Hoàn thiện thể chế chính sách
Ông Nguyễn Quốc Khánh, Cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia cho biết: Viễn thám đã trở thành công cụ hữu hiệu trong công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh thiên tai, phát triển một số ngành kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh với chi phí thấp, độ chính xác cao, phạm vi quan trắc giám sát rộng, đa thời gian.
Đối với lĩnh vực tài nguyên và môi trường, viễn thám đã được ứng dụng trong toàn bộ các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường, cùng các công nghệ truyền thống khác trong điều tra cơ bản, quan trắc, giám sát, thanh tra, kiểm tra việc quản lý sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường một cách hữu hiệu.
Đối với lĩnh vực quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế xã hội khác, viễn thám đã có sự phát triển vượt bậc trong phục vụ việc giám sát, bảo vệ an ninh, chủ quyền biên giới, hải đảo; góp phần sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn tài nguyên.
Theo ông Nguyễn Quốc Khánh, việc ban hành Nghị định số 03/2019/NĐ-CP đã cụ thể hóa các nhiệm vụ quản lý nhà nước về viễn thám, trong đó phân định rõ chức năng xây dựng, quản lý, cung cấp dữ liệu viễn thám giữa các Bộ, ngành, địa phương.
“Trước đây việc quản lý thu nhận, xử lý, lưu trữ cung cấp chưa được quy định cụ thể bằng các quy phạm pháp luật, nhiều bộ, ngành tham gia các hoạt động này như Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Quốc phòng, Bộ Công An, một số Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Chính vì việc phân định chưa rõ ràng dẫn đến lãng phí nguồn lực đầu tư từ ngân sách cho các Bộ, ngành địa phương (cùng đầu tư cho các cơ sở hạ tầng và dữ liệu viễn thám cho các hạng mục giống nhau) và việc quản lý bị phân tán thiếu thống nhất” – ông Nguyễn Quốc Khánh cho hay.
Báo cáo đánh giá 5 năm triển khai công tác quản lý Nhà nước của Cục Viễn thám Quốc gia chỉ ra rằng, khi xuất hiện vai trò quản lý nhà nước về viễn thám đã thúc đẩy mạnh mẽ ứng dụng viễn thám trước hết là trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đến nay hầu hết các lĩnh vực tài nguyên môi trường đã đưa ứng dụng viễn thám phục vụ công tác quản lý nhà nước đem hiệu quả đáp ứng kịp thời yêu cầu quản lý nhà nước.
Thông qua các nhiệm vụ điều tra cơ bản, giám sát tài nguyên môi trường Cục Viễn thám quốc gia đã chủ trì hoặc tham gia thực hiện các nhiệm vụ như các dự án điều tra cơ bản về tài nguyên môi trường biển, giám sát các vùng biển đảo xa bờ bằng công nghệ viễn thám; giám sát sạt lở bờ sông bờ biển, xâm nhập mặn, đánh giá tác động biễn đổi khí hậu khu vực đồng bằng sông Cửu Long; giám sát ô nhiễm môi trường khu công nghiệp, môi trường nước mặt…
Nâng tầm quản lý Nhà nước về viễn thám
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển viễn thám quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040, cũng đã đề ra các mục tiêu cụ thể.
Theo đó, giai đoạn từ nay đến năm 2030 sẽ tập trung làm chủ công nghệ chế tạo vệ tinh viễn thám, hệ thống trạm thu nhận, xử lý dữ liệu viễn thám, trạm điều khiển vệ tinh viễn thám, hệ thống chụp ảnh bề mặt Trái Đất từ các thiết bị bay không người lái, khinh khí cầu;
Xây dựng hệ thống trạm thu, hệ thống xử lý dữ liệu, cơ sở dữ liệu ảnh viễn thám quốc gia đáp ứng nhu cầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh;
Ứng dụng rộng rãi công nghệ viễn thám, sử dụng sản phẩm, dữ liệu viễn thám trong các ngành, lĩnh vực, trọng tâm là điều tra cơ bản, quan trắc, giám sát tài nguyên, môi trường, tìm kiếm cứu nạn cứu hộ, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu; tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế về viễn thám;
Đào tạo được nguồn nhân lực viễn thám có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng được nhu cầu quản lý, ứng dụng và phát triển công nghệ viễn thám.
Theo Chiến lược phát triển viễn thám, tầm nhìn đến năm 2040, sẽ chủ động công nghệ chế tạo và hoàn thành việc xây dựng chùm vệ tinh viễn thám, hệ thống trạm thu nhận, xử lý dữ liệu viễn thám, trạm điều khiển vệ tinh viễn thám, hệ thống chụp ảnh bề mặt Trái Đất từ các thiết bị bay không người lái, khinh khí cầu đồng bộ, hiện đại, cung cấp đầy đủ dữ liệu viễn thám đáp ứng nhu cầu ứng dụng công nghệ viễn thám phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh; đưa trình độ ứng dụng công nghệ viễn thám của Việt Nam ngang tầm với các nước trong khu vực, các nước đang phát triển trên thế giới.
Trao đổi với phóng viên Báo Tài nguyên & Môi trường, ông Nguyễn Quốc Khánh cho hay, để thực hiện các mục tiêu của Chiến lược, tới đây, Cục Viễn thám quốc gia sẽ tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về viễn thám. Đến năm 2020, hoàn thiện danh mục dịch vụ sự nghiệp công thuộc lĩnh vực viễn thám và cơ chế thu nhận, chia sẻ thông tin, dữ liệu viễn thám.
Tăng cường năng lực quản lý nhà nước về viễn thám, trong đó tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quản lý nhà nước về viễn thám.
Xây dựng và phát triển hệ thống thu nhận dữ liệu ảnh viễn thám cụ thể là đầu tư chế tạo vệ tinh viễn thám quang học độ phân giải siêu cao, radar độ phân giải siêu cao, siêu phổ và chùm vệ tinh viễn thám nhỏ; tăng cường đầu tư phần cứng, phần mềm viễn thám phục vụ cập nhật, chia sẻ, khai thác dữ liệu viễn thám;
Xây dựng và hoàn thiện mạng lưới trạm thu dữ liệu viễn thám (trạm cố định, trạm di động, trạm ảo và trạm thu dữ liệu viễn thám khí tượng), trạm điều khiển; hệ thống lưu trữ, xử lý dữ liệu viễn thám và mạng lưới truyền dẫn dữ liệu viễn thám để cung cấp dữ liệu viễn thám cho các bộ, ngành, địa phương; Phát triển thiết bị bay không người lái, khinh khí cầu để cung cấp dữ liệu viễn thám phục vụ nhu cầu giám sát tài nguyên môi trường và dự báo khí tượng thủy văn;
Xây dựng, cập nhật thường xuyên cơ sở dữ liệu ảnh viễn thám quốc gia, trong đó dữ liệu ảnh viễn thám có độ phân giải cao được cập nhật hàng năm, dữ liệu ảnh viễn thám có độ phân giải siêu cao được cập nhật 5 năm một lần phủ trùm lãnh thổ Việt Nam và hàng năm cho khu vực đô thị;
Tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu, sản phẩm viễn thám giữa các cơ quan quản lý dữ liệu với các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng;
Tổ chức thực hiện các chương trình nghiên cứu khoa học về viễn thám trong đó tập trung nghiên cứu đổi mới, chuyển giao công nghệ theo hướng hiện đại;
Khuyến khích, huy động chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ viễn thám, nhất là trong quan trắc, giám sát bằng công nghệ viễn thám.