Đề xuất không tổ chức cơ quan thanh tra cấp huyện

Thanh Tùng| 18/04/2022 21:04

(TN&MT) - Đa số Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị không tổ chức cơ quan thanh tra cấp huyện để góp phần tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan thanh tra.

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 10, chiều 18/4, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi).

1(5).jpg
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Luật Thanh tra năm 2010 đã bộc lộ những hạn chế, vướng mắc

Tại phiên họp, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, Luật Thanh tra năm 2010 đã tạo hành lang pháp lý quan trọng trong việc hoàn thiện tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động thanh tra, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Tuy nhiên, Luật Thanh tra năm 2010 còn chưa cụ thể hóa quan điểm đổi mới của Đảng trong hơn 10 năm qua và Hiến pháp năm 2013. Mặt khác, Luật Thanh tra năm 2010 qua quá trình thực hiện đã bộc lộ những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, làm giảm hiệu quả, hiệu lực của hoạt động thanh tra, chưa đáp ứng tốt các yêu cầu, nhiệm vụ của tình hình mới trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Do vậy, việc sửa đổi Luật Thanh tra 2010 là cần thiết nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng, Hiến pháp năm 2013 về công tác thanh tra, trên tinh thần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong tổ chức và hoạt động thanh tra, khắc phục những tồn tại, hạn chế, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

3(1).jpg
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong phát biểu tại phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật Thanh tra để thể chế hóa quan điểm của Đảng, Nhà nước và Hiến pháp năm 2013 về tổ chức, hoạt động của các cơ quan thanh tra và khắc phục những hạn chế, bất cập của các quy định pháp luật về thanh tra hiện nay. Quan điểm sửa đổi trên cơ sở quán triệt và cụ thể hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác thanh tra; phù hợp với yêu cầu cải cách hành chính nhà nước; thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 phù hợp với chức năng, nhiệm vụ về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đáp ứng yêu cầu về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, bảo đảm phối hợp có hiệu quả giữa các công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán của bộ máy nhà nước và cả hệ thống chính trị; làm rõ và tăng cường trách nhiệm, thẩm quyền của Thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước trong việc lãnh đạo công tác thanh tra, xử lý các vấn đề phát sinh được phát hiện qua hoạt động thanh tra; sửa đổi Luật Thanh tra trên cơ sở tổng kết thực tiễn tổ chức và hoạt động thanh tra; kế thừa các quy định còn phù hợp của Luật Thanh tra năm 2010; đáp ứng yêu cầu thực tiễn và hội nhập quốc tế.

Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) gồm 8 Chương và 116 Điều, quy định về tổ chức, hoạt động thanh tra nhà nước. Cụ thể, Chương I về Những quy định chung (9 Điều); Chương II về Tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thanh tra (27 Điều); Chương III về Thanh tra viên (6 Điều); Chương IV về Hoạt động thanh tra (57 Điều); Chương V về Thực hiện kết luận thanh tra (6 Điều); Chương VI về Phối hợp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán nhà nước, điều tra (5 Điều); Chương VII về Điều kiện bảo đảm hoạt động của cơ quan thanh tra (3 Điều); Chương VIII về Điều khoản thi hành (3 Điều).

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, dự thảo Luật quán triệt quan điểm thanh tra là tai mắt của trên, là bạn của dưới và mục đích hoạt động thanh tra nhằm kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách, phòng ngừa, phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật trong quản lý nhà nước. Vì vậy, dự thảo Luật Thanh tra lần này đề cao vai trò và rõ trách nhiệm hơn của Thủ trưởng các cơ quan quản lý nhà nước trong việc tổ chức, chỉ đạo hoạt động thanh tra, xử lý kết luận, kiến nghị thanh tra, nâng cao việc chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi và quyết định của mình.

Đồng thời, dự thảo Luật cũng kế thừa các quy định hiện hành về tổ chức các cơ quan thanh tra nhà nước và thiết kế mô hình các cơ quan thanh tra cho phù hợp với thực tiễn quản lý nhà nước của các Bộ, ngành, địa phương. Các cơ quan thanh tra theo cấp hành chính bao gồm Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh, Thanh tra huyện; Thanh tra theo ngành, lĩnh vực gồm: Thanh tra bộ, Thanh tra tổng cục, cục thuộc Bộ và Thanh tra sở.

Dự thảo Luật được sửa đổi theo hướng quy định các bước tiến hành thanh tra chặt chẽ, cụ thể, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát và phân biệt với các hoạt động kiểm tra thường xuyên của cơ quan quản lý Nhà nước.

2(3).jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Thanh tra

Thẩm tra các nội dung của dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật cơ bản nhất trí với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Thanh tra với những lý do như đã được nêu trong Tờ trình của Chính phủ; cho rằng hồ sơ dự án Luật đã được chuẩn bị đầy đủ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Tuy nhiên, qua rà soát Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy: Tờ trình dự án Luật chưa lý giải đầy đủ về những vấn đề được đề xuất sửa đổi, có nội dung chính sách thay đổi lớn so với thời điểm đề xuất đưa dự án Luật vào Chương trình nhưng chưa được nêu rõ và luận giải thuyết phục; Báo cáo tổng kết thi hành Luật chưa đánh giá được đầy đủ, toàn diện kết quả đạt được, vướng mắc, bất cập của Luật hiện hành; Báo cáo đánh giá tác động của các chính sách trong dự án Luật có một số nội dung chưa thực sự thuyết phục, chưa làm rõ giải pháp tối ưu được lựa chọn, một số nội dung không thống nhất. Do đó, Ủy ban Pháp luật đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục bổ sung trong quá trình tiếp thu, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật trình Quốc hội.

Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng nhất trí với 5 nhóm quan điểm, nguyên tắc xây dựng Luật như đã được nêu trong Tờ trình của Chính phủ; đồng thời, bổ sung nhấn mạnh 3 quan điểm: Bám sát định hướng nghiên cứu, rà soát sửa đổi Luật Thanh tra đã được đề ra tại Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; phân định rạch ròi nhiệm vụ, quyền hạn giữa các cơ quan thanh tra và trách nhiệm giữa Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước với cơ quan thanh tra; Việc tổ chức hệ thống cơ quan thanh tra phải đặt trong tổng thể bảo đảm thực hiện được đầy đủ, hiệu quả nhiệm vụ của cơ quan thanh tra; xử lý hài hòa mối quan hệ giữa Luật Thanh tra và các luật khác có quy định về thanh tra.

Về hệ thống cơ quan thanh tra theo cấp hành chính, Thường trực Ủy ban Pháp luật cơ bản nhất trí việc tổ chức các cơ quan Thanh tra Chính phủ và Thanh tra tỉnh như hiện nay. Bên cạnh đó, về tổ chức Thanh tra huyện, đa số ý kiến đề nghị cần nghiên cứu, có giải pháp đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động của thanh tra hành chính ở cấp huyện phù hợp với yêu cầu tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, khắc phục bất cập đã được chỉ ra qua tổng kết thực tiễn thi hành Luật Thanh tra. Theo đó, đề nghị không tổ chức cơ quan thanh tra cấp huyện.

Về hệ thống cơ quan thanh tra theo ngành, lĩnh vực, Thường trực Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với quy định của dự thảo Luật. Tuy nhiên để bảo đảm tinh gọn bộ máy, phân định rõ trách nhiệm, khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động của nội bộ các cơ quan thanh tra theo ngành, lĩnh vực, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị thực hiện nguyên tắc tại cơ quan Bộ chỉ tổ chức một cơ quan thanh tra chuyên ngành đối với mỗi ngành, lĩnh vực. Theo đó, đề nghị quy định đối với Tổng cục, Cục thuộc Bộ được thành lập cơ quan thanh tra thì không giao Thanh tra Bộ thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đối với ngành, lĩnh vực đó nữa mà xác định Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ là cơ quan thanh tra của Bộ về chuyên ngành do Tổng cục, Cục thuộc Bộ quản lý. Thanh tra Bộ chỉ thực hiện thanh tra chuyên ngành đối với ngành, lĩnh vực mà ở Tổng cục, Cục thuộc Bộ không thành lập cơ quan thanh tra.

Ngoài ra, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định cụ thể trong Luật các tiêu chí thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành tại các cơ quan này, trong đó, cần xác định tiêu chí quan trọng là cơ quan đó được pháp luật giao thực hiện một số nhiệm vụ quản lý nhà nước chuyên ngành; đồng thời, quy định cụ thể “cơ quan khác” được thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành; rà soát để chỉnh lý các quy định có liên quan, bảo đảm tính thống nhất nội tại của dự thảo Luật.

Tại phiên họp, các đại biểu thảo luận về các nội dung của dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi): các hình thức thanh tra; hệ thống thanh tra; hoạt động thanh tra; mối quan hệ giữa Luật Thanh tra với các văn bản pháp luật khác trong hệ thống pháp luật; việc xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, giữa hoạt động thanh tra với kiểm tra, kiểm toán; Ban Thanh tra nhân dân…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất không tổ chức cơ quan thanh tra cấp huyện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO