Trong nước

Đề xuất 5 nhóm giải pháp thực hiện Chiến lược quốc gia về Phòng chống tham nhũng

Phương Linh 06/06/2024 - 18:58

Ngày 6/6, tại Hà Nội, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra (Viện CL&KHTT) tổ chức Hội thảo góp ý hoàn thiện Dự thảo Báo cáo “Đề xuất chính sách, giải pháp và kế hoạch thực hiện chiến lược PCTN của Việt Nam giai đoạn 2022-2030”. Theo đó, dự thảo báo cáo đã đề xuất 5 nhóm giải pháp thực hiện Chiến lược quốc gia về PCTN đến năm 2030.

Tham dự Hội thảo có Tiến sĩ Cung Phi Hùng - Phó Viện trưởng Viện CL&KHTT, ông Sam Juett, Điều phối viên Chương trình thực thi pháp luật và tư pháp, Cục phòng chống ma túy và thực thi pháp luật quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, bà Sabina Stein, Trợ lý Đại diện thường trú, Trưởng Phòng Quản trị và Tham gia, UNDP Việt Nam, cùng đại diện các đơn vị thuộc Thanh tra chính phủ, thanh tra các tỉnh cùng các chuyên gia.

1(4).jpg
Tiến sĩ Cung Phi Hùng - Viện Phó Viện CL&KHTT

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Cung Phi Hùng - Phó Viện trưởng Viện CL&KHTT cho biết, hiện nay tình trạng tham nhũng vẫn diễn biến hết sức phức tạp trên nhiều lĩnh vực, nhất là lĩnh vực tổ chức cán bộ; quản lý tài chính, ngân sách, tài sản công, quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp; tham nhũng trong đầu tư, xây dựng, đấu thầu, đấu giá; đất đai, tài nguyên, khoáng sản; tín dụng, ngân hàng; thuế, hải quan và các lĩnh vực thực thi pháp luật liên quan trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp.

Nguyên nhân chủ yếu là do cơ chế quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn hạn chế, bất cập; việc thực thi pháp luật chưa nghiêm, kết quả phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng chưa đủ sức răn đe; tổ chức bộ máy còn chồng chéo, chưa tinh gọn, hoạt động chưa hiệu quả; một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức suy thoái về chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống.

Bước vào giai đoạn phát triển mới, trong điều kiện của nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; tham nhũng diễn biến ngày càng phức tạp, tinh vi. Công cuộc PCTN đang đứng trước những khó khăn, thách thức mới.

Do đó, nhằm kế thừa những thành tựu đã đạt được và tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác PCTN, Chính phủ tiếp tục ban hành Chiến lược quốc gia PCTN đến năm 2030.

Bà Sabina Stein, Trợ lý Đại diện Thường trú, Trưởng Phòng Quản trị và Tham gia, UNDP Việt Nam chia sẻ: “Chống tham nhũng cũng là trọng tâm trong chiến lược của UNDP Việt Nam. Trong hơn một thập niên, với sự hỗ trợ từ các đối tác phát triển, chúng tôi đã tích cực tham gia bằng nhiều cách khác nhau để hỗ trợ Việt Nam chống tham nhũng.

2(3).jpg
Bà Sabina Stein, Trợ lý Đại diện Thường trú, Trưởng Phòng Quản trị và Tham gia, UNDP Việt Nam

Điều này bao gồm hỗ trợ nâng cao khuôn khổ pháp lý, nâng cao năng lực cho cán bộ Nhà nước, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội thúc đẩy hợp tác quốc tế.

Với Thanh tra Chính phủ, UNDP đã hỗ trợ sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và sau đó là triển khai thực hiện.

Hiện nay, với Dự án về tăng cường năng lực của Việt Nam trong thực thi Công ước Liên Hợp Quốc về phòng chống tham nhũng (UNCAC), UNDP hỗ trợ Thanh tra Chính phủ Việt Nam rà soát một số quy định của UNCAC mà Việt Nam đang bảo lưu, xây dựng tài liệu đào tạo về quản trị tốt cho lãnh đạo các bệnh viện, rà soát chỉ số đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng cấp bộ, tổ chức đối thoại chính sách về đánh giá và giám sát các mục tiêu SDG về phòng, chống tham nhũng.”

Tại hội thảo, thạc sỹ Nguyễn Việt Hoàng - chuyên gia Dự án đã trình bày dự thảo báo cáo “Đề xuất chính sách, giải pháp và kế hoạch thực hiện chiến lược quốc gia PCTN của Việt Nam giai đoạn 2022-2030”.

Theo đó, dự thảo báo cáo đã chỉ ra bối cảnh, mục tiêu, đối tượng sử dụng báo cáo; thực trạng thực hiện Chiến lược quốc gia về PCTN đến năm 2030.

Đồng thời cũng đề xuất 5 nhóm giải pháp gồm: Nhóm giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực quản lý kinh tế - xã hội và PCTN, tiêu cực; Nhóm giải pháp kiện toàn tổ chức bộ máy nhà nước, hoàn thiện chế độ công vụ, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức liêm chính; nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật; Nhóm giải pháp tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; Nhóm giải pháp nâng cao nhận thức, phát huy vai trò và trách nhiệm của xã hội trong PCTN, tiêu cực; Nhóm giải pháp nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về PCTN, thực hiện đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của quốc gia thành viên Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng.

3(1).jpg
Các đại biểu và chuyên gia chụp ảnh kỉ niệm

Báo cáo cũng đã đề xuất kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia PCTN, tiêu cực đến năm 2030 và Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng giai đoạn 2023-2026 gồm 05 nhóm nhiệm vụ, đó là: Hoàn thiện chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực quản lý kinh tế - xã hội và PCTN, tiêu cực (17 nhiệm vụ); Kiện toàn tổ chức bộ máy nhà nước, hoàn thiện chế độ công vụ, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức liêm chính; nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật (06 nhiệm vụ); Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án (08 nhiệm vụ); Nâng cao nhận thức, phát huy vai trò và trách nhiệm của xã hội trong PCTN, tiêu cực (10 nhiệm vụ); Tích cực tham gia, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về PCTN, trên cơ sở chú trọng thực hiện đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của quốc gia thành viên UNCAC (04 nhiệm vụ).

Trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu và chuyên gia đã cùng thảo luận, đưa ra các ý kiến góp ý đối với dự thảo báo cáo.

Kết luận hội thảo, ông Cung Phi Hùng đánh giá cao những ý kiến góp ý của các đại biểu và chuyên gia. Ông Hùng nhấn mạnh, sẽ tiếp thu những ý kiến góp ý để hoàn thiện báo cáo trong thời gian sớm nhất để báo cáo có thể được ứng dụng rộng rãi trên toàn quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất 5 nhóm giải pháp thực hiện Chiến lược quốc gia về Phòng chống tham nhũng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO