Để những miền quê Việt Nam trở thành nơi đáng sống nhất

Tống Minh| 05/12/2019 10:00

(TN&MT) - Trong 19 tiêu chí xây dựng NTM, tiêu chí 17 về môi trường và an toàn thực phẩm được đánh giá là một trong các tiêu chí khó thực hiện nhất. Nhưng khó có nghĩa là không làm được…

Vượt khó, kiên trì và thành công

Nhớ lại những ngày đầu khi hướng dẫn địa phương thực hiện công tác bảo vệ môi trường, bà Nguyễn Hoàng Ánh - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý chất lượng môi trường (Tổng  cục Môi trường) chia sẻ: “Khi đó, ở rất nhiều thôn, xã, nói đến tiêu chí môi trường, người dân đều kêu khó, không khả thi, không thể thực hiện được”.

“Chúng tôi đã không nản lòng!” - bà Ánh nói. Thời gian đầu, cán bộ môi trường của các cấp chính quyền đã về nhiều vùng quê, cùng ăn, cùng ở với bà con, để hiểu hơn tâm tư, cảm nhận của những người quanh năm gắn bó với bờ tre, tấc ruộng. “Chúng tôi động viên, khích lệ, chia sẻ với bà con, chung tay cùng mọi người xây dựng những phong trào bảo vệ môi trường, tạo thành mô hình điểm, từ đó, lan rộng ra các địa phương khác”, bà Ánh bộc bạch.

Bộ TN&MT sẽ xây dựng Bộ tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM giai đoạn sau năm 2020

Với sự nỗ lực, kiên trì của các nhà quản lý, các chuyên gia về môi trường, sự nhiệt tình của người dân, tiêu chí 17 về môi trường trong xây dựng NTM đã thực sự đi vào cuộc sống, tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ, có tính chất bước ngoặt của nông thôn Việt Nam.

Trung ương, địa phương, người dân đồng lòng

Cắt nghĩa nguyên nhân thành công thực hiện tiêu chí môi trường, theo Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), đó là nhờ vai trò chỉ đạo, điều hành sáng suốt, tích cực từ Trung ương đến địa phương, sự đồng lòng quyết tâm của nhân dân cả nước.

Theo đó, nhiều địa phương đã ban hành các chỉ thị, nghị quyết, quyết định chuyên đề riêng về bảo vệ môi trường xây dựng nông thôn mới. Các Sở, ngành liên quan đến phụ trách tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm cũng đã cụ thể hóa các văn bản hướng dẫn của Trung ương và đánh giá kết quả thuộc phạm vi quản lý.

Về phía ngành TN&MT, Bộ TN&MT đã rất tích cực trong việc đôn đốc, nhắc nhở, hướng dẫn, kiểm tra các địa phương thực hiện nội dung “xử lý triệt để ô nhiễm tại 47 làng nghề ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng” tại Quyết định số 577/QĐ-TTg ngày 11/4/2013 của Chính phủ về “Đề án tổng thể BVMT làng nghề đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”, yêu cầu địa phương có văn bản cam kết về tiến độ triển khai thực hiện các hoạt động khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường; xem xét, hướng dẫn và đề xuất phương án hỗ trợ địa phương đối với một số nội dung cụ thể nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường tại khu vực dân cư, làng nghề.

Ngoài ra, với vai trò là cơ quan đầu mối hướng dẫn thực hiện một số chỉ tiêu thuộc tiêu chí 17 về môi trường và an toàn thực phẩm, Bộ TN&MT đã thường xuyên theo dõi, hướng dẫn và đôn đốc các địa phương thực hiện đúng theo quy định.

Về phía địa phương, với sự chuyển biến lớn trong nhận thức và chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, nhiều đơn vị đã ưu tiên bố trí nguồn lực cho bảo vệ môi trường. Kinh phí được phân bổ trực tiếp cho các huyện, xã từ nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia, tập trung vào các nội dung nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; xây dựng các công trình bảo vệ môi trường, cải tạo cảnh quan; khắc phục, xử ô nhiễm và cải thiện môi trường tại các làng nghề. Giai đoạn 2016 - 2019, kinh phí sự nghiệp đầu tư cho các hoạt động này khoảng 131,441 triệu đồng, nguồn đầu tư phát triển khoảng 943,829 triệu đồng. Ngoài ra, bằng nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường các địa phương đã hỗ trợ thực hiện tiêu chí môi trường để hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM.

100% (63/63) địa phương đã ban hành hướng dẫn thực hiện tiêu chí môi trường cấp xã, huyện; 51/63 địa phương đã ban hành hướng dẫn thực hiện tiêu chí môi trường xã nông thôn mới nâng cao, 23/63 địa phương đã ban hành quy định, hướng dẫn về xã nông thôn mới kiểu mẫu theo Quyết định 691/QĐ-TTg phù hợp với điều kiện thực tế của từng vùng miền, từng địa phương. Nhiều đơn vị cấp huyện đã ban hành các văn bản chỉ đạo quyết liệt để triển khai thực hiện nội dung môi trường trong xây dựng NTM.

Nhiều địa phương đã huy động sự tham gia của nhiều bên liên quan vào công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là phát huy vai trò của cộng đồng; chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của xã hội về bảo vệ môi trường.

Đến nay, người dân đã không coi vệ sinh, cải tạo kênh mương, cống rãnh, ao hồ, việc trồng cây, trồng hoa, cải tạo cảnh quan môi trường... là việc “phải làm”, mà tại nhiều nơi, người dân đã coi đây là việc “cần làm” với sự tự nguyện và tinh thần trách nhiệm cao, điển hình tại các địa phương như Nam Định, Đồng Nai, Hà Tĩnh, Phú Yên, Quảng Trị...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để những miền quê Việt Nam trở thành nơi đáng sống nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO