Nghề hầm than củi ở các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng đang tạo việc làm cho hàng ngàn người lao động |
Tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động
Được mệnh danh là thủ phủ của làng nghề hầm than củi khu vực ĐBSCL, xã Xuân Hòa, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng hiện có gần 1.000 lò hầm than, với trên 400 hộ làm nghề. Đây là nghề cho thu nhập khá cao, bình quân mỗi lò hầm than sau khi trừ đi các khoản chi phí thì mỗi năm cũng còn lãi khoảng 70 triệu đồng/năm. Hiện nay sản phẩm của làng nghề hầm than củi ở xã Xuân Hòa được tiêu thụ rộng rãi trong và ngoài nước.
Theo lãnh đạo UBND xã Xuân Hòa, mỗi năm làng nghề hầm than đã tạo công ăn việc làm cho trên 2.000 lao động của địa phương và các tỉnh lân cận, với thu nhập từ 150 đến 200.000đ/người/ngày. Đối với những hộ chuyên làm nghề hầm than củi, phần lớn đều đã tạo dựng được kinh tế khá ổn định, nhiều hộ cất được nhà cửa khang trang, sắm xe, ghe, đầu tư cho con cái học hành.
Ông Nguyễn Văn Triển, ở ấp Hòa Thành, xã Xuân Hòa, huyện Kế Sách vui vẻ cho phóng viên biết: “Nhờ vào 5 lò than này mà tôi có tiền cho con ăn học, làm lại nhà, mua ghe chở hàng hơn 10 tấn. Không chỉ thế tôi còn tạo công ăn việc làm cho gần 10 người dân ở địa phương với thu nhập gần 200.000đ/người/ngày”.
Tại tỉnh Hậu Giang hiện nay có khoảng 400 hộ dân chuyên làm nghề hầm than củi với 900 lò đang hoạt động, trong đó tập trung nhiều nhất là tại xã Phú Tân, huyện Châu Thành. Ông Trần Văn Luân, Chủ tịch UBND xã Phú Tân, huyện Châu Thành thông tin: “Trong thời gian qua nhiều hộ dân chuyên làm nghề hầm than củi ở xã có cuộc sống ổn định, có hộ còn mua được đất, cất nhà mới; đồng thời, giải quyết việc làm thời vụ cho nhiều người dân trong xã”.
Gia đình ông Nguyễn Văn Ngoan, ở ấp Phú Lễ, xã Phú Tân, huyện Châu Thành có tổng cộng 10 lò than, mỗi năm trừ đi các khoản chi phí ông cũng còn lãi hơn 500 triệu đồng. Ông Nguyễn Văn Ngoan phấn khởi nói: “Sau hơn 40 năm đeo bám với nghề hầm than củi, đến nay gia đình tôi đã mua được hơn 10 công đất, có tiền sắm xe và cho các con ăn học đàng hoàng”.
Theo ngành chức năng TP. Cần Thơ, hiện nay trên địa bàn thành phố có gần 60 làng nghề, trong đó có nhiều làng nghề đã được công nhận như làng nghề sản xuất bánh tráng, làng nghề Đan lưới Thơm Rơm (quận Thốt Nốt); làng nghề sản xuất bánh kẹo Ba Rích (quận Ô Môn);…
Thông tin từ Phòng Kinh tế quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ, trong năm 2019 doanh thu từ làng nghề sản xuấn bánh tráng và làng nghề đan lưới Rơm Thơm đạt hơn 79 tỉ đồng. Bên cạnh đó trong năm 2019 02 làng nghề này đã tạo công ăn việc làm ổn định cho khoảng 140 hộ dân sản xuất tập trung, đồng thời giải quyết việc làm thời vụ cho khoảng 500 lao động tại địa phương.
Hoạt động của các lò hầm than đang gây nhiều hệ lụy cho môi trường, sức khỏe, năng xuất cây trồng... |
Nhiều hệ lụy
Mặc dù nghề hầm than củi đã mang lại nguồn thu nhập chính cho nhiều gia đình, song ông Nguyễn Văn Ngoan cũng như nhiều người dân ở xã Phú Tân phải thừa nhận rằng, khói, bụi trong quá trình hầm than đã và đang ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt cho chính các thành viên trong gia đình và những người dân sinh sống xung quanh.
Ông Nguyễn Thanh Giang, ở ấp Phú Lễ, xã Phú Tân, huyện Châu Thành chia sẻ: “Mỗi lần vào lò lấy than ra, áo, quần, mặt mũi của tôi và những người đồng nghiệp dính đầy bụi than. Biết rằng làm nghề này đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bản thân, nhưng cuộc sống hàng ngày chúng tôi phải chấp nhận đánh đổi”.
Còn bà Nguyễn Thị Hoa, ở ấp Phú Tân A, xã Phú Tân, huyện Châu Thành nói: “ “Vào thời điểm đốt lò hầm than và dỡ than ra khỏi lò gia đình tôi phải đóng cửa xuốt để hạn chế khói, bụi than bay vào nhà. Không chỉ vậy, khói, bụi than cũng đang làm ảnh hưởng đến năng xuất, chất lượng cho vườn cây ăn trái của gia đình tôi”.
Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), xã Xuân Hòa, huyện Kế Sách được chọn xây dựng xã NTM. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2018, xã Xuân Hòa sẽ hoàn thành 19/19 tiêu chí để được công nhận xã NTM. Tuy nhiên, tính đến cuối năm 2019, xã Xuân Hòa còn 6 tiêu chí chưa hoàn thành, trong đó có tiêu chí số 17 về môi trường.
Ông Nguyễn Văn Vũ, Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa, huyện Kế Sách thông tin: “Hoạt động của làng nghề hầm than đã mang lại nhiều lợi ích cho người dân trong xã, tuy nhiên bên cạnh những mặt đạt được thì cũng đang để lại nhiều hệ lụy cho môi trường, sức khỏe người dân, đặc biệt là mục tiêu xây dựng NTM của xã”.
Đối với các làng nghề trên địa bàn TP. Cần Thơ tuy chưa gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng như làng nghề hầm than củi ở tỉnh Sóc Trăng và Hậu Giang. Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành chức năng TP. Cần Thơ, hoạt động của làng nghề sản xuất bánh kẹo Ba Rích, làng nghề nuôi trồng và chế biến thủy sản ở huyện Thới Lai,…cũng đang có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nước, không khí, ảnh hưởng đến sứ khỏe, sản xuất của người dân xung quanh.
Hiện nay các địa phương như Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc trăng đang gặp khó khăn trong việc tìm ra giải pháp để xử lý khói, bụi, nước thải... ở các làng nghề |
Loay hoay tìm giải pháp xử lý
Thông tin với phóng viên, ông Huỳnh Văn Luận, Bí thư Đảng ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng NTM xã Xuân Hòa, huyện Kế Sách cho biết: “Trước tình trạng ô nhiễm môi trường từ các lò hầm than, tỉnh Sóc Trăng đã có kế hoạch quy hoạch tập trung các lò hầm than vào một vùng và áp dụng mô hình xử lý khói, bụi, nhưng đến nay dự án vẫn chưa được triển khai”.
Theo bà Nguyễn Thụy Kiều Diễm, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Bảo vệ Môi trường- Sở TN&MT tỉnh Sóc Trăng, nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ làng nghề hầm than củi ở xã Xân Hòa, huyện Kế Sách, thời gian qua, Sở TN&MT đã phối hợp với các sở, ban, ngành và địa phương nghiên cứu đề xuất nhiều dự án để xử lý khí thải cho làng nghề này.
Vẫn theo bà Nguyễn Thụy Kiều Diễm: “Từ năm 2012 đến nay tỉnh Sóc Trăng đã đưa ra các giải pháp như lắp đặc hệ thống xử lý khí thải cho các lò hầm than; quy hoạch chuyển làng nghề này đến vị trí khác; thí điểm các mô hình xử lý khí thải lò hầm than… nhưng đến nay các giải pháp này vẫn chưa thực hiện được vì khó khăn về kinh phí và nhiều người dân không chịu di dời”.
Cũng giống như tỉnh Sóc Trăng, trong thời gian qua tỉnh Hậu Giang cũng đã triển khai nhiều giải pháp để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường phát sinh từ các lò hầm than củi ở xã Đại Thành và xã Tân Thành (TP. Ngã Bảy), xã Phú Tân (huyện Châu Thành), tuy nhiên thực tế đến nay cũng chưa có giải pháp nào được áp dụng.
Năm 2014, tỉnh Hậu Giang giao cho UBND TP. Ngã Bảy xây dựng điểm đề án hỗ trợ hơn 20 hộ dân làm nghề hầm than củi ở xã Đại Thành. Theo đề án này, những hộ dân nào muốn tiếp tục làm nghề hầm than thì sẽ được hỗ trợ vay vốn để lắp đặt hệ thống khí lý khí thải lò hầm than; hộ dân nào muốn chuyển sang làm nghề khác thì sẽ được hỗ trợ đào tạo nghề.
Tuy nhiên, ông Dương Văn Giang, Chủ tịch UBND xã Đại Thành, TP. Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang cho biết: “Khi UBND xã tổ chức triển khai đề án này cho người dân đã vấp phải sự phản ứng vì theo người dân số tiền đầu tư để lắp đặt hệ thống xử lý khí thải cho các lò hầm than theo đề án tương đối lớn (khoảng 90 triệu đồng/hệ thống), cùng với đó một số hộ dân không muốn chuyển đổi sang làm nghề khác”.
Bà Lê Thị Thùy Như, Phó trưởng Phòng TN&MT huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang chia sẻ: “Chúng tôi rất kỳ vọng dự án hỗ trợ các hộ dân ở xã Đại Thành sẽ thành công để nhân rộng cho hơn 200 hộ dân làm nghề hầm than ở xã Phú Tân, nhưng đến nay đề án này không triển khai được khiến cho việc tìm giải pháp xử lý khí thải cho các lò hầm than trên địa bàn huyện đang gặp nhiều khó khăn”.
Tại TP. Cần Thơ, theo dự báo của các ngành chức năng thành phố, trong thời gian tới nhiều làng nghề có nguy cơ gây ô nhiễm cho môi trường, tuy nhiên việc xử lý ô nhiễm môi trường cho ở các làng nghề này đang gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn vốn đầu tư cho sản xuất, thay đổi máy móc, công nghệ, hệ thống xử lý khí thải, nước thải.