ĐBSCL - Phát triển các vùng đô thị hoá trọng điểm ứng phó với BĐKH

Ng.Thanh| 14/11/2020 17:00

(TN&MT) - ​​​​​​​Xây dựng các khu định cư đô thị - nông thôn vùng ĐBSCL không chỉ đạt mục tiêu tăng trưởng và hội nhập kinh tế, mà cần có trách nhiệm với hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học, chủ động thích ứng với BĐKH và duy trì bản sắc văn hoá lối sống sông nước, miệt vườn Tây Nam Bộ.

Đô thị hoá vùng ĐBSCL được đặt trong tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam, thúc đẩy vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản và cây ăn trái quốc gia.

Hướng phát triển các đô thị bền vững

Sau 10 năm thực hiện Định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 445/QĐ-TTg ngày 7/4/2009), hệ thống đô thị Việt Nam đang hình thành rõ nét dần, đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc phát triển kinh tế của đất nước theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Tuy nhiên, bối cảnh trong nước và quốc tế đang có những biến đổi lớn, đòi hỏi định hướng quy hoạch hệ thống đô thị Việt Nam cần phải được điều chỉnh để có thể hiệu quả hơn vào phát triển chung của đất nước.

Đô thị hoá thực sự là động lực cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động ở ĐBSCL

Bối cảnh quốc tế hiện nay, các thành phố đang hoạt động trong các hệ sinh thái, kinh tế, xã hội, và văn hoá khác nhiều so với 20 năm trước. Các vấn đề nổi bật gồm: biến đổi khí hậu, suy kiệt tài nguyên, trong đó đặc biệt là tài nguyên nước, biến động trong cấu trúc quyền lực và địa kinh tế, gia tăng bất bình đẳng, gia tăng bất ổn về an ninh quốc phòng, gia tăng di cư quốc tế. Những vấn đề này là những thách thức mới trong định hướng phát triển, quản trị và tài chính đô thị.

Bối cảnh trong nước, đô thị hoá thực sự là động lực cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động; ý thức của các đô thị Việt Nam cũng đã thay đổi để phù hợp với trình độ phát triển cao hơn. Thay vì tập trung vào phát triển kinh tế như là mục tiêu trọng yếu gần như duy nhất, đô thị Việt Nam đang chuyển sang định hướng phát triển bền vững, với việc chú trọng cả ba lĩnh vực kinh tế, văn hoá xã hội và môi trường, hoà nhập vào những vấn đề và mối quan tâm toàn cầu.

Việt Nam cũng đã có những thay đổi lớn về chủ trương ở nhiều lĩnh vực khác trong 10 năm qua, sau khi Quyết địng 445/QĐ-TTg được phê duyệt. Mặt khác, Quốc hội ban hành Luật Quy hoạch có hiệu lực bắt đầu từ 2019, hướng tới việc tích hợp các lĩnh vực quy hoạch cho mục tiêu phát triển bền vững. Trong đó quy hoạch đô thị và nông thôn là một quy hoạch ngành quốc gia, có phối hợp chặt chẽ với quy hoạch tổng thể tích hợp quốc gia.

Bối cảnh quốc tế và trong nước đã tác động mạnh mẽ đến quá trình đô thị hoá ở Việt Nam, hệ thống đô thị Việt Nam với khả năng hình thành hệ thống khung hạ tầng xuyên á và cơ hội cho các đô thị cực tăng trưởng quốc gia, vùng liên tỉnh hợp tác kinh tế, hội nhập quốc tế.

Cam kết quốc tế về tăng trưởng xanh, ứng phó biến đổi khí hậu, chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, đòi hỏi hệ thống đô thị nông thôn Việt Nam có tiếp cận mới từ phương pháp quy hoạch chiến lược, tích hợp đa ngành, thích ứng và có sự tham gia, lồng ghép được các yêu cầu mới trong quy hoạch và phát triển đô thị trên cả 3 khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường.

Thúc đẩy quá trình đô thị bền vững ở ĐBSCL

Theo nhóm nghiên cứu KTS Phạm Thị Nhâm, ThS.KTS Nguyễn Xuân Anh (Viện quy hoạch đô thị nông thôn quốc gia), mục tiêu đô thị hoá quốc gia giai đoạn 2020-2030 sẽ thúc đẩy quá trình đô thị hóa nhanh, hiệu quả, có chất lượng; bền vững hơn về môi trưởng, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, đảm bảo được an ninh lương thực. Trên cơ sở tiếp tục xây dựng hoàn chỉnh, đổi mới mô hình phát triển hệ thống đô thị Việt Nam theo Mô hình mạng lưới, xanh, thông minh và bền vững; có cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phù hợp, đồng bộ, hiện đại; có môi trường và chất lượng sống đô thị tốt; thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; có nền kiến trúc đô thị tiên tiến, giàu bản sắc; có vai trò, vị thế xứng đáng trong mạng lưới đô thị Châu Á - Thái Bình Dương, có tính cạnh tranh cao trong phát triển KT-XH quốc gia, khu vực và quốc tế, góp phần thực hiện tốt hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng Xã hội chủ nghĩa và bảo vệ Tổ quốc .

Định hướng quy hoạch hệ thống đô thị nông thôn Việt Nam giai đoạn 2020-2030 kế thừa Định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị (Quyết định số 445/QĐ-TTg) phát triển bền vững, góp phần tối ưu vào phát triển chung của toàn quốc. Đáp ứng các mục tiêu: Bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và thích ứng với BĐKH. Phát triển hệ thống đô thị nông thôn quốc gia đảm bảo bảo tồn nguyên khí, duy trì hệ thống hạ tầng xanh quốc gia, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và đất đai, bảo vệ môi trường và cân bằng sinh thái, thích ứng BĐKH.

Hướng tới mục tiêu “thị trường & tập trung”, phát triển hệ thống đô thị nông thôn thúc đẩy tăng năng lực hội nhập kinh tế của hệ thống đô thị, nâng cao tính thị trường và quản lý bất động sản hiệu quả.

Tập trung phát triển hai vùng kinh tế đô thị trọng điểm quốc gia. Trong đó vùng đô thị Đông Nam Bộ là vùng có tiềm năng phát triển lớn nhất về đô thị - công nghiệp-dịch vụ, gia tăng dân số mạnh từ khắp cả nước đến; không gian phát triển vùng đô thị Đông Nam Bộ bao trùm cả khu vực Tây nguyên và Phan Rang, Phan Thiết và một phần ĐBSCL. Vùng đô thị đồng bằng Sông Hồng là vùng có tiềm năng thứ hai đô thị - công nghiệp-dịch vụ; về cơ bản không gia tăng dân số, chủ yếu tái cấu trúc lại không gian vùng.

Hình thành các trục hành lang: Trục hành lang đô thị hoá xuyên Á Bắc Nam (kết nối khu vực Đông Bắc Á với Đông Nam Á theo đường Nam Ninh, Trung Quốc, qua cửa khẩu Hữu Nghị Quan (Lạng Sơn), chạy dọc trục Bắc Nam của Việt Nam đến TPHCM rẽ qua Tây Ninh, kết nối sang Phnongpenh và Bangkok), hành lang đô thị hoá xuyên Á phía Bắc (tuyến Côn Minh - Hà Nội - Hải Phòng), hành lang đô thị hoá xuyên Á phía Nam (kết nối toàn bộ lãnh thổ rộng lớn vùng đồng bằng Đông Nam bộ, Nam Tây Nguyên, ĐBSCL sang vùng đồng bằng Campuchia và đồng bằng Thái Lan. Đây là hành lang có thực lực nhất và triển vọng gần nhất)

Hành lang đô thị hoá xuyên Á phía Nam kết nối toàn bộ lãnh thổ rộng lớn vùng đồng bằng Đông Nam bộ, Nam Tây Nguyên

Hướng tới mục tiêu công bằng & bản sắc: Phát triển hệ thống đô thị nông thôn hướng tới xã hội công bằng một cách bền vững giữa các vùng miền, giữa đô thị lớn và đô thị nhỏ, giữa đô thị và nông thôn, giữa các khu vực đô thị. Phát huy bản sắc văn hoá của các đô thị dựa trên những bệ đỡ văn hoá lớn là văn hoá sắc tộc văn hoá tín ngưỡng, tâm linh và lịch sử định cư của từng vùng.

ĐBSCL là một trong những đồng bằng châu thổ rộng lớn, phì nhiêu với sản lượng lương thực, nuôi trồng và đánh bắt thủy, hải sản và cây ăn trái nhiệt đới lớn của cả nước và ở Đông Nam Á. Vùng có thành phố Cần Thơ và 12 tỉnh: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, An Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau; là nơi sinh sống của trên 17 triệu cư dân trong 167 điểm định cư đô thị (2019) và hàng ngàn điểm định cư nông thôn.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
ĐBSCL - Phát triển các vùng đô thị hoá trọng điểm ứng phó với BĐKH
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO