Xã hội

ĐBSCL: Chủ động ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn

Lê Hùng 11/06/2021 14:45

(TN&MT) - Mùa khô năm 2020 - 2021, tình hình khô hạn, xâm nhập mặn diễn ra gay gắt ở một số địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Tuy nhiên, với sự chủ động, tích cực của các cơ quan chức năng và người dân đã hạn chế nhiều thiệt hại do hạn, mặn gây ra.

Thiệt hại không đáng kể

Từ đầu tháng 3/2021 đến nay, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn đã diễn ra ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Ông Phạm Tấn Đạo, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Sóc Trăng thông tin: “Mặc dù hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2020 - 2021 trên địa bàn tỉnh ở mức cao, nhưng không gây thiệt hại cây cối, hoa màu của người dân. Nguyên nhân là do ngành nông nghiệp của tỉnh đã điều chỉnh lịch xuống giống lúa, khi mặn xâm nhập vào các kênh, rạch, người dân trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng cơ bản đã thu hoạch xong vụ lúa Đông Xuân”.

anh....jpg
Các địa phương vùng ĐBSCL đã tập trung nạo vét các tuyến kênh, rạch để trữ nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân.

Đối với nguồn nước sinh hoạt, sản xuất, nếu như vào mùa khô những năm trước đây thường xảy ra tình trạng thiếu nước ở các địa bàn các huyện Kế Sách, Trần Đề, Long Phú, thì mùa khô năm 2020 - 2021 ở những địa phương này không thiếu nước vì trước đó các ngành chức năng và người dân đã chủ động thực hiện các giải pháp tích trữ nước trong các kênh, rạch, ao.

Từ đầu năm 2021 đến nay, một số địa phương trên địa bàn tỉnh Hậu Giang cũng bị ảnh hưởng do hạn hán, xâm nhập mặn, có thời điểm độ mặn đo được tại một số khu vực thuộc địa bàn huyện Long Mỹ, TX. Long Mỹ, TP. Vị Thanh đạt 8,5‰. Tuy nhiên, qua thống kê của ngành chức năng tỉnh Hậu Giang, hạn hán, xâm nhập mặn lần này không gây ảnh hưởng nhiều đến cây trồng của người dân.

Thông tin với phóng viên, ông Danh Út ở ấp 4, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang cho biết: “Mùa khô năm nay mực nước nhiều tuyến kênh, rạch trên địa bàn xã xuống thấp, cùng với đó là nước mặn xâm nhập vào, nhưng do người dân đã có chuẩn bị từ trước, nên không bị thiệt hại về lúa, hoa màu, còn nguồn nước sinh hoạt cũng đủ dùng trong những tháng mùa khô”.

Vào giữa tháng 3/2021, nguồn nước mặt tại một số tuyến kênh rạch trên địa bàn các huyện Thới Lai, Cờ Đỏ thuộc TP. Cần Thơ, nơi có đông đồng bào dân tộc sinh sống cũng bị sụt giảm. Tuy nhiên, trên cơ sở dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Nam bộ, Viện Thủy lợi miền Nam, các Sở, ngành chức năng thành phố đã nhanh chóng triển khai các giải pháp, qua đó giảm thiểu được thiệt hại do hạn hán gây ra.

Tiếp tục chủ động ứng phó hạn, mặn

Mặc dù hạn hán, xâm nhập mặn vào mùa khô năm 2020 - 2021 không khốc liệt và gây thiệt hại nặng nề cho người dân như mùa khô năm 2015 - 2016, song hiện nay các cấp chính quyền cũng như người dân vùng ĐBSCL vẫn luôn chủ động ứng phó với hạn, mặn.

anh-2...-2-.jpg
Việc điều chỉnh thời gian gieo xạ lúa để né hạn, mặn đã giúp nông dân vùng ĐBSCL ít bị thiệt hại trong vụ lúa Đông Xuân 2021.

Theo ông Nguyễn Chí Kiên, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP. Cần Thơ, trong thời gian qua, có thời điểm mặn đã xâm nhập vào địa bàn thành phố theo hướng sông Hậu khiến cho một phần của quận Cái Răng bị ảnh hưởng. Ðể chủ động phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặt vào mùa khô, các cơ quan, đơn vị chức năng của thành phố đã tổ chức đo đạc, giám sát, cảnh báo xâm nhập mặn cho người dân tại các khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng. Đồng thời, hướng dẫn người dân lấy nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt phù hợp.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Thanh Toàn, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Hậu Giang cho biết: “Công tác ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn đang được các cấp, các ngành tỉnh Hậu Giang tiếp tục quan tâm thực hiện bằng việc thường xuyên kiểm tra, rà soát, vận hành các hệ thống cống, đập ngăn mặn; trữ nước ngọt đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho người dân”.

Tại tỉnh Sóc Trăng, ông Phạm Tấn Đạo thông tin thêm, công tác kiểm tra, gia cố hệ thống đê bao, cống ngăn mặn đang được các ngành chức năng thực hiện thường xuyên; đồng thời cập nhật thường xuyên về diễn biến xâm nhập mặn ở một số vị trí trên các sông, kênh rạch, bảo vệ cây trồng, vật nuôi cho người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
ĐBSCL: Chủ động ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO