Đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế

Thanh Tùng| 30/10/2021 15:32

(TN&MT) - sáng 30/10, phát biểu giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự kiến Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, giải pháp đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế trong giai đoạn tới là các bộ, các cấp, các ngành, nhất là người đứng đầu phải thấy được trách nhiệm, coi đây là nhiệm vụ chính trị hàng đầu để quyết tâm thực hiện.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung làm việc

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, sáng 30/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự kiến Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung làm việc.

Cần thiết ban hành Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế

Thảo luận tại Phiên họp về dự kiến Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, đa số ý kiến các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng sự cần thiết ban hành Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025, áp dụng mô hình kinh tế phù hợp, mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh để tạo động lực tăng trưởng.

Theo các đại biểu phân tích, quá trình triển khai Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 theo Nghị quyết số 24/2016/QH14 ngày 8/11/2016 của Quốc hội đã được thực hiện một cách đúng hướng, bài bản, đạt được nhiều kết quả tích cực, quan trọng, hoàn thành 17/22 mục tiêu, đạt 77,3% tổng số mục tiêu đề ra tại Kế hoạch. Tuy nhiên vẫn còn 5/22 mục tiêu chưa hoàn thành, đều là những mục tiêu quan trọng liên quan đến khu vực công như cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, cơ cấu lại đầu tư công, phát triển doanh nghiệp và đào tạo lao động. Qua quá trình thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020 cũng bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém cần rút kinh nghiệm.

Đại biểu Trần Hữu Hậu, Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh nêu rõ, bên cạnh những hạn chế, yếu kém trong thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020, một số vấn đề mới cần được nghiên cứu, bổ sung trong thời gian tới như lấy liên kết vùng, phát triển đô thị, kinh tế đô thị làm trọng điểm, lấy xác định các ngành, sản phẩm, lĩnh vực có hiệu quả cao, đóng góp lớn và sức lan tỏa rộng trong nền kinh tế, nhất là các ngành dựa trên công nghệ và tri thức tiên tiến làm khâu đột phá, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với tích cực và chủ động hội nhập quốc tế; tăng trưởng dựa vào tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia, không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng của thị trường trong nước và thị trường quốc tế; đẩy mạnh huy động nguồn lực xã hội nhất là từ khu vực kinh tế tư nhân, tăng trưởng bao trùm, phát huy vai trò của văn hóa, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Nhấn mạnh sự cần thiết ban hành Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025, đại biểu Đào Hồng Vận, Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên và một số đại biểu cho biết, cần nhìn nhận cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế là quá trình thường xuyên, liên tục phục vụ cho mục tiêu phát triển phù hợp trong từng thời kỳ. Một cơ cấu kinh tế hợp lý, hiệu quả, một mô hình tăng trưởng năng động, bền vững cần một quá trình tích lũy những nhân tố tăng trưởng mới, tạo lập vững chắc các nền tảng về thể chế, khoa học, công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng thời phải giải quyết tốt các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường, đặc biệt là vấn đề việc làm, xóa đói giảm nghèo, vấn đề nông thôn - nông nghiệp - nông dân, bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, trật tự và an toàn xã hội.

Đại biểu Sùng A Lềnh, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Lào Cai phát biểu thảo luận

Tại phiên họp Tổ, đại biểu Sùng A Lềnh, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Lào Cai khẳng định sự cần thiết cơ cấu lại không gian kinh tế, phát triển kinh tế đô thị, tăng cường liên kết vùng và phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn; hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy liên kết vùng thực chất, hiệu quả; Thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù tại một số địa phương; vấn đề sửa đổi các nội dung liên quan trong Luật Ngân sách nhà nước, Luật Tổ chức chính quyền địa phương theo hướng khuyến khích phối hợp nguồn lực giữa các địa phương nhằm thực hiện các mục tiêu chung.

Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Lào Cai cũng cũng cho rằng cần nâng cấp chuỗi giá trị dựa vào ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, tăng cường thích ứng với biến đổi khí hậu; phát huy yếu tố con người, giá trị văn hoá, truyền thống, lịch sử, ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong cơ cấu lại nền kinh tế.

Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu

Phát biểu giải trình ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, cơ cấu lại nền kinh tế không phải là vấn đề mới mà đã thực hiện 10 năm rồi, vấn đề là đã làm được gì, chưa làm được gì và cần thiết làm thời gian tới cần thực hiện thế nào cho phù hợp với tình hình, bối cảnh mới.

Khẳng định đây là việc phải làm ngay, ông Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định chiến lược 10 năm, kế hoạch 5 năm, trong đó đặt ra nhiều mục tiêu, khát vọng lớn phải đạt được.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng đang nằm trong bối cảnh tình hình thế giới đang thay đổi nhanh chóng, bất định, tác động của đại dịch và hội nhập quốc tế. Vấn đề liên kết phát triển vùng, chuyển đổi số, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế đô thị, kinh tế biển, những vấn đề mới đang đặt ra phải được cụ thể hóa cùng với các đợt điều chỉnh kế hoạch

Do đó, thúc đẩy nhanh hơn, thực chất hơn, hiệu quả hơn cơ cấu lại nền kinh tế là nhiệm vụ cấp bách, nếu trì hoãn sẽ đối mặt với với hàng loạt thách thức: Không thực hiện được quá trình CNH, HĐH đất nước; khó thu hẹp khoảng cách với các nước; khó vượt qua bẫy thu nhập trung bình; không ứng phó được với biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh; không tiếp cận được cơ hội cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cơ hội hội nhập quốc tế khi chúng ta đang ký các hiệp định FTA; không nâng cao được tính tự chủ, thích ứng, chống chịu của nền kinh tế và không tận dụng được cơ hội mới hình thành sau đại dịch.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình tại phiên họp

Từ những lý do đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế phải thực hiện được, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng bậc nhất. Đây là nội dung hết sức quan trọng, cấp bách với nền kinh tế nước ta.

Cho rằng kết quả thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân hết sức cơ bản là sự quan tâm, ý thức trách nhiệm, tư duy, tầm nhìn chưa theo kịp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa nhận còn bất cập ở các cấp, các ngành, địa phương, ảnh hưởng rất lớn thực hiện mục tiêu. Nếu không coi đây là nhiệm vụ cấp bách phải làm thì mục tiêu đặt ra không thực hiện được mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế.

Ông Nguyễn Chí Dũng cũng phân tích, nội hàm và bản chất của cơ cấu lại nền kinh tế là phân bổ lại nguồn lực cho phát triển trên phạm vi quốc gia nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, năng suất lao động, chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Thay đổi hệ thống thể chế, chính sách, điều chỉnh trong chỉ đạo điều hành phù hợp tình hình mới, không chỉ tập trung cơ cấu lại các ngành, không gian kinh tế mà còn quan tâm lĩnh vực quan trọng, tiềm năng lợi thế, dư địa mới để hình thành ngành mũi nhọn mang tính lan toả vững chắc, đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, qua thảo luận, hầu hết các đại biểu cho rằng, cơ bản chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu tích cực như năng suất lao động tăng lên, chuyển dịch cơ cấu kinh tế tích cực hơn. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng còn những mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ chưa hoàn thành hoặc còn rất chậm, chưa thực chất, chưa hiệu quả. Trong 3 lĩnh vực trọng tâm là đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước, tổ chức tín dụng chưa đạt được mục tiêu như kế hoạch đề ra; sản xuất còn mang tính gia công lắp ráp nhiều, nội địa hóa thấp, phụ thuộc và doanh nghiệp đầu tư nước ngài còn lớn...

Định hướng các trọng tâm phát triển trong giai đoạn tới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết sẽ tập trung 3 vấn đề lớn là thể chế, chuyển đổi số và khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Về giải pháp, yêu cầu tất cả các bộ, các cấp, các ngành, nhất là người đứng đầu phải thấy được trách nhiệm, coi đây là nhiệm vụ chính trị hàng đầu để quyết tâm thực hiện, vượt qua được tư duy nhiệm kỳ, lợi ích cục bộ, chống cát cứ, tính đến lợi ích tổng thể, liên vùng, liên ngành. Nếu chia cắt, phân khúc sẽ khó đem lại hiệu quả chung của nền kinh tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO