Đầu tư các dự án đường cao tốc là cấp thiết, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng

Thanh Tùng| 10/06/2022 21:15

(TN&MT) - Ngày 10/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Hội trường về chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1).

3(1).jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, ngày 6/6, Quốc hội đã nghe Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc này và Quốc hội cũng thảo luận tại Tổ về nội dung này. Tổng Thư ký Quốc hội đã có Báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận gửi các đại biểu Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận các nội dung đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra và gợi ý thảo luận của các cơ quan thẩm tra, trong đó tập trung vào các nội dung: sự phù hợp của dự án quy hoạch; kế hoạch, phạm vi, quy mô, hình thức đầu tư; nhu cầu sử dụng đất; phương án giải phóng mặt bằng; tổng mức đầu tư; nguồn vốn và khả năng cân đối vốn; phân kỳ tiến độ thực hiện dự án; phương án thu phí để thu hồi vốn, hoàn trả ngân sách trung ương; các cơ chế, chính sách của Chính phủ đề nghị áp dụng cho dự án.

Các dự án có ý nghĩa rất quan trọng

Thảo luận tại Phiên họp, đại biểu Chau Chắc, Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang đã làm rõ thêm về chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1). Đại biểu cho biết, chủ trương đầu tư dự án này nếu được Quốc hội thông qua sẽ thể hiện sự tiếp tục quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Qua hơn 16 năm xây dựng, nước ta đã đưa 1163 km đường cao tốc vào khai thác, đạt khoảng 18% so với quy hoạch. Đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tính số km đường cao tốc trên 1.000.000 dân chỉ đạt 2,29 km, trong khi bình quân chung cả nước đạt 11,42 km trên 1.000.000 dân, chỉ đạt 20,5 % so với cả nước. Mạng lưới đường bộ chỉ đáp ứng dưới 30% khối lượng vận tải hàng hóa, 80% khối lượng hành khách.

Trong khi đó, số lượng vận tải hành khách và hàng hóa trên năm của vùng chiếm khoảng 20% cả nước. Bình quân khối lượng vận chuyển hàng năm tăng từ 10 đến 15%. Qua số liệu, Quốc lộ 91 đã vượt qua năng lực thông hành xe khoảng 10%/ngày/đêm.

chau-chac-an-giang-0610(1).jpg
Đại biểu Chau Chắc phát biểu thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

Trên địa bàn tỉnh An Giang, quốc lộ 91 có đến 32176 xe/ngày, đêm. Trong khi đó, năng lực thông hành xe theo quy định chỉ 10.000 xe con/ngày, đêm, vượt quá mức thông hành xe rất cao. Song song với đó, đây là đường giao thông chính của tỉnh, đi từ cửa khẩu Tịnh Biên đến thành phố Long Xuyên là 91 km, được đưa vào sử dụng từ năm 2000, đến nay đã xuống cấp, thường bị ùn tắc, xảy ra tai nạn giao thông và sạt lở.

Theo đại biểu, dự án đường cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng là dự án rất quan trọng, cấp thiết, có tác dụng liên kết vùng, mở rộng không gian, lan tỏa lớn, có ý nghĩa phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xóa đói giảm nghèo trong vùng và biên giới Tây Nam, mở rộng giao lưu quốc tế. Nếu tuyến đường này hoàn thành sẽ kết nối với quốc lộ 2 Campuchia đến thành phố Phnom Penh của Campuchia chỉ cần 80 km vào cửa ngõ các tiểu vùng sông Mekong. Nếu cảng Trần Đề, Sóc Trăng được xây dựng, đưa vào khai thác trở thành cửa ngõ sẽ là động lực kích thích tác động phát triển kinh tế-xã hội ngày càng phát triển, tăng cường năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu.

Song song đó, đây là vùng trọng điểm về nông nghiệp, nông thôn có đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao, có đường biên giới, đường bộ, đường biển. Nếu dự án này được thông qua sẽ góp phần thúc đẩy thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia đạt hiệu quả hơn, nhanh hơn.

Để thực hiện tốt dự án, đại biểu Chau Chắc đề nghị tăng cường công tác tuyên truyền cho các cấp, các ngành và người dân, nhất là người có đất liên quan đến dự án thông suốt, đồng thuận cao với chủ trương đầu tư và hỗ trợ triển khai thực hiện với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm vì lợi ích chung. Đồng thời, tích cực lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện quản lý, khai thác, vận hành dự án đúng quy định của pháp luật, bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình đúng mục tiêu đề ra quản lý, sử dụng vốn và các nguồn lực tiết kiệm, hiệu quả, không để xảy ra trục lợi, chính sách thất thoát, lãng phí, tham nhũng.

Bên cạnh đó, cần tăng cường kiểm tra các nhà thầu kịp thời thời chấn chỉnh sai sót, xử lý kiên quyết, nghiêm minh đối với các trường hợp vi phạm. Có giải pháp giải quyết có hiệu quả những tác động tiêu cực đến dự án và thu hồi vốn.

Quy định trách nhiệm địa phương trong đảm bảo nguồn nguyên vật liệu thực hiện dự án

Phát biểu tại Hội trường, đại biểu Lê Thị Thanh Xuân, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk nhấn mạnh, việc sớm đầu tư dự án xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa- Buôn Ma Thuột là cấp thiết bởi đặc điểm địa hình vùng Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ, giao thông đường bộ là phương thức vận tải phù hợp nhất.

le-thi-thanh-xuan-dak-lak-0610.jpg
Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân phát biểu thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, hiện nay hệ thống giao thông đường bộ kết nối giữa Tây Nguyên và Nam Trung Bộ chủ yếu qua tuyến quốc lộ 19 Gia Lai- Bình Định, quốc lộ 26 Đắk Lắk- Khánh Hòa còn nhiều khó khăn, đường hẹp, đèo dốc và thường xuyên sạt lở, hư hỏng nên việc đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách và hàng hóa còn rất hạn chế.

Dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa- Buôn Ma Thuột được đầu tư sẽ rút ngắn thời gian đi từ Đăk Lăk Khánh Hòa còn 1,5 giờ; đồng thời phát huy kết nối hiệu quả với các trục dọc đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 1, đường cao tốc Bắc Nam phía Đông, đường bộ ven biển đã và đang được đầu tư kết nối, lưu thông hàng hóa giữa cảng biển quốc tế, khu kinh tế tổng hợp Vân Phong của tỉnh Khánh Hòa với các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum của vùng Tây Nguyên và các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Campuchia.

Đại biểu nhấn mạnh, tỉnh Khánh Hòa hiện nay đang trình Quốc hội thông qua cơ chế đặc thù là cực tăng trưởng trung tâm của vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên sẽ phát huy tiềm năng, lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, kinh tế nông, lâm nghiệp, du lịch của tỉnh Đăk Lăk; tiềm năng, lợi thế kinh tế huyện, của tỉnh Khánh Hòa, tạo tiền đề, động lực mới thu hút đầu tư, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế xã hội vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ sau đại dịch Covid-19.

Đối với tỉnh Đắk Lắk, thực hiện ý kiến kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến chỉ đạo của Chính phủ nhằm chia sẻ những khó khăn về tình hình ngân sách của đất nước. Mặc dù khó khăn nhưng tỉnh Đắk Lắk đã cam kết đối ứng 50% chi phí giải phóng mặt bằng đối với các dự án thành phần trên địa bàn tỉnh và bảo đảm bố trí vốn cam kết của tỉnh theo đúng tiến độ triển khai công tác giải phóng mặt bằng của dự án. Trong trường hợp tăng chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, tỉnh sẽ bố trí tăng tương ứng theo tỷ lệ 50%.

Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân cho biết, cấp ủy, chính quyền địa phương tỉnh Đắk Lắk nhận thức sâu sắc ý nghĩa, những tác động tích cực của dự án sẽ mang lại đối với sự phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân của tỉnh trong thời gian tới. Do đó, tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các Sở, ban, ngành, các địa phương tích cực tham gia, phối hợp cùng với các Bộ, ngành trong công tác chuẩn bị đầu tư, khảo sát, hướng tuyến; khảo sát công tác giải phóng mặt bằng, tham gia ý kiến thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.

“Khi chủ trương đầu tư dự án được Quốc hội thông qua, được Thủ tướng Chính phủ phân công làm chủ đầu tư dự án thành phần, tỉnh sẽ phấn đấu hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ theo thẩm quyền. Tỉnh Đắk Lắk rất mong các vị đại biểu Quốc hội đồng thuận, thống nhất thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư xây dựng các dự án đường bộ cao tốc do Chính phủ trình tại kỳ họp lần này, trong đó có dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột để tỉnh từng ước xứng đáng với vị thế, vị trí, vị thế đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên để Đắk Lắk và Tây Nguyên thực sự cất cánh cùng đất nước, con đường cao tốc của sự phát triển”, đại biểu Lê Thị Thanh Xuân nói.

thach-phuoc-binh-tra-vinh-0610.jpg
Đại biểu Thạch Phước Bình phát biểu thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

Tham gia thảo luận về các dự án, đại biểu Thạch Phước Bình, Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh cho biết, tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có chiều dài lớn nhất cùng với tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vừa hoàn thành sẽ kết nối các tuyến theo trục dọc, giảm áp lực cho các tuyến quốc lộ đang quá tải, góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông trong khu vực, kết nối kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long với các nước, đặc biệt là ASEAN và Campuchia.

Đại biểu cho rằng, điều này sẽ cụ thể hóa Nghị quyết 13-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030. Do đó, đại biểu đồng tình, thống nhất cao với sự cần thiết đầu tư các dự án đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng với 188,2 km và các tuyến cao tốc Đắc Lắk - Buôn Mê Thuột tại Quốc hội nhiệm kỳ này.

Về hình thức đầu tư, cho rằng dự án đi qua 4 địa phương: An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị nên xem xét, điều chỉnh trong Nghị quyết sẽ giao cho một địa phương làm đơn vị chủ trì giống như TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội để thực hiện hiệu quả hơn, đồng thời đề nghị mạnh dạn hơn nữa, phân cấp mạnh hơn nữa trong vấn đề đầu tư công này.

Trước thực trạng các dự án thành phần đường cao tốc có nguy cơ thiếu nguyên vật liệu, ảnh hưởng tới tiến độ dự án và nhu cầu sử dụng san lấp mặt bằng rất lớn, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị trong Nghị quyết nên chăng cần quy định rõ trách nhiệm các địa phương có đường cao tốc đi qua cần giải quyết các điều kiện, thủ tục về giấy phép đối với các mỏ vật liệu theo quy định của pháp luật, đặc biệt là áp dụng cơ chế đặc thù giống như đối với các dự án đường Vành đai của Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Về tổ chức thực hiện, bên cạnh áp dụng cơ chế đặc thù, đại biểu đề nghị trong Nghị quyết cần quy định trách nhiệm của địa phương trong việc triển khai thực hiện dự án nhằm đảm bảo tiến độ thực hiện dự án. Về giải phóng mặt bằng, đại biểu đề nghị cần giao cho các tỉnh đảm bảo mặt bằng sạch cho các công trình giao thông của dự án.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đầu tư các dự án đường cao tốc là cấp thiết, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO