ĐBSCL: Thực hiện các giải pháp sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn tài nguyên nước

12/03/2019 17:27

(TN&MT) - Trong những năm gần đây, do ảnh hưởng từ các yếu tố cực đoan của biến đổi khí hậu (BĐKH) như hạn hán, xâm nhập mặn, nước biển dâng cùng với việc phát triển đô thị, các khu, cụm công nghiệp,… đang tạo ra nhiều thách thức đối với tài nguyên nước vùng ĐBSCL.

nuoc1
Nguồn nước trên sông hậu đang bị ảnh hưởng do những tác động từ phát triển công nghiệp, nông nghiệp

Thách thức đối với nguồn nước

Trong thời gian qua, quá trình phát triển các khu đô thị, khu, cụm công nghiệp, cộng thêm yếu tố gia tăng dân số đã làm cho chất lượng nguồn nước ở vùng ĐBSCL ngày càng bị suy giảm. Hiện nay, hầu hết các tỉnh, thành trong vùng đều có các khu, cụm công nghiệp tập trung chế biến các mặt hàng thủy hải sản đặt ven sông, kênh phát sinh nguồn nước thải lớn, nhưng chưa được xử lý triệt để đã làm cho chất lượng nước mặt bị suy thoái.

Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh các hình thức thâm canh, tăng vụ trong sản xuất lúa, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc cũng góp phần làm cho nguồn nước bị nhiễm dư lượng các loại nông dược, thuốc trừ sâu, các chất hữu cơ chưa phân hủy. Thêm vào đó do tập quán cất nhà, họp chợ, chăn nuôi cặp với các sông, kênh, rạch... nên phần lớn các nguồn thải phát sinh từ những hoạt động này được tuồn trực tiếp xuống sông khiến cho nguồn nước bị ô nhiễm.

Không chỉ nguồn nước mặt đang bị ô nhiễm, mà trình trạng thiếu nước sinh hoạt, sản xuất cũng đã và đang diễn ra ở các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, đặc biệt là vào thời điểm mùa khô hàng năm. Thực tế cho thấy, trong những năm gần đây, tình trạng sạt lở, xâm nhập mặn, khô hạn, lũ lụt… diễn biến ngày một gay gắt, bất thường và khó lường.

Vào đầu năm 2019, hiện tượng mặn đến sớm, triều cường bất thường diễn ra tại một số tỉnh, thành vùng ĐBSCL, cụ thể từ ngày 22 đến 24/01/2019, tại Cần Thơ triều cường trên sông Hậu đột ngột dâng cao từ 20 - 40cm gây ngập nhiều tuyến đường trong nội ô thành phố. Trong khi đó, tại các tỉnh Sóc Trăng, Hậu Giang mặn cũng đã xâm nhập sâu vào Sông Hậu, sông Mỹ Thanh, sông Nước Trong, kênh Năm sông Nước Đục… với độ mặn đo được có nơi vượt 3‰, gây nhiều khó khăn cho sinh hoạt, sản xuất của người dân.

nuoc2
Sử dụng nước vừa đủ cho sản xuất nông nghiệp là một trong những giải pháp tiết kiệm nguồn tài nguyên nước

Triển khai nhiều giải pháp

Để quản lý hiệu quả và bền vững nguồn nước trước thách thức từ BĐKH, phát triển đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp,… trong thời gian qua, các địa phương vùng ĐBSCL bên cạnh việc tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý để đưa công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước (TNN) đi vào nền nếp thì cũng đã triển khai nhiều giải pháp bảo vệ nguồn nước.

Ông Nguyễn Văn Sử, Giám đốc Sở TN&MT TP. Cần Thơ cho biết: "Nhằm bảo vệ nguồn nước, công tác cấp phép khai thác sử dụng TNN mặt, nước dưới đất và xả nước thải vào nguồn nước trên địa bàn thành phố được quản lý chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật. Trường hợp, nơi nào đã có hệ thống cấp nước máy đảm bảo cung cấp về số lượng và chất lượng phục vụ sinh hoạt, sản xuất của người dân, doanh nghiệp,... thì không cấp và gia hạn giấy phép khai thác TNN để phù hợp với tình hình của địa phương nhằm bảo vệ TNN dưới đất trong hoàn cảnh BĐKH".

Ông Huỳnh Văn Thái, Trưởng Phòng Tài nguyên nước và BĐKH (Sở TN&MT tỉnh An Giang) cho rằng, trong thời gian qua, tỉnh An Giang đã triển khai đồng bộ các giải pháp và nỗ lực kiện toàn thể chế chính sách trong quản lý TNN. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác với các tỉnh giáp ranh trong khu vực như TP. Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang,... để khai thác và chia sẻ hợp lý nguồn nước. Ngoài ra, tỉnh An Giang còn triển khai các mô hình cho cộng đồng tham gia quản lý TNN bằng hình thức như cấp nước sinh hoạt và tưới tiêu đồng ruộng… để người dân ý thức được TNN là tài sản chung cần được bảo vệ.

PGS.TS. Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu về BĐKH - Trường Đại học Cần Thơ cho biết, trước thực tế nguồn nước ngọt đang ngày càng bị suy kiệt, người dân vùng ĐBSCL đã thay đổi mô hình sản xuất cho phù hợp với nguồn TNN hiện tại bằng việc tiết kiệm nước sản xuất. Người dân đã chuyển dần canh tác lúa từ 2 đến 3 vụ sang những hình thức canh tác đa canh trên cả 3 vùng sinh thái nước ngọt, nước lợ và nước mặn, tạo giá trị lợi nhuận cao hơn.

Ngoài ra, trong những năm qua các địa phương vùng ĐBSCL cũng tranh thủ nguồn tài trợ từ các tổ chức phi chính phủ triển để triển khai nhiều dự án và bước đầu mang lại những kết quả tích cực. Điểm hình như dự án “Tăng cường sự tham gia các bên liên quan trong quản lý TNN khu vực ĐBSCL” do Vương quốc Bỉ tài trợ triển khai tại huyện Long Phú và Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng đã góp phần chuyển biến nhận thức của người dân trong việc quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn nước.

“Dự án này có hơn 390 hộ dân đăng ký tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường, xử lý nước trong sinh hoạt, canh tác và 195 phụ nữ đăng ký sử dụng nước tiết kiệm, an toàn trong nuôi tôm sú, tưới tiêu vườn cây…”, ông Nguyễn Thanh Phương, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo (Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Sóc Trăng), đơn vị phối hợp thực hiện dự án thông tin.

Là thành viên tham gia dự án tại huyện Long Phú, chị Trần Thị Thúy ở xã Hậu Thạnh cho biết: “Từ khi tham gia dự án này, tôi đã hiểu được nguồn nước có hạn, do vậy tôi và các chị em trong xã tuyên truyền, vận động người dân cùng sử dụng nước tiết kiệm trong sinh hoạt và vừa đủ cho sản xuất…”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
ĐBSCL: Thực hiện các giải pháp sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn tài nguyên nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO