Nguy cơ ô nhiễm môi trường từ các bãi thải mỏ
Quảng Ninh có vùng khai thác, chế biến tiêu thụ than với phạm vi rộng, trải dài từ Thị xã Đông Triều, TP. Uông Bí, huyện Hoành Bồ, TP. Hạ Long cho tới TP. Cẩm Phả với chiều dài lên tới cả trăm cây số, với các mỏ khai thác hầm lò, lộ thiên. Trong quá trình khai thác than, các đơn vị của ngành Than đã và đang trực tiếp làm thay đổi môi trường xung quanh, phá vỡ cân bằng của tự nhiên, gây ô nhiễm môi trường. Trong đó, nguy cơ từ các bãi thải mỏ với hàng trăm triệu m3 đất đá tạo thành các quả đồi với độ cao từ 200m đến 300m, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro vào mùa mưa lũ đối với các khu dân cư sinh sống gần đó, cũng như đang hàng ngày phát tán bụi, tiếng ồn ra môi trường.
Những bãi thải mỏ từ việc khai thác than ở Quảng Ninh đã hình thành cách đây hơn một thế kỷ, chủ yếu ở hai TP Hạ Long và Cẩm Phả, do tập trung nhiều các mỏ khai thác than lộ thiên. Mỗi khi vào mùa mưa, hàng trăm hộ dân sống dưới chân các bãi đổ thải cao thường xuyên phải chạy lũ bùn hoặc chứng kiến bùn đất ngập tràn trong nhà, ngoài sân. Không chỉ tiềm ẩn hiểm họa khôn lường cho tính mạng người dân, những bãi thải này đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ninh, trên địa bàn tỉnh hiện có 6 bãi thải lớn của ngành Than đang hoạt động. Mỗi năm, ngành Than bóc xúc, đổ thải khoảng từ 250-300 triệu m3 đất đá tại các mỏ lộ thiên và khoảng gần 1,3 triệu m3 xít thải của các nhà máy tuyển than. Lượng đất đá này ngày càng có xu hướng tăng lên do các mỏ lộ thiên khai thác xuống sâu. Đặc biệt, những biến đổi địa hình và cảnh quan diễn ra chủ yếu ở các mỏ khai thác lộ thiên. Các bãi đổ thải tạo nên những quả đồi ở các bãi thải mỏ như: Cọc Sáu cao 280 m, nam Đèo Nai có độ cao 200 m, đông Cao Sơn cao 300 m, Đông Bắc Bàng Nâu cao 150 m và Núi Béo cao 240 m…Bên cạnh đó, nhiều moong khai thác lộ thiên tạo nên địa hình âm có độ sâu từ 50 - 150 m dưới mực nước tại các mỏ Cọc Sáu, Hà Tu, Núi Béo…Việc khai thác lộ thiên đã bóc đi lớp đất màu, dễ bị xói mòn, chủ yếu là đất xen lẫn đá, xít than, khiến cho việc trồng rừng cải tạo môi trường gặp không ít khó khăn.
Hơn nữa, trước áp lực gia tăng sản lượng khai thác hàng năm, đối với các đơn vị trực thuộc ngành Than đang phải đối mặt với vấn đề nước thải công nghiệp thải ra gây ô nhiễm nguồn nước mặt, ảnh hưởng đến hệ thống sông suối, hồ vùng ven biển. Trong khi hệ thống các Trạm xử lý nước thải mỏ tại các mỏ khai thác lộ thiên, nhất là các mỏ khai thác hầm lò đang đối mặt với việc quá tải, vượt công suất, một số Trạm bị xuống cấp đang cần được đầu tư thay thế.
Mặt khác, môi trường không khí các khu vực khai thác khoáng sản, vận chuyển than bị ô nhiễm do bụi, khí độc và tiếng ồn, đặc biệt tại khu vực Cẩm Phả, Uông Bí, Mạo Khê. Trong đó, các phường, xã bị ảnh hưởng nặng như: Mạo Khê, Hoàng Quế, Hồng Thái Tây (TX Đông Triều); Vàng Danh, Bắc Sơn, Quang Trung, Điền Công (TP. Uông Bí); Hà Khánh, Hà Lầm, Hà Trung, Hà Tu, Hà Phong (TP. Hạ Long); Cẩm Phú, Cẩm Sơn, Mông Dương, Cửa Ông, Dương Huy, Quang Hanh (TP. Cẩm Phả).
Giải pháp bảo vệ môi trường
Một trong những giải pháp mang tính “đột phá” trong việc giải quyết các bãi thải mỏ, đó là tỉnh Quảng Ninh sẽ lấy nguồn đất đá san lấp mặt bằng từ các bãi thải của ngành Than như: Đông Cao Sơn (TP.Cẩm Phả) và Bắc Bàng Danh (TP.Hạ Long). Việc này không chỉ đáp ứng nguồn vật liệu san lấp mặt bằng cho các dự án mà còn giúp hạ độ cao bãi thải mỏ, đảm bảo an toàn cho các khu vực dân cư lân cận.
Tuy nhiên, bên cạnh giải pháp nêu trên, các đơn vị khai thác, vận chuyển, kinh doanh than trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh cần tuân thủ và thực hiện nghiêm túc các quy định về bảo vệ môi trường; xây dựng và thực hiện chiến lược kinh doanh thân thiện với môi trường; đổi mới công nghệ, cải tiến thiết bị khai thác than nhằm tăng năng suất lao động và bảo vệ môi trường. Đồng thời, thực hiện nghiêm theo các Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 đối với các khu vực bãi thải mỏ đã được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt. Trong đó, thực hiện đúng việc đổ thải từ dưới đổ lên, theo từng tầng đổ thải và tiến hành trồng cây hoàn nguyên môi trường ngay sau khi đổ thải xong từng tầng. Cũng như triển khai hệ thống thu thoát nước, đặc biệt là hệ thống thu thoát nước bãi thải, chân bãi thải phải xây dựng kè đảm bảo khoảng cách và an toàn cho các khu dân cư xung quanh.
Trong những năm qua, ngành Than cũng như các đơn vị trực thuộc đã có nhiều cố gắng trong công tác bảo vệ môi trường, trong đó phải nhắc tới Công ty CP Than Cọc Sáu, Công ty CP Than Đèo Nai...
Trao đổi với chúng tôi, Phó Giám đốc Công ty CP Than Cọc Sáu- Vinacomin, Vũ Văn Hùng cho biết, là đơn vị trực tiếp đổ thải cũng như quản lý bãi đông Cao Sơn, trong những năm qua, đơn vị thực hiện nghiêm túc theo quy hoạch đã được phê duyệt, cũng như đề án bảo vệ môi trường. Tính từ năm 2010 đến nay, Công ty phủ xanh bãi thải mỏ được trên 67 ha với 126 nghìn cây thông và keo lai, keo tai tượng với kinh phí trên 17 tỷ đồng. Việc tích cực trồng rừng phủ xanh các bãi thải trong những năm qua đã có tác dụng cải thiện môi trường các khu vực đã ngừng sản xuất và khu vực dân cư giáp ranh.
Ông Nguyễn Ngọc Tùng, Phó Giám đốc Công ty CP Than Đèo Nai- Vinacomin cho biết, tính đến năm 2017, đơn vị đã trồng được trên 203 ha rừng thông, keo, phi lao tại các bãi thải. Năm 2018, Công ty tiếp tục trồng cây phủ xanh các bãi thải với tổng diện tích gần 40 ha. Đồng thời, Công ty bố trí một phân xưởng vận tải chuyên dụng tổ chức tưới đường dập bụi 3 ca liên tục dọc các tuyến đường vận tải trong khai trường sản xuất, các mặt bằng kho bãi có thiết bị cơ giới làm việc. Cùng với đó, Công ty có trang bị hệ thống phun sương dập bụi tại các khu vực sàng khô, còn hệ thống sàng tuyển than nguyên khai của Công ty được trang bị hệ thống phun sương dập bụi tại các vị trí như hố nhận, máng rót và xung quanh khu vực nhằm đảm bảo môi trường sản xuất, cũng như môi trường tự nhiên.
Cùng với việc hoàn thiện công tác đánh giá tác động môi trường, các đơn vị sản xuất kinh doanh than phải quan tâm đến công tác cải tạo, phục hồi môi trường nhằm thực thi các quy định về ký quỹ môi trường. Trong đó, tập trung cải tạo các moong có điều kiện thành các hồ chứa nước phục vụ sản xuất, cũng như sinh hoạt, quan tâm việc tưới nước dập bụi tại khai trường, cũng như cung đường vận chuyển, đẩy mạnh việc trồng cây xanh tại các bãi thải mỏ, xây dựng hệ thống thoát nước, kè, đập tại chân các bãi thải, đảm bảo môi trường, cũng như sự an toàn cho các hộ dân sống lân cận.