ĐBSCL: Nâng cao năng lực quan trắc, kiểm soát môi trường

Lê Hùng| 11/09/2019 06:49

(TN&MT) - Nhằm kiểm soát chặt chẽ chất lượng nguồn nước, không khí, trong thời gian qua, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã mạnh dạn đầu tư các trạm quan trắc để giám sát, kịp thời xử lý các sự cố về môi trường.

trac1
Việc đầu tư các trạm quan trắc tự động giúp cho công tác quản lý, bảo vệ môi trường ở các tỉnh, thành hiệu quả hơn

Đầu tư các trạm quan trắc

Theo Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường - Sở TN&MT tỉnh Hậu Giang, nhằm kiểm soát chặt chẽ chất lượng nguồn nước, không khí, tỉnh Hậu Giang đã đầu tư xây dựng 03 trạm quan trắc nước mặt tự động trên các tuyến sông lớn như: Ba Láng (huyện Châu Thành A), sông Cái Côn (TX. Ngã Bảy), sông Cái Lớn (TX. Long Mỹ) và 01 trạm quan trắc không khí tại KCN Sông Hậu (huyện Châu Thành).

Tại tỉnh Sóc Trăng, hiện nay, Sở TN&MT tỉnh Sóc Trăng đang hoàn tất các thủ tục cần thiết để tiến hành lắp đặt 4 trạm quan trắc tự động, trong đó có 3 trạm quan trắc tự động chất lượng nước đặt tại ngã ba sông Đinh (TP. Sóc Trăng), sông Mỹ Thanh gần Cầu Mỹ Thanh 2 (TX. Vĩnh Châu), sông Cổ Cò (huyện Mỹ Xuyên) và 01 Trạm quan trắc tự động không khí đặt tại TP. Sóc Trăng.

Còn tại TP. Cần Thơ, Thành phố cũng đã đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành tổng cộng 5 trạm quan trắc tự động liên tục, trong đó có 01 trạm quan trắc không khí. Cùng với đó, các trạm quan trắc chất lượng nguồn nước cũng đã được đặt tại các khu trọng yếu, nhạy cảm trên địa bàn thành phố, như: KCN Trà Nóc, KCN Thốt Nốt, Nhà máy nước thành phố,…

Thực hiện Thông tư số 31/TT-BTNMT ngày 14/10/2016 của Bộ TN&MT về bảo vệ môi trường cụm công nghiệp, khu kinh doanh, dịch vụ tập trung, làng nghề và cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ; Sở TN&MT các tỉnh, thành ĐBSCL đã yêu cầu các cơ sở, doanh nghiệp có lưu lượng nước thải từ 1.000m3/ngày đêm trở lên đầu tư lắp đặt trạm quan trắc tự động về nước thải, khí thải và đến nay nhiều cơ sở, doanh nghiệp đã nghiêm túc thực hiện.

Theo Chi cục Bảo vệ Môi trường - Sở TN&MT TP. Cần Thơ, căn cứ vào quy định tại Thông tư số 31/TT-BTNMT thì trên địa bàn thành phố có tổng cộng 10 cơ sở, doanh nghiệp thuộc đối tượng phải lắp đặt hệ thống trạm quan trắc tự động về nước thải, khí thải. Tính đến tháng 8/2019, tất cả các cơ sở, doanh nghiệp đã hoàn thành việc lắp đặt trạm quan trắc tự động về nước thải, khí thải theo quy định.

Theo thống kê, tỉnh Hậu Giang có tổng cộng 08 nhà máy, công ty và 09 khu - cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp có lưu lượng xả thải từ 1.000m3/ngày đêm thuộc đối tượng phải lắp đặt hệ thống quan trắc tự động. Đến nay, đã có 04 cơ sở, doanh nghiệp hoàn thành vệc lắp đặt trạm quan trắc tự động nước thải, khí khải, gồm: KCN Tân Phú Thạnh, Công ty Giấy Lee&Man, Công ty Masan Brewery Hậu Giang và Công ty Xi măng Cần Thơ - Hậu Giang.

Tại tỉnh Sóc Trăng, tính đến cuối tháng 8/2019 cũng đã có 2/3 đơn vị, doanh nghiệp thuộc đối tượng đã hoàn thành việc lắp đặt trạm quan trắc nước thải tự động là Nhà máy xử lý nước thải KCN An Nghiệp và Công ty CP Thực phẩm Sao Ta. Hiện Sở TN&MT tỉnh Sóc Trăng đang yêu cầu đơn vị quản lý, vận hành Nhà máy xử lý nước thải TP. Sóc Trăng lắp đặt trạm quan trắc tự động theo quy định.

trac2
Thông qua các trạm quan trắc tự động, chất lượng nguồn nước trên các sông, rạch sẽ được giám sát chặt chẽ hơn

Hiện đại hóa trang thiết bị

Cùng với việc đầu tư lắp đặt trạm quan trắc tự động về khí thải, nước thải thì các tỉnh, thành vùng ĐBSCL cũng rất quan tâm đến việc triển khai đầu tư hiện đại hệ thống trang thiết bị tiếp nhận cơ sở dữ liệu quan quan trắc từ các trạm quan trắc tự động trên địa bàn cũng như tại các cơ sở, doanh nghiệp.

Năm 2017, tỉnh Hậu Giang đã thực hiện dự án xây dựng cơ sở vật chất phòng thí nghiệm hạ tầng kỹ thuật để tiếp nhận dữ liệu từ các trạm quan trắc tự động trên địa bàn tỉnh cũng như tại các cơ sở, doanh nghiệp. Sau 2 năm triển khai, đến nay dự án đã cơ bản hoàn thành góp phần quan trọng giúp cơ quan chức năng đánh giá đầy đủ về hiện trạng chất lượng môi trường tại các trạm quan trắc; theo dõi diễn biến chất lượng môi trường và kịp thời phát hiện, cảnh báo, xử lý, khắc phục ô nhiễm môi trường.

Đối với TP. Cần Thơ, vừa qua, Sở TN&MT TP. Cần Thơ đã có Văn bản trình UBND TP. Cần Thơ về việc xin chủ trương đầu tư hệ thống trang thiết bị truyền nhận, phần mềm quản lý, giám sát dữ liệu quan trắc môi trường tự động, liên tục và xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về nguồn thải.

Theo Sở TN&MT TP. Cần Thơ, hiện nay, hầu hết các cơ sở, doanh nghiệp thuộc đối tượng đã thực hiện việc lắp đặt các trạm quan trắc tự động về nước thải, khí thải nhưng việc đầu tư hệ thống trang thiết bị và phần mềm quản lý tập trung về dữ liệu cũng như về quản lý, điều hành các trạm quan trắc môi trường tự động chưa được đầu tư đúng mức, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý, bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố.

Do vậy, theo Sở TN&MT Cần Thơ, việc đầu tư, trang bị xây dựng một trung tâm điều khiển và tích hợp dữ liệu quan trắc môi trường tự động liên tục và cơ sở dữ liệu quản lý nguồn thải là rất cần thiết, nhằm đáp ứng đầy đủ yêu cầu truyền nhận dữ liệu quan trắc môi trường tự động liên tục từ tất cả các trạm quan trắc trên địa bàn thành phố.

Đồng thời, giám sát 24/24h về dữ liệu chất lượng nước thải, khí thải của các cơ sở, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố có nguồn thải lớn; quản lý nguồn thải và hiện trạng ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nguồn thải; xây dựng kế hoạch điều tra, thống kê toàn bộ nguồn thải trên địa bàn thành phố.

Ngoài ra, việc tiếp nhận, lưu trữ dữ liệu các nguồn thải tại các trạm quan trắc còn phục vụ xác định nhanh, phát hiện sớm các vấn đề về chất lượng môi trường; cung cấp số liệu liên tục kịp thời cảnh báo, đề xuất các biện pháp phù hợp để quản lý, bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
ĐBSCL: Nâng cao năng lực quan trắc, kiểm soát môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO