Đẩy nhanh tiến độ dồn điền đổi thửa

30/10/2018 10:34

Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, TP Hà Nội đã mạnh dạn lựa chọn dồn điền đổi thửa (DĐĐT) và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) là khâu đột phá nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành nông nghiệp Thủ đô. Thế nhưng đến nay, việc thực hiện nhiệm vụ kép này tại một số địa phương vẫn chưa đạt yêu cầu.

Nhiều địa phương chưa hoàn thành

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ TP đến các cấp huyện, thị xã, đến nay, Hà Nội đã tiến hành DĐĐT được 79.207ha (vượt hơn 4% so với mục tiêu kế hoạch). Song song với DĐĐT, TP tập trung chỉ đạo các địa phương thực hiện việc cấp GCNQSDĐ cho người nông dân. Đến nay, tổng số GCNQSDĐ đã được cấp là 616.704 giấy (đạt trên 99%), qua đó, giúp hàng chục vạn nông dân yên tâm đầu tư phát triển sản xuất.

Thống kê của Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới TP Hà Nội cho thấy, đến nay, toàn TP có 15/18 huyện, thị xã đã hoàn thành công tác DĐĐT. Đáng chú ý, trong số 3 địa phương chưa hoàn thành, có Đông Anh - huyện đã về đích nông thôn mới năm 2016 và Gia Lâm - huyện sẽ cán đích chương trình vào cuối năm 2018. 
 

dondiendoithua


Cụ thể, huyện Đông Anh mới DĐĐT đạt 1.865ha, bằng 93,5% kế hoạch TP giao. Huyện Gia Lâm đã DĐĐT đạt 1.172ha, còn 289ha chưa hoàn thành. Địa phương còn lại chưa hoàn thành công tác DĐĐT là huyện Mỹ Đức. Địa phương này đã DĐĐT đạt 7.486ha, hiện còn khoảng 28ha chưa hoàn thành. Như vậy, tổng diện tích đất nông nghiệp chưa hoàn thành công tác DĐĐT theo kế hoạch TP giao là 446ha.
Cùng với 3 địa phương chưa hoàn thành công tác DĐĐT, toàn TP hiện vẫn còn 10/18 huyện, thị xã chưa hoàn thành cấp GCNQSDĐ cho người nông dân, với tổng số 6.157 giấy. Địa phương hiện có số GCNQSDĐ chưa cấp nhiều nhất là huyện Chương Mỹ với 1.601 giấy, tiếp đến là các huyện: Sóc Sơn 1.260 giấy, Thanh Oai 762 giấy, Mê Linh 620 giấy…
Tuyên truyền là giải pháp trọng tâm

Theo quyền Trưởng phòng Kinh tế huyện Gia Lâm Lê Thị Thu Hằng, nguyên nhân khiến địa phương hiện còn diện tích chưa hoàn thành DĐĐT lớn nhất TP là do đang trên đà phát triển. Nhiều dự án công nghiệp, xây dựng hạ tầng giao thông, nhà ở dân cư… được triển khai rầm rộ những năm gần đây. Chính vì vậy, người dân không muốn dồn ghép ruộng đất với tâm lý trông chờ vào cơ hội được đền bù, hỗ trợ kinh phí trong quá trình giải phóng mặt bằng các dự án. 

Trong khi đó, nguyên nhân khiến tiến độ cấp GCNQSDĐ được lãnh đạo phòng ban chuyên môn nhiều địa phương đưa ra là do một số chủ đất không hợp tác kê khai, người đứng tên chủ sở hữu đất không có mặt tại địa phương. Ngoài ra, một số chủ đất đã qua đời, nhưng trong gia đình chưa thỏa thuận được người thừa kế tài sản, hoặc có tranh chấp, khiếu kiện chưa thể giải quyết…

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, xác định tích tụ ruộng đất là đòn bẩy quan trọng đối với phát triển nông nghiệp, thời gian qua, UBND TP Hà Nội đã tập trung chỉ đạo, đôn đốc các huyện, thị xã đẩy nhanh tiến độ DĐĐT và cấp GCNQSDĐ. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện tại nhiều địa phương hiện nay là khá chậm, không đạt mục tiêu kế hoạch. 

Theo đó, để sớm hoàn thành công tác DĐĐT và cấp GCNQSDĐ, cán bộ các địa phương cần tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm, tập trung tháo gỡ khó khăn. Trong các giải pháp nhằm gỡ khó cho nhiệm vụ kép nêu trên, ông Chu Phú Mỹ nhấn mạnh tới việc cần chú trọng đẩy mạnh, tăng cường hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, để người nông dân hiểu, đồng thuận và ủng hộ chủ trương lớn của TP. Song song với giải pháp trên, các địa phương cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 09-CT/TU ngày 1/9/2016 của Thành ủy Hà Nội về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn Hà Nội.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đẩy nhanh tiến độ dồn điền đổi thửa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO