ĐBSCL: Nhiều khó khăn trong việc thu gom, xử lý chất thải ở nông thôn

Lê Hùng| 23/04/2020 12:43

(TN&MT) - Trong thời gian qua, công tác thu gom, xử lý chất thải ở khu vực nông thôn tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng trong việc bảo vệ môi trường đất, nước và không khí. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn đó tình trạng ùn ứ tại các hố chứa rác, vứt rác bừa bãi xuống kênh, rạch vẫn còn xảy ra.

Trong thời gian qua phong trào bảo vệ môi trường do Sở TN&MT các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL phát động đã thu hút được nhiều người dân tham gia.

Nhiều chuyển biến tích cực

Theo Sở TN&MT tỉnh Sóc Trăng, hiện nay mỗi ngày trên địa bàn tỉnh phát sinh khoảng 650 tấn, trong đó tại khu vực nông thôn khoảng 250 tấn. Bà Nguyễn Thụy Kiều Diễm - Phó Chi cục trưởng Phụ trách Chi cục Bảo vệ Môi trường- Sở TN&MT tỉnh Sóc Trăng cho biết, thời gian qua tỉnh Sóc Trăng đã thực hiện quy hoạch và đầu tư khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung tại TP. Sóc Trăng nhằm kiểm soát và xử lý các nguồn gây ô nhiễm từ chất thải rắn sinh hoạt.

Vẫn theo bà Nguyễn Thụy Kiều Diễm, mạng lưới thu gom xử lý chất thải ngày càng mở rộng; các cấp, các ngành triển khai tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức, góp phần tích cực vào việc nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường; đồng thời, thông qua chương trình liên tịch với Sở TN&MT, các tổ chức chính trị- xã hội, hội đoàn thể xây dựng nhiều mô hình xử lý chất thải hiệu quà như mô hình phân loại rác thải tại nguồn, thu gom bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Loan, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Sóc Trăng chia sẻ: “Thông qua các hoạt động tuyên truyền, vận động đã giúp cán bộ, hội viên phụ nữ nâng cao kiến thức, kỹ năng về công tác truyền thông bảo vệ môi trường. Từ những việc làm cụ thể của Hội LHPN tỉnh đã phát huy sức mạnh của hội viên, hộ gia đình, cộng đồng dân cư trong việc bảo vệ môi trường, nói không với rác thải nhựa”.

Trao đổi với phóng viên, ông Đào Trọng Ngữ, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường- Sở TN&MT tỉnh Hậu Giang cho rằng, trong những năm qua Chi cục Bảo vệ Môi trường luôn coi trọng việc tuyên truyền, phổ biến các quy định về bảo vệ môi trường tới các tầng lớp nhân dân; đồng thời, lồng ghép công tác bảo vệ môi trường vào các phong trào, chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, từ đó góp phần làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang, sạch đẹp. 

Là trung tâm của tỉnh Hậu Giang, TP. Vị Thanh đã và đang thực hiện nhiều giải pháp nâng cao nhận thức và hành động của người dân để cải thiện môi trường ở khu vực nông thôn. Bà Trần Hoa Phượng, Phó Chủ tịch UBND TP. Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang cho biết: “Hiện nay các ấp đều xây dựng quy ước cộng đồng trong xử lý chất thải rắn, nước thải, khí thải theo quy định; đồng thời, có gần 2.000 hộ dân đã ký kết thu gom rác thải sinh hoạt hàng ngày với đơn vị chuyên thu gom…”. 

Đối với TP. Cần Thơ, trong thời gian qua Sở TN&MT tích cực triển khai các giải pháp nhằm bảo vệ môi trường nước, không khí ở khu vực thành thị cũng như nông thôn. Qua đó, đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, nhân dân trên địa bàn thành phố. Cùng với đó nhiều mô hình thu gom, phân loại, xử lý chất thải thu hút được đông đảo người dân tham gia, trong đó nổi bật là chương trình bảo vệ môi trường do các tổ chức chính trị- xã hội, hội đoàn thể thực hiện. 

Thực hiện chương trình cùng nông dân bảo vệ môi trường, Hội Nông dân TP. Cần Thơ đã xây dựng gần 130 bồn, hố chứa vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng ở các huyện Cờ Đỏ, Thới Lai, Vĩnh Thạnh; đồng thời, tập huấn cho gần 12.000 nông dân về biện pháp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả, bảo vệ môi trường.

Bên cạnh những kết quả đạt được, tình trạng ù ứ chất thải tại khu vực nông thôn ở các địa phương khu vực ĐBSCL vẫn còn xảy ra.

Còn nhiều khó khăn

Bà Cao Thị Minh Thảo, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP. Cần Thơ cho rằng, ý thức của một bộ phần người dân chưa cao, vẫn còn trường hợp vứt rác sinh hoạt bừa bãi tại khu vực công cộng, sông rạch, từ đó dẫn đến việc thu gom, tập kết và phân loại rác thải nhựa với rác thải khác còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, do người dân còn thói quen sử dụng sản phẩm túi nilon, đồ nhựa dùng một lần, dẫn đến nhiều hệ lụy cho môi trường.

Còn bà Lê Thị Kiều Như, Phó trưởng Phòng TN&MT huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang cho rằng, việc thu gom chất thải sinh hoạt trên địa bàn huyện hiện nay chủ yếu tập trung ở các tuyến đường lớn, còn tuyến đường nhỏ ở các ấp, có bề rộng từ 3m trở xuống xe của đơn vị dịch vụ môi trường không thể vào thu gom được, vì thế lượng chất thải phát sinh người dân phải gom lại đốt, lưu chứa ở các bãi đất trống phía sau nhà hoặc vứt xuống sông, rạch. 

Đối với rác thải là bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, bà Lê Thị Kiều Như cho rằng: “Các cơ quan, đơn vị, hội đoàn thể của huyện đã tổ chức thu gom nhưng do chưa chủ động được việc vận chuyển xử lý, nên xảy ra tình trạng ùn ứ tại nhiều hố chứa rác. Từ thực tế này đã và đang cản trở công tác tuyên truyền, vận động hội đoàn thể, người dân của huyện tham gia thu gom loại rác thải nguy hại này”. 

Bà Nguyễn Thụy Kiều Diễm thông tin, dù các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã quan tâm việc thu gom, xử lý chất thải rắn nhưng hiện nay tỷ lệ thu gom tại khu vực nông thôn mới chỉ đạt khoảng gần 50%. Bên cạnh đó, công tác phân loại chất thải tại nguồn chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục, có nhiều nơi chất thải nhựa, nilon lẫn lộn với rác thải sinh hoạt, tình trạng ứ đọng rác thải tại các hố lưu chứa gây ô nhiễm môi trường đang xảy ra ở nhiều nơi.

Ngoài ra, liên quan đến mô hình phân loại rác thải, các cơ quan chức năng của tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng đều nhìn nhận, công tác truyền thông về phân loại chất thải sinh hoạt tại nguồn tuy có thực nhiện song chưa sâu rộng vì thiếu tài liệu, kinh phí, nhận thức của người dân chưa cao, từ đó hiệu quả của các mô hình này còn thấp. Song song với đó cơ sở hạ tầng phục vụ thu gom chất thải rắn sau phân loại chưa được đầu tư, nhân lực để quản lý thực hiện mô hình còn hạn chế.
 

 Các cơ quan chức năng khu vực ĐBSCL đang tập trung tuyên truyền, vận động để người dân dùng giỏ xách đi chợ đựng thức ăn thay cho bọc nilon.

Đâu là giải pháp?

Để khắc phục tình trạng này, bà Nguyễn Thụy Kiều Diễm cho biết: “Trong thời gian tới Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Sóc Trăng sẽ triển khai việc phân loại chất thải tại nguồn; phối hợp thanh tra, kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm trong xử lý chất thải rắn; đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn nâng cao năng lực nhận thức cho tổ chức, cá nhân trong việc quản lý tổng hợp chất thải rắn, nói không với chất thải nhựa, khuyến khích sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường”.

Chia sẻ với phóng viên, ông Đào Trọng Ngữ cho rằng, để nâng cao hiệu quả trong công tác thu gom, xử lý rác thải, Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh Hậu Giang sẽ tiếp tục triển khai công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về các giải pháp bảo vệ môi trường; hỗ trợ các xã nông thôn mới hướng dẫn, vận động người dân thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt, bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; lắp đặt các điểm thu gom, lưu giữ chất thải trong sản xuất nông nghiệp.

Cũng theo ông Đào Trọng Ngữ: “Ở những khu vực phương tiện thu gom rác không thể vào được, chính quyền địa phương nơi đây cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân phân loại rác. Đối với rác thải thông thường có thể sử dụng để ủ phân hoặc chôn lấp hợp vệ sinh, còn những loại rác thải không đốt được thu gom vào các hố lưu chứa”. 

Theo Sở TN&MT TP. Cần Thơ, nhằm huy động và nâng cao nhận thức của cộng đồng trong bảo vệ môi trường, thời gian tới Sở TN&MT tiếp tục phối hợp với các tổ chức chính trị-xã hội, hội đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để phát huy sức mạnh đoàn kết toàn xã hội chung tay bảo vệ môi trường; đồng thời, nhân rộng các mô hình thu gom, phân loại, xử lý chất thải ở khu vực nông thôn.

Song song với đó, bà Cao Thị Minh Thảo cho biết: “Trên cơ sở những khó khăn hạn chế sau một năm triển khai phong trào “chống rác thải nhựa”, Sở TN&MT TP. Cần Thơ sẽ tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cá nhân, hộ gia đình về tác hại của chất thải nhựa, túi nilon khó phân hủy đối với môi trường và sức khỏe con người; tổ chức hội nghị, hội thảo, chuyên đề chia sẻ kinh nghiệm, học tập các mô hình hay trong phong trào chống rác thải nhựa”.


 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
ĐBSCL: Nhiều khó khăn trong việc thu gom, xử lý chất thải ở nông thôn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO