Đẩy mạnh hoạt động quan trắc KTTV phục vụ dự báo, cảnh báo thiên tai

Tuyết Chinh| 14/05/2020 13:08

(TN&MT) - Với hệ thống quan trắc được đầu tư khá đồng bộ, thời gian qua, công tác khí tượng thủy văn (KTTV) ở nước ta từng bước nâng cao độ chính xác, tin cậy trong cảnh báo về thiên tai; từng bước đáp ứng được yêu cầu phòng, chống, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.

Việt Nam nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều, lượng nước lũ chiếm tới từ 70% đến 80% lượng nước. Do ảnh hưởng của gió mùa và sự phức tạp về địa hình cho nên Việt Nam thường chịu tác động mạnh về thời tiết như bão, lụt, hạn hán... Mạng lưới trạm quan trắc KTTV trải dài trên cả nước, từ núi cao vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và là nơi luôn phải chịu những đợt thiên tai.

Bảo đảm mạng lưới trạm quốc gia hoạt động ổn định

Hiện nay, mạng lưới trạm quan trắc khí tượng nước ta với 181 trạm thủ công; 103 trạm tự động; 29 trạm khí tượng nông nghiệp;14 trạm bức xạ. Trong 781 trạm đo mưa tự động có 370 trạm đo mưa đầu tư bằng nguồn xã hội hoá; 359 trạm đo thuỷ văn, trong đó: 234 trạm thủ công, 125 trạm tự động; 27 trạm khí tượng hải văn (KTHV) (tính cả trạm Hoàng Sa)…

Trạm đo thời tiết tại tỉnh Phú Yên. Ảnh: BL

Ông Dương Văn Khánh, Giám đốc Trung tâm Quan trắc KTTV (Tổng cục KTTV) cho biết, ngay từ đầu năm, Trung tâm đã triển khai xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai kịp thời công tác kiểm tra mạng lưới trạm quan trắc KTTV thường xuyên trước mùa mưa bão cũng như kiểm tra đột xuất hàng năm, giám sát nghiệp vụ và đánh giá hoạt động mạng lưới trạm KTTV quốc gia đảm bảo hiệu quả, hợp lý.

Đồng thời, đẩy mạnh việc đưa các công cụ thẩm tra, đánh giá chất lượng tài liệu, số liệu quan trắc KTTV tự động, số liệu đo thủ công, đảm bảo chất lượng, đầy đủ đúng thời gian quy định; thực hiện nhiệm vụ phân tích môi trường, đo lường kiểm định bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng đáp ứng được yêu cầu của hoạt mạng lưới trạm.

Theo ông Khánh, đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với các Đài KTTV khu vực trong xử lý tình trạng vi phạm hành lang kỹ thuật công trình trạm quan trắc KTTV. Nhờ đó, hiện nay, tình trạng vi phạm đã giảm, ít phát sinh vi phạm mới mà chủ yếu là những vi phạm tồn tại, xuất hiện từ trước thời điểm ban hành Luật KTTV năm 2015.

“Việc thúc đẩy công tác phối hợp giữa Trung tâm Quan trắc KTTV và các Đài KTTV khu vực trong nhiệm vụ bảo trì, bảo dưỡng, thay thế thiết bị định kỳ, duy trì hoạt động của các trạm KTTV tự động; khắc phục khi có sự cố đối với các trạm đo mưa, đo gió, mực nước sông và quan trắc tự động một số yếu tố hải văn được tăng cường…”, ông Khánh cho biết thêm.

Trung tâm Quan trắc KTTV cũng chủ động rà soát các quy trình, quy định và đánh giá việc thực hiện công tác kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo KTTV; thúc đẩy việc ban hành danh mục các loại thiết bị phương tiện đo KTTV (Bộ KHCN đã ban hành và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/ 2020); rà soát hiện trạng hệ thống chống sét trên mạng lưới trạm KTTV; xây dựng báo cáo đánh giá hiện trạng mạng lưới quan trắc KTTV, tình hình hoạt động của mạng trạm thủ công và tự động đề xuất từng bước đưa trạm tự động vào hoạt động thay thế trạm thủ công...

Đặc biệt, chú trọng nâng cấp cải tiến phần mềm chỉnh biên tài liệu đo đạc thuỷ văn vùng sông ảnh hưởng triều và không ảnh hưởng triều để sớm đưa vào tác nghiệp trên hệ thống; nghiên cứu thử nghiệm về các thiết bị đo tự động thuỷ văn, hải văn đề đưa vào mạng lưới quan trắc.

Phát huy sáng kiến trong quan trắc KTTV

Đẩy mạnh phong trào thi đua học tập, nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, cải tiến kỹ thuật về nghiệp vụ chuyên môn kỹ thuật hoạt động đo đạc quan trắc KTTV, Trung tâm Q uan trắc KTTV đã tập trung nghiên cứu tiếp cận đổi mới nội dung, phương pháp quan trắc và nghiệp vụ quản lý, giải pháp khắc phục hạn chế từ thực tiễn hoạt động của mạng lưới trạm. Một số sáng kiến có thể kể đến như: Nghiên cứu xây dựng hệ tự động quản lý, truyền, nhận số liệu KTTV và hải văn ứng dụng mạng riêng ảo GPN tại Trung tâm KTTVQG; Nâng cấp phần mềm kiểm soát, chỉnh biên tài liệu thủy văn vùng sông không ảnh hưởng thủy triều HYDPRODB 1.0 và vùng sông ảnh hưởng thủy triều HYDTID 1.0; Nghiên cứu phát triển hệ thống giám sát hoạt động mạng lưới trạm KTTV trên thiết bị di động…

Ông Khánh cho rằng, kết qủa các phong trào thi đua đã góp phần đáng kể vào việc nâng cao chất lượng xây dựng các văn bản quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định kỹ thuật góp phần nâng cao chất lượng đo đạc quan trắc KTTV, phục vụ dự báo phòng chống thiên tai và phát triển kinh tế xã hội.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng từ khó khăn chung của tình hình kinh tế thế giới, khu vực và trong nước, cơ chế chính sách còn chưa hoàn chỉnh trong cơ chế tự chủ tài chính, đặc biệt trong tình hình dịch bệnh COVID – 19 đã có tác động lớn đến hoạt động của hệ thống lưới trạm đo KTTV. Vấn đề thu hút cán bộ viên chức có trình độ chuyên môn cao cũng như cán bộ kỹ thuật ở lĩnh vực công nghệ cao (tin học, điện tử, viễn thông) gặp khó khăn; dẫn đến việc thực hiện hiện đại hoá, tự động hoá trong hoạt động đo đạc quan trắc KTTV còn hạn chế và khó triển khai sâu rộng.

Mặc dù vậy, luôn xác định tầm quan trọng của công tác thi đua: “thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”, đó là động lực phát triển và là biện pháp quan trọng để giúp tạo ra sức mạnh của tập thể hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của của cơ quan trong tình hình mới yêu cầu mới. Ông Khánh nhấn mạnh, phong trào thi đua yêu nước phải được tiến hành thường xuyên, liên tục hàng ngày. Trung tâm Quan trắc luôn duy trì sức mạnh đoàn kết của tập thể, phát huy tốt mặt mạnh của cá nhân góp phần thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được giao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh hoạt động quan trắc KTTV phục vụ dự báo, cảnh báo thiên tai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO