Tiến độ cổ phần hóa còn chậm
Theo Cục Tài chính doanh nghiệp - Bộ Tài chính, lũy kế giai đoạn 2016-2020, đã có 178 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 443.503 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 207.116 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong số 178 doanh nghiệp đã cổ phần hóa thì chỉ có 37/128 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục cổ phần hóa theo công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (đạt 28% kế hoạch). Như vậy, tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp còn chậm.
Tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước hiện còn chậm. Ảnh minh họa |
Những đơn vị còn nhiều doanh nghiệp thuộc danh sách phải thực hiện cổ phần hóa trong năm 2020 như: TP. Hà Nội còn 13 doanh nghiệp (04 Tổng công ty), chiếm 14% kế hoạch; TP. Hồ Chí Minh còn 38 doanh nghiệp (11 Tổng công ty), chiếm 40% kế hoạch; Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp còn 06 doanh nghiệp (03 Tập đoàn, 03 Tổng công ty); Bộ Công Thương còn 04 doanh nghiệp (03 Tổng công ty, trong đó đã công bố giá trị 01 Tổng công ty); Bộ Xây dựng còn 02 Tổng công ty.
Về công tác thoái vốn, Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết, trong năm 2020, cả nước đã thoái được 2.505,6 tỷ đồng, thu về 5.965,7 tỷ đồng, trong đó thoái vốn tại 13 doanh nghiệp theo kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ ban hành với giá trị 1.788 tỷ đồng, thu về 4.617 tỷ đồng.
Lũy kế tổng số thoái vốn từ năm 2016-2020 là 27.275 tỷ đồng, thu về 177.037 tỷ đồng. Trong đó, thoái vốn nhà nước tại 105 đơn vị thuộc Quyết định số 1232/QĐ-TTg và Quyết định số 908/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với giá trị 6.492 tỷ đồng, thu về 13.582 tỷ đồng (đạt 30% về số lượng và 11% về giá trị so với kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt).
Thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp ngoài danh mục theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg đạt 3.785 tỷ đồng vốn nhà nước, thu về 110.392 tỷ đồng. Các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước thực hiện thoái 16.996 tỷ đồng, thu về 53.063 tỷ đồng.
Nêu nguyên nhân khiến công tác cố phần hóa, thoái vốn bị chậm, Cục Tài chính doanh nghiệp cho rằng, các doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại giai đoạn này hầu hết là các doanh nghiệp lớn, có tình hình tài chính phức tạp, sở hữu nhiều đất đai; hoặc là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công ích, gắn liền với các hoạt động của địa phương, đóng góp vai trò quan trọng trong việc đảm bảo thực hiện các chiến lược, mục tiêu về an sinh xã hội của địa phương.
Bên cạnh đó, trong quá trình tổ chức thực hiện của một số Bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước còn chưa thực sự nghiêm túc triển khai kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Giải pháp đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa
Trước thực trạng trên, để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, Bộ Tài chính đã đề xuất 6 nhóm giải pháp trọng tâm.
Một là, hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách phục vụ quá trình cơ cấu lại DNNN giai đoạn 2021-2025, trong đó tập trung vào các nội dung như: Hoàn thiện cơ sở pháp lý để xử lý dứt điểm những dự án thua lỗ, kém hiệu quả.
Bên cạnh đó, xây dựng danh mục tiêu chí DNNN thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn theo hướng tạo chủ động, gắn trách nhiệm cho cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định tiến độ thời gian việc sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp; tiếp tục đẩy mạnh công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp hiệu quả, công khai, minh bạch, không để xảy ra tình trạng thất thoát vốn nhà nước, có cơ chế giám sát, phát hiện, xử lý kịp thời những vi phạm trong quá trình triển khai thực hiện.
Hai là, xử lý dứt điểm các dự án thua lỗ, kém hiệu quả của giai đoạn 2011-2020 theo hướng: xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong việc để xảy ra tình trạng ngừng hoạt động, thua lỗ kéo dài, thất thoát vốn nhà nước; xây dựng phương án và lộ trình thực hiện có hiệu quả phương án để xử lý dứt điểm tình trạng này; không để kéo dài, không để chậm trễ, gây thất thoát tài sản của nhà nước, không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng. Xử lý theo nguyên tắc thị trường thay vì tiếp tục có sự can thiệp của Nhà nước; nếu không thể phục hồi được thì buộc phải phá sản, giải thể, thanh lý.
Ba là, tiếp tục đẩy mạnh, phấn đấu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành việc sắp xếp, cơ cấu lại các DNNN theo hình thức chủ yếu là cổ phần hóa, thoái vốn các DNNN, đảm bảo công khai, minh bạch, đem lại hiệu quả cao nhất cho nhà nước. Cụ thể, rà soát, đánh giá hiệu quả của phương án cổ phần hóa, thoái vốn với phương án phá sản, bán toàn bộ doanh nghiệp, lựa chọn phương án phù hợp, hiệu quả cao, tiết kiệm chi phí.
Bốn là, củng cố mô hình cơ quan đại diện chủ sở hữu để đáp ứng yêu cầu đổi mới, cơ cấu lại của các DNNN. Tăng cường giám sát, kiểm tra của Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và cơ quan đại diện chủ sở hữu khác. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán đối với các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh thua lỗ hoặc có các dự án kinh doanh thua lỗ, chậm tiến độ, kém hiệu quả. Tập trung kiểm tra, giám sát tổ chức đảng, người đứng đầu, cán bộ chủ chốt ở những nơi xảy ra vi phạm.
Năm là, căn cứ kết quả thực hiện đề án cơ cấu lại DNNN giai đoạn 2016-2020 và mục tiêu cơ cấu lại DNNN giai đoạn 2021-2025 để tiếp tục hoàn thiện (đối với các DNNN chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án cơ cấu lại DNNN giai đoạn 2016-2020) hoặc xây dựng đề án cơ cấu lại DNNN giai đoạn 2021-2025 một cách toàn diện về tài chính, nguồn nhân lực, đổi mới công tác quản lý doanh nghiệp thông qua áp dụng công nghệ thông tin, áp dụng quản trị doanh nghiệp theo chuẩn mực quốc tế, cơ cấu lại sản phẩm, ngành nghề phù hợp với mục tiêu phát triển của vùng kinh tế, định hướng phát triển của ngành, lĩnh vực hoạt động.
Sáu là, người đứng đầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các Tập đoàn, Tổng công ty, DNNN trực thuộc xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp; tổ chức thực hiện có hiệu quả phương án được duyệt.