Đề xuất giải pháp xanh cho nguồn nước

16/03/2018 20:35

(TN&MT) – Sáng 16/3, tại Hà Nội, Cục Quản lý tài nguyên nước phối hợp với Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, Văn phòng Thường trực Uỷ ban...

(TN&MT) – Sáng 16/3, tại Hà Nội, Cục Quản lý tài nguyên nước phối hợp với Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, Văn phòng Thường trực Uỷ ban sông Mê Công (Bộ TN&MT) tổ chức Hội thảo khoa học “Giải pháp xanh cho nguồn nước”. Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên dự và điều hành Hội thảo.

Nước và các thách thức 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên cho biết: Trong những năm vừa qua, chúng ta đã chứng kiến nhiều loại hình thiên tai khác nhau liên quan đến nước xảy ra trên mọi miền của đất nước trong khu vực, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Điều đáng lưu ý là các hiện tượng thời tiết cực đoan có xu hướng xảy ra thường xuyên và ngày càng khắc nghiệt hơn, với cường độ lớn hơn.

Năm 2015 và 2016, người dân khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã phải hứng chịu đợt hạn hán lịch sử, vô cùng khắc nghiệt và kéo dài, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới các hoạt động sản xuất kinh tế và đời sống sinh hoạt của người dân trong vùng.

Trong khi đó, ở miền Bắc và khu vực Bắc Trung bộ lại hứng chịu những trận lũ khốc liệt gây thiệt hại nặng nề như lũ quét ở Mù Cang Chải hồi tháng 8/2017. Đợt mưa lớn trái mùa giữa tháng 10/2017 khiến lưu lượng nước đổ về các hồ tăng cao đột ngột trong khi các hồ chứa đã tích đầy nước theo quy trình. Lần đầu tiên kể từ khi đưa vào vận hành, hồ Hòa Bình đã phải xả cấp tập 08 cửa đáy với lưu lượng xả lớn nhất là 16.520m3/s. Mưa lớn cũng gây ra những đợt lũ lịch sử, gây ngập lụt trên diện rộng ở các tỉnh thuộc khu vực đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung bộ.

Trong những năm gần đây, ở khu vực ĐBSCL đã ghi nhận tình trạng sạt lở bờ sông nhiều hơn và nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng và tài sản của người dân.
Theo Thứ trưởng Trần Quý Kiên, vấn đề ô nhiễm nguồn nước cũng đang là vấn đề nóng ở Việt Nam
Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên phát biểu khai mạc Hội thảo
Theo Thứ trưởng Trần Quý Kiên, vấn đề ô nhiễm nguồn nước cũng đang là vấn đề nóng ở Việt Nam, thu hút sự quan tâm của các cấp, các ngành, cơ quan truyền thông và người dân. Ô nhiễm do nước thải đang là vấn đề thách thức lớn ở nước ta hiện nay. Tình trạng xả nước thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt chuẩn vào nguồn nước vẫn xảy ra thường xuyên và trên diện rộng. Hậu quả là một số con sông đã bị ô nhiễm nghiêm trọng và chất lượng nước của nhiều dòng sông không đáp ứng yêu cầu của các mục đích sử dụng.

Ông Abedalrazq Khalil, chuyên gia cao cấp về quản lý tài nguyên nước, Ngân hàng thế giới đánh giá Việt Nam đã có nhiều nỗ lực quản lý tài nguyên nước, tuy nhiên, vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Những vấn đề Việt Nam phải đối mặt trong quá trình khai thác tài nguyên nước không bền vững là vấn đề cần quan tâm. Nếu so sánh Việt Nam với các nước khác trên bình diện phát triển tài nguyên nước, năng suất sử dụng nước của Việt Nam đang ở mức thấp nhất nhưng mật độ sử dụng nước cho mục đích phát triển kinh tế lại ở hàng cao nhất.

“Thực tế ở Việt Nam, nhu cầu về nước tăng nhưng khả năng cấp nước lại giảm. Ngoài ra, Việt Nam chịu tác động mạnh của BĐKH, đặc biệt là thiên tai, do đó, tác động đến nền kinh tế tính theo GDP sẽ tăng” - ông Abedalrazq Khalil nhấn mạnh.
Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Hoàng Văn Bẩy điều hành Hội thảo cùng Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên
Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Hoàng Văn Bẩy điều hành Hội thảo cùng Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên
Khai thác, sử dụng tài nguyên nước dưới đất ở Việt Nam còn gặp nhiều thách thức. Theo ông Triệu Đức Huy – Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, khai thác vượt quá trữ lượng có thể khai thác của một số tầng chứa nước gây nên hạ thấp mực nước tại một số địa phương, đặc biệt một số tỉnh ở bán đảo Cà Mau và ven biển ĐBSCL.

Giải pháp xanh cho nguồn nước

Vẫn theo ông Triệu Đức Huy, bảo vệ và quản lý tài nguyên nước dưới đất cũng gặp nhiều thách thức. Để giải quyết những thách thức trên, ông Triệu Đức Huy đề xuất các giải pháp tăng cường quản trị tài nguyên nước dưới đất. Trong đó, giải pháp quản lý gồm: Hoàn thành chính sách pháp luật, chiến lược về tài nguyên nước; chủ động thích ứng với diễn biến thời tiết cực đoan và việc phụ thuộc vào các quốc gia sử dụng nước ở thượng nguồn; đẩy mạnh công tác quan trắc , giám sát và bảo vệ tài nguyên nước, đặc biệt là các nguồn nước liên quốc gia; ứng dụng khoa học - công nghệ và các nguồn lực hợp tác quốc tế trong công điều tra, đánh giá và quản lý tài nguyên nước; nâng cao nhận thức cộng đồng về việc sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước. Các giải pháp kỹ thuật tập trung vào quy hoạch tài nguyên nước; điều tra, đánh giá tài nguyên nước; mạng lưới quan trắc và cảnh báo; bảo vệ và phát triển nguồn nước.
 ông Triệu Đức Huy – Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia
Ông Triệu Đức Huy – Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia đề xuất các giải pháp xanh cho nguồn nước
Những kinh nghiệm và bài học quốc tế chỉ ra nhiều quốc gia đứng trước những rủi ro và nguy cơ như Việt Nam, nhưng cũng có những nước vượt qua nhiều thách thức. Ông Abedalrazq Khalil cho rằng mấu chốt tạo ra thành công là quy hoạch tích hợp tài nguyên nước, quy hoạch lưu vực sông và vấn đề điều phối.

Ông Abedalrazq Khalil đề xuất các chính sách như: Tăng cường quản lý tài nguyên nước để ứng phó với tình trạng căng thẳng và rủi ro tăng lên từ nước; tăng cường hiệu quả sử dụng nước trong nông nghiệp có tưới để thu được giá trị cao hơn mỗi vụ mùa; lồng ghép rủi ro về nước và cung cấp dịch vụ nước và vệ sinh vào quy hoạch đô thị; kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ môi trường tốt hơn; cải thiện quản lý những rủi ro đang ngày càng gia tăng; cải thiện hiệu quả hơn trong đầu tư và tài chính hóa, và phối hợp với các ưu đãi và chỉ tiêu được đặt ra.
Ông Abedalrazq Khalil, chuyên gia cao cấp về quản lý tài nguyên nước, Ngân hàng thế giới
Ông Abedalrazq Khalil, chuyên gia cao cấp về quản lý tài nguyên nước, Ngân hàng thế giới đề xuất các chính sách nhằm giải quyết những thách thức của tài nguyên nước
Nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước xuyên biên giới tại lưu vực sông Mê Công, bà Nguyễn Hồng Phượng – Phó Chánh Văn phòng thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam đề xuất: Vận dụng những căn cứ pháp lý quốc tế (Hiệp định Mê Công 1995 và các Thủ tục pháp lý liên quan), kênh hợp tác Mê Công – Lan Thương mới được thiết lập, các kênh hợp tác đa phương và song phương nhằm hạn chế đến mức tối đa tác động của thủy điện; hợp tác theo dõi, giám sát thường xuyên các hoạt động phát triển phía thượng nguồn sông Mê Công.

Bà Nguyễn Hồng Phượng cho rằng cần tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo tác động của các phát triển thượng lưu có thể gây ra tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn sớm; tập trung xây dựng và triển khai thực hiện quy hoạch tài nguyên nước vufg ĐBSCL; xây dựng và vận hành mạng quan trắc, giám sát tài nguyên nước; hệ thống chia sẻ thông tin, cơ sở dữ liệu tích hợp dùng chung cho cả vùng.

“Đối với các ngành kinh tế quan trọng bị ảnh hưởng, cần có giải pháp thích ứng nội tại trong Đồng bằng. Ngoài ra, cần đẩy mạnh các nghiên cứu  về an ninh nguồn nước nói riêng và an ninh môi trường nói chung” - bà Nguyễn Hồng Phượng đề xuất.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất giải pháp xanh cho nguồn nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO