Dè sẻn điểm xanh

Việt Hải| 09/02/2023 10:11

(TN&MT) - Bản đồ chất lượng không khí tuần qua của Hà Nội và các tỉnh lân cận thường xuyên thiếu vắng màu xanh - màu chỉ mức an toàn, có lợi cho sức khỏe.

Nguyên nhân chính được cho liên quan tới yếu tố đặc thù thời tiết. Trong khi các chuyên gia khí tượng thủy văn mới đây đưa ra dự báo, mưa ẩm sẽ còn kéo dài đến tháng 4, cao điểm trong tháng 2. Đồng nghĩa với việc tìm chấm xanh cho Hà Nội trên bản đồ do PamAir cung cấp khá khó khăn.

Điển hình trong các ngày 2/2, 3/2, chỉ số chất lượng không khí trên ứng dụng cảnh báo chất lượng không khí PamAir cho thấy, Hà Nội và các tỉnh lân cận đang có mức ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Tối 2/2, AQI đo được tại Trường Mầm non thực hành Hoa Sen là 496 - mức gần kịch khung trong bảng đo chất lượng ô nhiễm không khí, tại điểm Thư viện Đại học Quốc gia Hà Nội (quận Cầu Giấy) là 465, Khu đô thị Times City có chỉ số AQI 350. Chiều 3/2, mức AQI tại Trung tâm Sao Mai (quận Thanh Xuân) là 308, quận Tây Hồ 283. Các điểm đo còn lại ở mức cảnh báo màu tím (AQI từ 200 - 300) hoặc màu đỏ; không có điểm đo nào chỉ màu xanh.

Chất lượng không khí nhiều khu vực nội thành Hà Nội vẫn đang tiếp tục ô nhiễm ở ngưỡng màu Vàng (Kém) - Đỏ (Xấu) - Tím (Rất xấu). Nguồn: PamAir 

Như trên đã nói, thủ phạm ô nhiễm lâu nay vẫn được quy cho thời tiết. Rõ ràng, yếu tố mùa và khí hậu: ảnh hưởng của gió, độ ẩm và mưa, bức xạ năng lượng mặt trời và hiện tượng nghịch nhiệt… có một phần “trách nhiệm” tạo ra các phản ứng (tiêu cực hoặc tích cực) cho môi trường, đồng thời đóng vai trò quyết định việc lan truyền hay lưu giữ chất độc hại trong không khí. Thế nhưng, không thể chỉ đổ lỗi cho khí hậu và thời tiết để quên đi tác nhân quan trọng là yếu tố gây phát thải liên quan đến con người.

Kết quả quan trắc môi trường phân tích các vùng phát thải đặc thù đã chỉ ra một số chất ô nhiễm không khí tập trung ở các khu vực khác nhau tùy thuộc vào nguồn phát thải liên quan đến hoạt động của con người. Với Hà Nội, mật độ dân cư, phương tiện giao thông và hoạt động sản xuất kinh doanh được cho là nhóm gây ô nhiễm cơ bản. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của các chuyên gia trong lĩnh vực khí hậu, quy hoạch đô thị cũng là một phần của nguyên nhân bởi quy hoạch đô thị Hà Nội dường như chưa đề cập tới việc dành những lối thoát không gian cho không khí. Áp lực về dân cư và nhà ở đang vô hình dung tạo ra những bức tường “nhốt” các chất ô nhiễm mắc kẹt trong thành phố, càng trong những ngày không khí “tĩnh” như vừa qua thì việc tích tụ ô nhiễm càng tăng.

Con người là một tác nhân quan trọng gây ra tình trạng ô nhiễm không khí

Có thể nói, Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản, giấy tờ về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, điển hình là Công văn 742/UBND-ĐT 2021 với khoảng 30 nhóm nhiệm vụ giao cho 11 sở, ban, ngành và các địa phương; Hà Nội cũng đã từng chờ mong một kịch bản chi tiết ứng phó, phòng ngừa ô nhiễm môi trường không khí. Việc Hà Nội xóa được hơn 98% số lượng bếp than tổ ong, giảm 80% lượng đốt rơm rạ ở ngoại thành, xóa bỏ hàng trăm lò gạch thủ công; thu gom, vận chuyển rác thải hàng ngày đạt 99 - 100% ở tất cả khu vực trên địa bàn Thủ đô… là một cố gắng lớn từ cơ quan chức năng và người dân. Tuy nhiên, bên cạnh đó, kiểm soát phát thải từ phương tiện giao thông và phương tiện giao thông không đạt tiêu chuẩn về khí thải vẫn là một câu chuyện nửa vời, hay vấn đề đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn làm cơ sở nghiên cứu, đề xuất giải pháp cải thiện chất lượng không khí vẫn mới nằm trong… kịch bản. Cũng như lối thoát, không gian cho ứng phó ô nhiễm không khí vẫn là một phạm trù ít được quan tâm.

Nhưng vị khách thời tiết với mưa ẩm và sương mù thì năm nào cũng ghé thăm vài bận và ở lại khá lâu. Nếu chúng ta vẫn vô tư đóng góp nguồn phát thải và đô thị vẫn đang từng ngày lấp đầy khoảng trống thì e rằng, những chỉ số màu xanh sẽ ngày càng dè sẻn trên tấm bản đồ không khí.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dè sẻn điểm xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO