Đầu năm Canh Tý trò chuyện với chuyên gia đầu ngành về dự báo khí tượng thuỷ văn

Tuyết Chinh (thực hiện)| 25/01/2020 00:47

(TN&MT) - Ngay trước thềm năm mới Canh Tý, PGS.TS Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia (Tổng cục KTTV) đã có cuộc trò chuyện với phóng viên Báo TN&MT về những bước “chuyển mình” trong công tác dự báo, cảnh báo KTTV năm qua và định hướng “vươn tầm quốc tế” của công tác này.

“Thời gian qua, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo sát sao của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như nỗ lực của toàn ngành KTTV, công tác dự báo, cảnh báo KTTV đã đạt được những kết quả nhất định. Có thể nói, kết quả dự báo, cảnh báo của chúng ta hiện nay đã dần tiệm cận với các nước tiên tiến ở khu vực và trên thế giới”, PGS.TS Mai Văn Khiêm mở đầu cuộc trò chuyện.

PGS.TS Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia

PV: Thưa ông, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020 của Tổng cục KTTV, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành đánh giá ngành KTTV đã khẳng định vai trò trong nước và vươn ra quốc tế. Vậy, công tác dự báo, cảnh báo KTTV đã “vươn ra quốc tế” như thế nào?

PGS.TS Mai Văn Khiêm: Trong năm qua, công tác dự báo, cảnh báo KTTV đã có những “đột phá” góp phần nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai.

Đầu tiên phải kể đến việc hoàn thiện thể chế phục vụ quản lý nhà nước về KTTV.. Năm 2019, Tổng cục KTTV đã tiếp tục tập trung trọng tâm xây dựng, hoàn thiện thể chế phục vụ quản lý Nhà nước và triển khai thi hành pháp luật về KTTV Tổng cục đã tiến hành xây dựng và trình đến cấp có thẩm quyền: 1 Đề án, 1 Nghị định, 2 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 2 Thông tư thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ trưởng Bộ TN&MT; Xây dựng 7 Tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Với sự đầu tư của nhà nước và hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, chúng ta cũng tăng cường mạng lưới quan trắc. Năm 2019, chúng ta đã đầu tư xây dựng 18 trạm định vị sét; đây là một trong những hệ thống hiện đại do Phần Lan hỗ trợ để giám sát diễn biến tình hình dông, sét trên quy mô toàn quốc. Đây là những thông tin rất quan trọng hỗ trợ cho công tác dự báo, cảnh báo dông, sét hằng ngày.

Chúng ta cũng lắp đặt mới và mở rộng thêm một số trạm ra-đa thời tiết ở Pha Đin, Việt Trì, Phù Liễn, Pleiku, Quy Nhơn, Nha Trang. Đặc biệt, việc hoàn thành lắp đặt radar Quy Nhơn đúng tiến độ đã góp phần nắm bắt và dự báo tốt cơn bão số 5 và số 6 khi vào gần bờ biển khu vực Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa.

Bên cạnh đó, trong năm 2019, chúng tôi cũng tăng cường công nghệ dự báo; tăng cường bản đồ ước lượng mưa trên quy mô toàn quốc với độ phân giải “tinh”. Đây là bản đồ định lượng mưa rất quan trọng phục vụ cảnh báo sớm nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ở các vùng núi và trung du ở Bắc Bộ, Trung Bộ, Tây Nguyên. Hỗ trợ cho các dự báo viên có thêm những thông tin, đánh giá quan trọng để đưa ra bản đồ cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất cho các cơ quan phòng chống thiên tai có hướng chỉ đạo, điều hành.

PV: Với những nhận định về xu thế khí tượng thủy văn năm 2020, cơ quan dự báo, cảnh báo KTTV có định hướng gì để nâng cao hơn nữa chất lượng dự báo, tăng cường độ tin cậy như người dân yêu cầu?

PGS.TS Mai Văn Khiêm: Kế hoạch này nằm trong chiến lược phát triển lâu dài của ngành KTTV. Trên bước đường dài như vậy, chúng ta có những kế hoạch chiến lược cụ thể từng giai đoạn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo thiên tai của Việt Nam.

Trước mắt ngay đầu năm 2020, theo chỉ đạo của Bộ TN&MT, ngành KTTV tập trung ngay vào cảnh báo “khô hạn” trên toàn quốc và xâm nhập mặn ở ĐBSCL. Thực tiễn cho thấy, năm 2019, mùa mưa tập trung nhiều vào khu vực ven biển, còn vùng sâu bên trong lượng mưa thiếu hụt khá nhiều. Chính vì vậy, trong mùa khô năm nay, công tác dự báo, cảnh báo tập trung vào dự báo, cảnh báo trong những tháng tới đây là khô hạn trên các vùng diễn ra như thế nào?

Tiếp theo là vấn đề xâm nhập mặn ở ĐBSCL; năm nay, xâm nhập mặn được đánh giá tương đối lớn; trong đó cao điểm tháng 1,2,3 có một số điểm có thể đạt mức năm 2016. Như vậy, nhiệm vụ cần thiết là phải theo dõi, giám sát chặt chẽ và đưa ra bản tin cảnh báo hàng tuần về thực trạng xâm nhập mặn trên các cửa sông vùng ĐBSCL và cảnh báo cho các tháng tiếp theo.

Cùng với đó, theo dõi mưa trái mùa, hiện tượng này không thể cảnh báo sớm và dài được mà yêu cầu giám sát liên tục. Trọng điểm tiếp theo trong công tác dự báo, cảnh báo năm nay là cảnh báo mưa đầu mùa, mùa mưa ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ; điều này rất quan trọng với hoạt động sản xuất nông nghiệp ở đây. Ngoài ra, bám sát tình hình và dự báo mùa mưa bão khu vực phía Bắc, Trung Bộ và Nam Bộ.

 

Về lâu dài, trong chiến lược ngành KTTV đã xác định tiếp tục hoàn thiện quy phạm pháp luật về KTTV, trong đó có công tác dự báo, cảnh báo thiên tai. Mục đích là làm cho tất cả các khâu dự báo, tất cả các loại hình thiên tai có những quy trình kỹ thuật, quy định, chuẩn hóa các bước thông tin dự báo, tránh những sai sót trong qúa trình dự báo. Qua đó, góp phần cho bản tin dự báo đạt độ tin cậy cao hơn.

Bên cạnh đó, tăng cường mạng lưới quan trắc trên biển. Ở Việt Nam, nhắc đến thiên tai người dân thường hay nói đến 2 loại hình đầu tiên là bão và lũ. Tuy nhiên, bão thường bắt đầu hình thành từ phía Tây Thái Bình Dương hoặc là biển Đông. Hiện nay, các mạng lưới quan trắc trên biển Đông hiện đang rất ít, khi bão hoạt động ở đây chúng ta không có thông tin gì để biết được là hiện nay đặc điểm, cấu trúc bão như thế nào. Chúng ta hoàn toàn đang phụ thuộc vào số liệu vệ tinh chụp từ trên cao; mà số liệu này vẫn còn những sai số nhất định. Chúng ta chỉ dựa trên phân tích synop và mô hình toán để dự báo, chỉ khi bão đi vào gần bờ, nhờ hệ thống rada chúng ta mới có thể nhìn thấy rõ hơn hình ảnh và đặc điểm của cơn bão đó.

Một trong những định hướng mà chúng tôi nghĩ đến là các tàu, thuyền đủ lớn của các ngành khác luôn gắn thiết bị quan trắc, có thể bằng cách thức nào đó chuyển tải cho chúng tôi số liệu đo đó về chúng tôi xử lý và đưa ra thông tin dự báo. Ngược lại, các thông tin dự báo của chúng tôi cũng sẽ cung cấp trở lại cho người đi làm đánh bắt xa bờ, tàu hàng trên biển… có thông tin về điều kiện thời tiết. Khi đó, chúng ta vừa có thể cung cấp thông tin dự báo mà người dân cũng có được thông tin tốt hơn cho vận chuyện hàng hải, đánh bắt… tránh được hiểm họa thiên tai. Do vậy, trong định hướng lâu dài, chúng tôi rất mong muốn được sự hỗ trợ để tăng cường thêm mạng lưới quan trắc trên biển.

Đồng thời, tiếp tục hội nhập sâu hơn nữa trong hợp tác quốc tế. Năm 2019, lần đầu tiên ngành KTTV Việt Nam được ghi nhận của quốc tế và khu vực thông qua sự kiện GS. TS Trần Hồng Thái - Tổng cục trưởng Tổng được tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch Hiệp hội Khí tượng khu vực II châu Á. Qua đó chứng minh rằng chúng ta có đủ uy tín và những đóng góp đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Một mình chúng ta sẽ không thể phát triển được mà phải có sự chia sẻ, hợp tác, hội nhập quốc tế

Một trong những điểm quan trọng nữa mà ngành KTTV chú trọng là “con người”. Lãnh đạo ngành KTTV đã xác định, trong chiến lược phát triển ngành những năm tiếp theo đặt ra là phát triển “con người”. Khi chúng ta đã có thiết bị mới, công nghệ mới, quy trình mới phải có con người tương ứng để sử dụng, vận hành và duy trì. Do vậy, chúng tôi sẽ có kế hoạch đào tạo ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để phát triển nguồn nhân lực; đặc biệt là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong tác nghiệp dự báo.

Ngoài ra, tập trung công tác truyền thông, làm sao để biến những thông tin thành hành động, đưa bản tin đến với người dân và vận dụng được trong ứng phó, thay đổi hành vi sản xuất… tránh được những tác động của thời tiết xấu và thiên tai. Có thể nói, công tác truyền thông, trao đổi thông tin, tương tác hai chiều giữa người làm công tác dự báo KTTV với người dân, các cơ quan, xã hội như thế nào cho hiệu quả vẫn là một bài toán. Hiện nay, với sự phát triển của mạng xã hội, chúng ta có thể có những tương tác hai chiều liên tục. Vấn đề đặt ra là làm sao để có thể tương tác 24/24 với người sử dụng.

PV: Như ông chia sẻ, vấn đề “nhân lực” được ngành KTTV hết sức chú trọng. Ông có lời khuyên gì để thu hút sự quan tâm và khơi dậy niềm đam mê của giới trẻ với nghề dự báo?

PGS.TS Mai Văn Khiêm: Thời gian tới chúng tôi sẽ làm mạnh hơn, rộng hơn vấn đề này. Thật ra, ngành KTTV nói chung và dự báo nói riêng rất hấp dẫn. Bài toán giải hệ phương trình thủy nhiệt động lực học của khí quyển để đưa ra cảnh báo, dự báo là một trong số bài toán thiên niên kỷ mà thế giới đặt ra và chưa có lời giải. Nếu ai giải đúng được hệ phương trình đó, chúng ta sẽ dự báo được chính xác luôn tại đây chiều nay, tối nay nhiệt độ chính xác là bao nhiêu?

Câu hỏi đặt ra là chúng ta khơi dậy niềm đam mê đối với khoa học khí quyển, đặc biệt là các bạn trẻ bằng cách nào? Trong thời gian tới, chúng tôi có kế hoạch có thể qua truyền thông, tiếp cận ngay với những sinh viên từ năm thứ nhất, thứ hai; hàng năm có kế hoạch mời các học sinh đến và giới thiệu về khoa học khí quyển, về dự báo thời tiết... Chúng tôi nhấn mạnh vào nhu cầu xã hội hiện nay đang cần.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đầu năm Canh Tý trò chuyện với chuyên gia đầu ngành về dự báo khí tượng thuỷ văn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO