân luôn phải hứng chịu khói rơm rạ “đều đặn” sau mỗi vụ mùa, chị Đặng Mão, cư dân P1102 Tòa C2D4 khu đô thị Đặng Xá, Gia Lâm cho biết, gia đình chị đã chuyển về đây sinh sống được 6 năm, năm nào cũng 2 đợt hứng trọn khói rơm rạ. Tôi không rõ thời gian cụ thể nhưng mùa hè thì trong khoảng thời gian tháng 6.
“Mùa hè tiết trời đã oi nồng lại thêm khói rơm rạ nhiều hôm phát ngộp thở. Cứ tầm 17 - 19 giờ, mùi khói đốt rơm rạ như hun vào nhà tôi rất khó chịu. Đóng hết các cửa rồi mà khói vẫn len vào. Trẻ con trong khu nhiều, có cháu còn ho sặc sụa. Chúng tôi cũng không biết phải làm sao để không phải chịu cảnh này nữa” – Chị Đặng Mão bức xúc.
Làm phân bón từ đốt rơm rạ là sai lầm
Đốt rơm rạ đã trở thành thói quen từ lâu của nông dân. Vì không có nhu cầu sử dụng rơm rạ nên họ đốt để lấy tro bón cho đồng ruộng vào mùa tiếp theo. Đồng thời, việc đốt rơm rạ mang lại cho họ nhiều tiện lợi như không tốn công xử lý rơm, rạ trên đồng ruộng sau khi thu hoạch, tiêu diệt được mầm mống dịch hại… nên những tính toán ấy đã trở thành thói quen cố hữu.
Chị Minh người dân làng Sủi, xã Đặng Xá, Gia Lâm cho hay, cứ vào chính vụ gặt thì cả làng phải sống chung với khói rơm rạ. “Biết là khi đốt thì khói rơm rạ sẽ làm ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân trong khu vực và ngay cả bản thân gia đình chúng tôi nhưng mà cũng không có giải pháp nào khác để để xử lý số rơm sau mỗi vụ mùa. “Hơn nữa, cũng chỉ thời gian ngắn thôi. Đốt ủ một thời gian để làm phân bón cho hoa màu cũng tốt” – Chị Minh chia sẻ.
Thế nhưng theo GS Nguyễn Lân Dũng, cách hiểu đốt rơm rạ ra tro để làm phân bón ruộng là nhận thức sai lầm. Khi bị đốt thành tro, các chất hữu cơ có trong rơm rạ do nhiệt độ cao sẽ biến thành chất vô cơ, làm cho đồng ruộng bị khô, chai cứng. Phần tro chỉ còn sót lại chút ít Phốt pho, Kali, Canxi và Silic... không giúp ích đáng kể cho cây trồng.
“Trung bình một hecta lúa cho 10 - 12 tấn rơm rạ. Việc đốt lượng phế thải nông nghiệp khổng lồ này sẽ tạo ra một lượng lớn các khí CO, CO2, NO2, SO2, H2O và hàng trăm hợp chất khác có hại cho sức khỏe con người, làm tăng lượng khí thải vào bầu khí quyển, gây ảnh hưởng không nhỏ đến lưới điện. Hơn nữa, khói rơm rạ thường có tính cay, làm chảy nước mắt, gây kích thích phản ứng ở họng, làm người ta ho, hắt hơi, lợm giọng, buồn nôn, thở khò khè, hoặc có cảm giác ngạt thở... Đặc biệt, vào những ngày trời ẩm hoặc đứng gió, khói rơm khuếch tán chậm trong không khí còn gây tác hại dài ngày” – GS Nguyễn Lân Dũng phân tích.