Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa chất lượng phân tích thí nghiệm địa chất và khoáng sản, cần tăng cường đầu tư các trang thiết bị hiện đại cho các phòng thí nghiệm này.
Xoay quanh nội dung trên, PV Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Mai Huỳnh, Phó Giám đốc Trung tâm Phân tích thí nghiệm địa chất thuộc Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam.
Ông Đỗ Mai Huỳnh, Phó Giám đốc Trung tâm Phân tích thí nghiệm địa chất thuộc Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam. |
PV: Được biết, Trung tâm Phân tích thí nghiệm địa chất là nơi cung cấp nhiều kết quả thí nghiệm quan trọng, phục vụ việc đánh giá, phát hiện mỏ mới tại Việt Nam. Xin ông cho biết, năng lực và khả năng thu nhận, phân tích mẫu địa chất hiện nay của Trung tâm?
Ông Đỗ Mai Huỳnh:
Những năm gần đây, cùng với việc phát triển của khoa học công nghệ, công tác phân tích thí nghiệm địa chất và đứng đầu là Trung tâm Phân tích thí nghiệm địa chất đã có sự phát triển to lớn, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của ngành Địa chất. Trung tâm đã cùng với các đơn vị trong Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam tìm kiếm, phát hiện rất nhiều các vùng khoáng sản, từ đó thăm dò, đánh giá và đi vào khai thác phục vụ dân sinh xã hội.
Bên cạnh phòng thí nghiệm của Trung tâm được xây dựng mới, đạt tiêu chuẩn, còn một số phòng thí nghiệm của các Liên đoàn thuộc Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam được nâng cấp, cải tạo bằng nguồn vốn của đơn vị, đảm bảo phù hợp, đạt vệ sinh an toàn lao động cùng một số phòng thí nghiệm tận dụng các nhà, phòng làm việc được xây dựng lâu năm. Các phòng thí nghiệm này không phải xây dựng chuyên dụng cho công việc phân tích mẫu, lắp đặt thiết bị phân tích và gia công, lưu mẫu, nhiều phòng đã cũ và xuống cấp, không đảm bảo cho phân tích chính xác.
Hiện, trang thiết bị phân tích thí nghiệm và điều kiện làm việc chưa được đầu tư đồng bộ. Theo chủ trương của lãnh đạo và Nghị quyết của Đảng ủy Tổng cục, cần tập trung chuyên môn cho các lĩnh vực, trong đó có phân tích. Do đó, việc đầu tư các trang thiết bị cho phân tích, đặc biệt cho các phương pháp phân tích hiện đại, độ chính xác cao chỉ tập trung cho 2 trung tâm lớn gồm: Trung tâm Phân tích thí nghiệm địa chất thuộc Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam và Trung tâm Phân tích thí nghiệm địa chất - Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Nam. Hầu hết các trang thiết bị này đều đã làm việc hết công suất, đáp ứng được tiến độ, chất lượng của các đề án địa chất.
PV: Thiếu phòng thí nghiệm, phân tích mẫu chuyên dụng đúng là rất khó cho ra đời những kết quả chuẩn xác. Vậy công tác khắc phục ra sao? Để nâng cao chất lượng phân tích thí nghiệm, cần đầu tư những gì, thưa ông?
Ông Đỗ Mai Huỳnh:
Mặc dù còn nhiều khó khăn về ngân sách, một số phòng thí nghiệm của Tổng cục đã cố gắng đầu tư một phần cơ sở vật chất kỹ thuật, phòng thí nghiệm trong vốn nội bộ để phục vụ cho đơn vị nhưng còn hạn chế. Do vậy, những phòng này khó đáp ứng được tiêu chuẩn về chất lượng tiến độ.
Tuy nhiên, các phòng thí nghiệm trong ngành địa chất và khoáng sản đã xây dựng được hệ thống các văn bản, quy trình liên quan tới công tác phân tích thí nghiệm mẫu địa chất, khoáng sản và môi trường. Các quy định kỹ thuật, quy trình phân tích được đúc kết sau hàng chục năm lao động, của nhiều thế hệ cán bộ làm công tác phân tích thí nghiệm mẫu địa chất. Hệ thống gồm 126 quy trình và 4 quy định này phù hợp với trình độ công nghệ, cơ sở vật chất của các phòng thí nghiệm trong lĩnh vực phân tích mẫu địa chất, khoáng sản rắn... Đây là những cơ sở góp phần khắc phục, giảm bớt khó khăn trong công tác phân tích mẫu.
Hệ thống các quy trình phân tích của ngành trong quá trình phát triển đã tăng lên không ngừng thành các bộ tiêu chuẩn cơ sở, tiêu chuẩn ngành và TCVN, góp phần nâng cao chất lượng phân tích thí nghiệm.
Việc đầu tư cho phân tích thí nghiệm cũng đã được quan tâm, nhưng bất cập là đầu tư không đồng bộ, dàn trải. Chẳng hạn như việc đầu tư cho một gói thiết bị thì chỉ tập trung đầu tư cho thiết bị chính hoặc thiết bị cơ bản, còn những phụ kiện đi kèm lại thiếu. Do đó, nhiều đơn vị mua thiết bị về nhưng thiếu kinh phí để bổ sung, dẫn đến thiết bị không được đưa vào áp dụng nghiên cứu, khiến nhiều thiết bị bị lãng phí. Vì vậy, theo tôi, cần đồng bộ trong công tác đầu tư để vận hành phân tích hiệu quả hơn.
Máy ICP-MS - một trong những máy hiện đại nhất, có thể phân tích các hàm lượng vết đến ppb |
PV: Bên cạnh việc đầu tư thiết bị, để công tác phân tích thí nghiệm ngày càng hiệu quả, đòi hỏi kỹ thuật viên phân tích phải có tố chất, kinh nghiệm và kỹ năng như thế nào, thưa ông?
Ông Đỗ Mai Huỳnh:
Điều trước tiên là kỹ thuật viên phân tích phải yêu nghề vì nghề này tương đối vất vả, nguy hiểm, đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận và tuân thủ đúng quy trình. Bên cạnh các thiết bị hiện đại hỗ trợ thì kỹ năng và kinh nghiệm là 2 yếu tố không thể thiếu giúp cho kỹ thuật viên phân tích nhanh chóng hoàn thành công việc một cách tốt nhất. Kỹ năng ở đây là kỹ năng quan sát, kỹ năng tương tác, kỹ năng học hỏi… Trong khi đó, kinh nghiệm tích lũy được từ các kỹ năng và sẽ giúp cho kỹ thuật viên phân tích đỡ vất vả hơn.
Khi được đầu tư máy móc thiết bị hiện đại có độ chính xác cao, kỹ thuật viên phân tích phải tiếp cận, phải tiếp tục học hỏi, nâng cao trình độ học vấn để cập nhật được những thiết bị phân tích đó. Họ phải hiểu rõ, đối với mỗi loại máy tương ứng, có thể làm được gì cho phân tích thí nghiệm, có điểm mạnh như thế nào so với phương pháp cũ mà họ đang sử dụng. Ví dụ, theo phương pháp cổ điển, nếu phân tích 10 nguyên tố thì phải phân tích theo 10 phép thử khác nhau, nhưng ngày nay một phép thử có thể đo được 72 nguyên tố trong đó.
PV: Trong quá trình công tác, ông đã từng phân tích những mẫu địa chất và khoáng sản nào và điều gì để lại ấn tượng cho ông trong công việc này?
Ông Đỗ Mai Huỳnh:
Hầu như các loại khoáng sản ở Việt Nam đều được phân tích ở Trung tâm Phân tích thí nghiệm địa chất. Chính vì thế, ngành phân tích được ví như “con mắt” của các nhà địa chất.
Với hơn 25 năm gắn bó với nghề, tôi đã phân tích rất nhiều loại khoáng sản. Tôi đã tham gia vào Dự án bô xít Tây Nguyên và Đề án “Điều tra, đánh giá tiềm năng sa khoáng titan - zircon trong tầng cát đỏ vùng Ninh Thuận, Bình Thuận và Bắc Bà Rịa - Vũng Tàu”. Việc phân tích đã đưa ra những số liệu thực, góp phần phục vụ đời sống an sinh xã hội. Đặc biệt, Dự án bô xít Tây Nguyên triển khai việc khai thác bô xít, tuyển thành nguyên liệu thô alumina, làm tăng sản phẩm cho xã hội, tạo cơ hội việc làm cho người dân sống ở khu vực đó. Những ý nghĩa này chính là những điều mang lại ấn tượng lớn trong cuộc đời làm nghề của tôi.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Muốn đánh giá sâu rộng và đa chiều hơn cho bất cứ một loại khoáng sản nào thì trang thiết bị trong phân tích để đưa ra dữ liệu chính xác đặc biệt quan trọng. Thiết bị phân tích giúp giảm rất nhiều công sức cho người lao động. Vì vậy một phòng thử nghiệm phân tích địa chất hiện đại đòi hỏi sự tích hợp của rất nhiều thiết bị thì việc đầu tư của Nhà nước là vô cùng quan trọng.