Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động thư viện ở Việt Nam |
Trong bối cảnh Việt Nam và Thế giới đang đẩy mạnh chuyển đổi số. Việt Nam hướng tới Chính phủ số. Ngay từ đầu năm 2019, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đề nghị Bộ VHTTDL triển khai xây dựng Đề án "Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động thư viện ở Việt Nam". Bên cạnh đó, Luật Thư viện cũng xác định một trong những nhiệm vụ của các thư viện là ứng dụng khoa học công nghệ.
Đề án "Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động thư viện ở Việt Nam" được xây dựng nhằm nâng cao năng lực của thư viện tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đảm bảo cung ứng dịch vụ đáp ứng yêu cầu người sử dụng; Chủ động ứng phó để hạn chế các tác động tiêu cực, góp phần bảo đảm an ninh, an toàn, công bằng xã hội trong cung cấp thông tin và tri thức phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu, giải trí, của nhân dân, góp phần phát triển con người Việt Nam toàn diện và phát triển đất nước bền vững...
Một số chỉ tiêu Đề án hướng tới: Phấn đấu 100 % thư viện ưu tiên đầu tư phát triển thư viện số, thực hiện liên thông; Hiện đại hóa thư viện công cộng cấp tỉnh, thư viện đại học và thư viện chuyên ngành ở Trung ương. Đảm bảo 100% Website có khả năng cung cấp dịch vụ trực tuyến; Xây dựng tài nguyên thông tin dùng chung, tài nguyên thông tin mở cho các thư viện công cộng, thư viện chuyên ngành, thư viện đại học và các cơ sở giáo dục khác…
Số hóa 70% tài liệu cổ, quý hiếm, các bộ sưu tập tài liệu có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học do các thư viện có vai trò quan trọng thu thập và quản lý; Tổ chức mượn liên thư viện; Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực và phát triển nguồn nhân lực thư viện, đảm bảo mỗi nhân viên thư viện được đào tạo lại các kiến thức, kỹ năng vận hành thư viện hiện đại; Nghiên cứu, ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến trong hoạt động thư viện.
Theo Kế hoạch, Bộ VHTTDL giao Vụ Thư viện chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng và trình Lãnh đạo Bộ phê duyệt: Kế hoạch xây dựng Đề án, quyết định thành lập Ban soạn thảo, Tổ Biên tập Đề án, Đề cương chi tiết, dự toán kinh phí...; Tổ chức thực hiện các công việc liên quan, hỗ trợ cho việc xây dựng dự thảo Đề án; Xây dựng và hoàn thiện dự thảo Đề án trình lãnh đạo Bộ; Hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án.
Dự kiến, Đề án sẽ được hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt vào tháng 10 năm 2020.