Tỷ lệ tích lũy trong dân khoảng 60 tỷ USD
Theo ông Ketut Kusuma, Chuyên gia cao cấp về Thị trường vốn, Ngân hàng Thế giới, cơ hội thúc đẩy thị trường chứng khoán từ cổ phần hoá là vấn đề then chốt. Cổ phần hoá thông qua phát hành cổ phiếu, đa dạng hoá quyền sở hữu cổ phiếu, xác định giá cổ phiếu. Thực tế, khoảng 400 doanh nghiệp Việt Nam đã được thoái vốn và cổ phần hoá - theo ông là con số rất ấn tượng.
Thị trường cổ phiếu cũng có bước tăng trưởng tích cực, như dư nợ có tăng trưởng, tính thanh khoản cũng được nâng cao. Thị trường trái phiếu Chính phủ cũng có những bước phát triển tích cực. Tỷ lệ trái phiếu Chính phủ so với các nước trong khu vực cũng đã tăng, tuy nhiên sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài chưa nhiều.
Về giải pháp mở rộng thị trường vốn, ông Kusuma cho rằng, một trong những vấn đề cần chú ý và giải quyết nhiều hơn là nhìn vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn nhiều khả năng tăng trưởng, phần lớn tăng trưởng thể hiện ở thị trường tư nhân.
Về cơ sở nhà đầu tư tổ chức trong nước, chuyên gia tài chính cao cấp Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết, danh sách các nhà đầu tư tổ chức trong nước có số lượng ít với quy mô nhỏ, trong đó, doanh nghiệp bảo hiểm, quỹ bảo hiểm xã hội chỉ chiếm 16%.
Theo ông Ketut Kusuma, nếu nhìn vào từng nhà đầu tư, chúng ta thấy doanh nghiệp bảo hiểm có đầu tư gián tiếp, trực tiếp, có chứng khoán doanh nghiệp, có trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh... Như vậy, vấn đề đặt ra là làm thế nào huy động được nguồn vốn nhàn rỗi trong các hộ gia đình để họ yên tâm khi đầu tư vào các kênh khác nhau như cổ phiếu, trái phiếu, gửi ngân hàng... Ông cho rằng, các nguồn tích lũy tiết kiệm cần được đầu tư vào đâu là câu hỏi cần được quan tâm.
"Khi chúng ta huy động được nguồn vốn nhàn rỗi trong dân chúng hiệu quả, đầy đủ, chúng ta sẽ đảm bảo nguồn vốn dài hạn, đáp ứng nhu cầu vay của người dân", ông Ketut Kusuma nói.
Ông Ketut cũng đưa ra một số khuyến nghị như tăng cường tính minh bạch trong khung thông tin, tiếp tục công cuộc cải cách thị trường trái phiếu chính phủ, thúc đẩy hệ thống đầu tư tư nhân mở rộng quỹ đầu tư hưu trí, quỹ bảo hiểm xã hội, phát hành trái phiếu rộng rãi trong công chúng, mở rộng quy mô của các quỹ nhà nước, đặc biệt là quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ lương hưu.
Theo ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch ủy ban Chứng khoán Nhà nước, thị trường vốn cần có chính sách để cần bằng thị trường tín dụng, thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu. Hiện nay, Việt Nam chỉ có khoảng 2.000 nhà đầu tư cổ phiếu - con số khiêm tốn so với các nước khu vực. Bài toán là làm sao để phát triển nhà đầu tư có tổ chức.
Bên cạnh đó, vấn đề ít được nhắc đến nhưng không kém phần quan trọng là phát triển nhà đầu tư cá nhân. Để phát triển, Việt Nam phải có sản phẩm, phát triển các loại quỹ đồng thời đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư.
Nêu kiến nghị giúp khuyến khích thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển, Chuyên gia Ngân hàng Thế giới A. Alatabani cho rằng, cần đưa Việt Nam trở thành điểm đầu tư hấp dẫn, thu hút. Theo ông, nhiều nhà đầu tư trên thế giới rất quan tâm đến quỹ đầu tư cho người về hưu ở Việt Nam. Ông cho rằng, lộ trình này có thể được thực hiện trong 3 năm tới.
Bên canh đó, cần phát triển tiềm năng của nền kinh tế Việt Nam. Ông Alatabani cho rằng, nền kinh tế nước ta có tỷ lệ tích lũy trong dân cao, tới khoảng 60 tỷ USD nằm trong người dân mà ta chưa huy động hết. Đây là tiềm năng lớn.
Kiên trì xây dựng thị trường chứng khoán bền vững, lành mạnh
Sau khi lắng nghe ý kiến của các diễn giả, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ kết luận, để giải quyết tình trạng mất cân bằng trong thị trường vốn, cần tăng vai trò của thể chế phi ngân hàng, một vấn đề nữa là giải quyết tốt thị trường vốn và thị trường tiền tệ.
"Chúng ta cần giải quyết tốt mối quan hệ giữa thị trường vốn và thị trường tiền tệ. Một trong những điều kiện quan trọng để giải quyết vấn đề này là áp dụng các công cụ, gỡ được áp lực về mặt tỷ giá, lãi suất biến động", Phó Thủ tướng nói.
Ông cũng đưa ra một số giải pháp như đa dạng hóa sản phẩm, thị trường chứng khoán phải phát triển cả ở thị trường cơ sở, chính phủ cần có biện pháp phát triển thị trường này. Về thị trường trái phiếu doanh nghiệp, cần phát triển sản phẩm hưu trí tự nguyện...
Về việc có cần thiết phải lập thị trường cổ phiếu riêng hay không, ông Vương Đình Huệ cho rằng, điều quan trọng là cần có nhà đầu tư chuyên nghiệp, có tổ chức, không cần phân biệt là tư nhân hay quỹ đầu tư lớn. Tất nhiên, việc có một sàn giao dịch riêng cũng là vấn đề cần hướng tới.
Phó Thủ tướng đánh giá, cần thiết phải có hệ thống quản trị tốt, tăng cường giám sát đồng thời siết chặt lại thị trường theo hướng tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tham gia thị trường một cách ổn định, có tổ chức và nâng cao hoạt động của thị trường.
Với đề xuất về thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trong đó có việc thành lập các tổ chức xếp hạng tín nhiệm, đại diện Chính phủ khẳng định sẽ có lộ trình để Việt Nam sớm có các tổ chức này. "Cần chủ động huy động vốn trung dài hạn với châm nội lực quan trọng nhưng không thể không có ngoại lực", Phó thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng chỉ đạo, cần kiên trì xây dựng thị trường chứng khoán bền vững, lành mạnh. Chính phủ sẽ chỉ đạo và ban hành chiến lược về phát triển thị trường chứng khoán để có thể tái cơ cấu mạnh mẽ.
Với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, theo ông Vương Đình Huệ, ngoài các đơn vị xếp hạng tín nhiệm cần có trung tâm chứng khoán doanh nghiệp đưa vào giao dịch bình thường để tạo thanh khoản. Hiện Chính phủ ban hành Nghị định 1191 về phát hành trái phiếu Chính phủ và chỉ đạo Bộ Tài chính trong đó có Dự thảo Nghị đinh 90 về thị trường chứng khoán.
Về quỹ hưu trí tự nguyện, Chính phủ cho biết đã có nhiều động thái nhằm tăng cường quỹ này bổ sung cho thị trường vốn.
Riêng về ý kiến "lộ trình cổ phần hóa diễn ra chậm", Phó thủ tướng cho rằng, nếu nhìn về số lượng doanh nghiệp có thể chậm song về lượng vốn thì có thể nói là khả quan. 6 tháng năm nay giá trị từ cổ phần hóa tăng hơn 2 so với năm ngoái. "Do vậy chưa chắc tốc độ đã chậm, lộ trình tiếp theo như thế nào Việt Nam đều đã công bố cho các nhà đầu tư rồi. Điều này hiện minh bạch của thị trường", ông Vương Đình Huệ nói.
Về gợi ý liên quan đến chứng chỉ ký quỹ không biểu quyết, đại diện Chính phủ đánh giá đây là ý kiến hay khi đảm bảo an ninh quốc gia và khẳng định Việt Nam sẽ lắng nghe và nghiên cứu.