Nhiều tồn tại trong việc quản lý, sử dụng đất đai khi thực hiện cổ phần hóa tại VNR
(TN&MT) - Theo Thông báo số 2414/TB-TTCP ngày 22/11/2024 về kết luận thanh tra việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011 – 2021 tại Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) (Bộ Giao thông vận tải) còn một số tồn tại trong việc quản lý, sử dụng đất đai khi thực hiện cổ phần hoá.
VNR trước khi thực hiện cổ phần hóa quản lý tổng cộng 772 cơ sở nhà đất, với diện tích lên đến khoảng 11.519.709 m2. Từ năm 2015, khi thực hiện các quyết định tái cơ cấu doanh nghiệp, VNR đã cổ phần hóa 26 đơn vị thành viên, giữ lại 630 cơ sở với diện tích 10.902.287 m2. Trong số đó, 26 đơn vị cổ phần hóa chỉ được giao quản lý 142 cơ sở, chiếm diện tích 617.422 m2.
Cụ thể hơn, trong số 142 cơ sở đất đai đã giao cho 26 đơn vị cổ phần hóa, trong đó các tổng công ty nắm cổ phần chi phối, chỉ có 44 cơ sở (diện tích 267.010 m2) đã được Bộ Tài chính phê duyệt phương án sử dụng đất. 98 cơ sở còn lại (diện tích 350.412 m2, chiếm 56,57% tổng diện tích đất giao cho các đơn vị cổ phần hóa), vẫn chưa được phê duyệt.
Một vấn đề đáng chú ý là chưa hoàn thiện phương án sử dụng đất cho các cơ sở còn lại. Trong tổng số 630 cơ sở mà VNR giữ lại, chỉ có 175 cơ sở (chiếm 4.343.350 m2) được Bộ Tài chính phê duyệt phương án sử dụng đất, trong khi 455 cơ sở với diện tích 6.558.928 m2 (chiếm 60,02% tổng diện tích đất quản lý) vẫn chưa được phê duyệt.
Một ví dụ điển hình về những tồn tại trong việc quản lý đất đai của VNR là cơ sở nhà đất tại 551 Nguyễn Văn Cừ, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội, thuộc Nhà máy Xe lửa Gia Lâm. Tại đây, VNR quản lý và sử dụng 158.752 m2, trong khi Công ty cổ phần Xe lửa Gia Lâm quản lý 9.838 m2, và Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội sử dụng 35.283 m2. Tuy nhiên, phương án sử dụng đất tại cơ sở này chưa được Bộ Tài chính phê duyệt, và Bộ Giao thông vận tải cũng chưa phê duyệt phương án cổ phần hóa cho Công ty TNHH Một thành viên Xe lửa Gia Lâm và Công ty TNHH Một thành viên Vận tải đường sắt Hà Nội. Điều này vi phạm quy định về cổ phần hóa, khi chưa có sự phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền về phương án sắp xếp, xử lý cơ sở nhà đất tại 551 Nguyễn Văn Cừ.
Thêm vào đó, tính đến tháng 8/2023, tổng công ty Đường sắt Việt Nam vẫn còn nợ tiền thuê đất tại cơ sở này, với tổng số tiền lên đến 482.252 triệu đồng, trong đó bao gồm 61.354 triệu đồng tiền gốc và 120.897 triệu đồng tiền chậm nộp.
Quy hoạch sử dụng đất tại cơ sở nhà đất 551 Nguyễn Văn Cừ cũng có sự mâu thuẫn. Theo Quyết định số 6115/QĐ-UBND ngày 21/11/2014, vị trí cơ sở này được quy hoạch là phân khu đô thị N10 (trong đó có nội dung di dời cơ sở nhà đất 551 Nguyễn Văn Cừ). Tuy nhiên, theo quy hoạch ngành đường sắt được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cơ sở này được tiếp tục sử dụng làm công nghiệp đường sắt.
Một điểm tồn tại khác của VNR trong quản lý đất cổ phần hoá liên quan tới cơ sở nhà đất 2.800 m2 tại 107 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đến thời điểm kiểm tra, xác minh, VNR chưa hoàn thiện hồ sơ pháp lý của khu đất, chưa chấm dứt dược việc cho thuê tại cơ sở, chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai; còn để đất hoang phí. VNR đã đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp xem xét, cho điều chỉnh phương án sắp xếp cơ sở nhà đất từ “giữ lại tiếp tục sử dụng” thành “chuyển giao về địa phương để quản lý, xử lý”.
Thông báo kết luận thanh tra nêu rõ, để xảy ra tồn tại nêu trên, trách nhiệm thuộc về VNR, Bộ Giao thông vận tải và 26 đơn vị thành viên thực hiện cổ phần hóa.