Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để cảnh báo lũ sớm cho người dân

19/01/2018 17:43

(TN&MT)- Ngày 19/1, tại thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng đã tổ chức hội thảo cảnh báo lũ sớm cho cộng đồng và điều tiết nước từ các hồ thuỷ điện trên lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn.

Quang cảnh hội thảo
Quang cảnh hội thảo

Quảng Nam, Đà Nẵng là hai địa phương nằm ở lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn. Những năm gần đây, các địa phương đã tiến hành lập quy hoạch và xây dựng 45 nhà máy thuỷ điện trên lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn, trong đó có 10 dự án thuỷ điện công suất trên 100MW như A Vương, Đắk Mi, Sông Tranh 2, Sông Bung 2, Sông Côn 4…

Theo đánh giá của Tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam, sự phát triển thiếu bền vững của các nhà máy thuỷ điện với mật độ dày trên thượng nguồn sông Vu Gia-Thu Bồn, đặt nặng lợi ích kinh tế, mâu thuẫn trong phân bổ và sử dụng nguồn nước giữa thuỷ điện và các ngành liên quan chưa được giải quyết thoả đáng. Hầu hết các hồ thuỷ điện này cắt lũ kém làm tăng khả năng đe doạ lũ vào mùa mưa, thiếu nước và xâm nhập mặn vào mùa khô, ảnh hưởng lớn đến cộng đồng dân sinh ở lưu vực sông. Các địa phương dễ bị ngập lụt như Đại Lộc, Điện Bàn, Hội An, Hoà Vang…

Theo người dân huyện Đại Lộc và huyện Hoà Vang, bên cạnh nguyên nhân biến đổi khí hậu, việc ngập lụt tại các địa phương vụng hạ lưu sông Vu Gia-Thu Bồn xảy ra trong thời gian gần đây là do tác động từ xả nước của các hồ thuỷ điện. Xả nước vào thời điểm mưa lớn làm cho ngập lụt nghiêm trọng hơn, điển hình là lụt cuối năm 2016. Trong khi đó, người dân không được thông báo rõ ràng khi nào nước đến, nước cao tới đâu và xả trong bao lâu.

Từ thực trạng này, người dân đề nghị các cơ quan quản lý hồ chứa cần tránh việc xả nước về đến khu dân cư vào ban đêm làm người dân rất bị động, không nên xả dồn dập khiến mực nước sông lên nhanh gây nguy hiểm. Đồng thời, phải cảnh báo kịp thời, bảo đảm người dân có đủ thời gian chuẩn bị ứng phó với lũ (từ 2-3 ngày, tối thiểu là 24h). Huy động các kênh thông tin cảnh báo kịp thời như: mạng xã hội, điện thoại, tivi, loa đài địa phương…
 

Việc ngập lụt tại các địa phương vùng hạ lưu sông Vu Gia-Thu Bồn do tác động từ xả nước của các hồ thuỷ điện
Việc ngập lụt tại các địa phương vùng hạ lưu sông Vu Gia-Thu Bồn do tác động từ xả nước của các hồ thuỷ điện

Đối với chính quyền các cấp, hiện nay cần rà soát lại các công trình giao thông gây ngập lũ để mở cống thông nước phù hợp, đặc biệt là tuyến đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi; xây dựng hệ thống cảnh báo sớm cho người dân thông qua loa đài, chú trọng các khu vực trọng điểm thường xuyên bị ngập lụt.

Ông Lê Duy Vọng- Giám đốc Trung tâm Phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai Đà Nẵng đề xuất các ngành chức năng cần tăng cường ứng dụng công nghệ trong xây dựng cơ sở dữ liệu, hoạt động theo dõi, giám sát, phòng ngừa, ứng phó, chỉ đạo điều hành phòng chống thiên tai, sử dụng công cụ truyền thông như Facebook, Zalo… để nâng cao công tác cảnh báo lũ lụt, hạn hán nói riêng và thiên tai nói chung.

Xây dựng bổ sung các trạm quan trắc khí tượng, thuỷ văn tự động tại lưu vực sông, khu vực đầu nguồn, khu vực trũng thấp; đề nghị các nhà máy thuỷ điện thượng nguồn sông Vu Gia-Thu Bồn cung cấp số liệu đo mực nước, lượng mưa, tình hình xả lũ quan tin nhắn SMS cho người dân vùng hạ du.

Ông Hồ Kỳ Minh- Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết ngay sau hội thảo này, Quảng Nam và Đà Nẵng sẽ bắt tay xây dựng đề tài cấp quốc gia về nâng cao năng lực quản lý lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn và vùng bờ Quảng Nam, Đà Nẵng. Trước mắt Đà Nẵng sẽ tài trợ xây dựng hệ thống cảnh báo sớm cho cộng đồng tại huyện Hoà Vang, Đại Lộc và thị xã Điện Bàn. Hai địa phương cũng sẽ xây dựng bản đồ ngập lụt vùng hạ du sông các hồ chứa, xây dựng bản tin dự báo cho từng đối tượng cụ thể; tập huấn tuyên truyền, tăng cường các phương tiện truyền thông cho cộng đồng dân cư.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để cảnh báo lũ sớm cho người dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO