(TN&MT) - Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam vừa có công văn đề nghị các Phật tử loại bỏ tục đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo. Thế nhưng nhiều người tỏ ra lo ngại, liệu công văn này có phát huy hiệu quả trong đời sống nhân dân?
Trên website của Giáo hội Phật giáo Việt Nam vừa đăng tải công văn số 031/CV-HĐTS về việc tăng cường nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc tại các cơ sở thờ tự Phật giáo. Tại công văn này, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị các Phật tử loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo. Cụ thể, công văn nêu rõ: “Đề nghị chư tôn đức tăng ni nêu cao tinh thần Bồ tát đạo, hướng dẫn đồng bào Phật tử và bà con loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo và các hình thức khác trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo Việt Nam”.
Công văn này đề nghị Ban thường trực Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn chư tôn tăng ni trụ trì các tự viện (bao gồm: chùa, tổ đình, tịnh xá, thiền viện, tu viện, tịnh viện, tịnh thất, niệm phật đường), nhất là các tự viện là di tích lịch sử - văn hoá tổ chức lễ hội mang tính văn minh, tiết kiệm, không phô trương hình thức, phát huy truyền thống văn hoá dân tộc, văn hoá Phật giáo.
Việc này được kì vọng không chỉ giảm bớt tình trạng đốt vàng mã tràn lan tại các cơ sở thờ tự Phật giáo, các điểm ti tích lịch sử - văn hóa … mà còn trở thành điểm tựa để chư tôn tăng ni trụ trì các tự viện trong cả nước khuyến khích người dân dần bỏ tục đốt vàng mã. Bởi lẽ, các kinh điển Phật giáo không hề dạy các phật tử, tăng chúng đốt vàng mã cúng gia tiên. Đây thực chất là một sự ngộ nhận tai hại cần được dẹp bỏ.
Trao đổi thêm với PV về nguồn gốc của tục đốt vàng mã, TS. Nguyễn Ngọc Mai, Trưởng phòng nghiên cứu Tín ngưỡng và các tôn giáo truyền thống (viện Nghiên cứu tôn giáo) cho biết: “Tục này bắt nguồn từ tục đốt vàng mã trong đám tang của người xưa và có nguồn gốc từ Trung Quốc. Vào thời nhà Tần (thế kỉ 2), nhiều quý tộc Trung Hoa có thói quen tùy táng theo người chết bằng bạch ngọc cùng nhiều đố vật quý giá khác. Nhưng khi Tần Thủy Hoàng lên ngôi hoàng đế, ông ta nhận thấy việc này quá lãng phí và ra sắc lệnh cấm tùy táng bằng hiện vật thật. Thay vào đó là nghi thức tượng trưng, tùy táng bằng tiền giả, vàng giả (làm bằng giấy). Tục này phát triển cực thịnh vào thời Đường (thế kỉ 7) và bắt đầu lưu truyền vào Việt Nam. Như vậy có thể thấy, ý nghĩa ban đầu của tục đốt vàng mã rất nhân văn, nhằm tránh sự lãng phí của cải”.
Thế nhưng theo TS. Nguyễn Ngọc Mai, khi tục đốt vàng mã lưu truyền sang nước ta, người dân tiếp nhận và đưa nó vào phong tục, tập quán của mình. Ý nghĩa ban đầu chỉ mang tính tượng trưng, tùy táng theo người chết mà thôi. Nhưng lâu dần việc này giống như một thói quen, người ta cứ sử dụng mà không hiểu ý nghĩa là gì. Chính vì thế nó mới bị biến thái và lạm dụng như ngày nay, và cuối cùng hình thành tâm lý, người sống có cái gì thì người chết có cái đó. Đây là một hiện tượng xã hội xấu.
Trả lời câu hỏi liệu lời đề nghị bỏ tục đốt vàng mã của Giáo hội Phật giáo Việt Nam có phát huy hiệu quả, nhất là khi tục này đã ăn sâu vào ý thức của đông đảo quần chúng nhân dân, TS. Nguyễn Ngọc Mai tỏ ra tin tưởng và cho biết: “Tôi đặc biệt nhấn mạnh tới vai trò của những người làm công tác chăn dắt đời sống tâm linh như: nhà sư, thầy cúng, thầy mo … Sức ảnh hưởng của họ trong việc này rất lớn và có tiếng nói quyết định. Nếu họ kết hợp với hệ thống chính quyền (nhất là vai trò trưởng thôn) và hệ thống pháp luật, định hướng lại những nghi thức, tập tục, tôi tin rằng mọi chuyện sẽ được thay đổi theo chiều hướng tốt lên”.
Hiện nay, lời đề nghị bỏ tục đốt vàng mã đang nhận được sự quan tâm lớn của dư luận cũng như cộng đồng mạng xã hội.