Đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại Sơn La: Quản lý chặt để khai thác bền vững
(TN&MT) - Những năm gần đây, tỉnh Sơn La đã đẩy mạnh công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản, đặc biệt là khoáng sản làm vật liệu xây dựng (VLXD) thông thường, đáp ứng nhu cầu vật liệu phục vụ các công trình trọng điểm, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) địa phương, khắc phục hiện tượng khai thác khoáng sản trái phép.
Để làm rõ hơn vấn đề này, Phóng viên Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Sơn La.
PV: Là địa phương có tiềm năng lớn về khoáng sản làm VLXD thông thường, thời gian qua, Sơn La đã triển khai công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Mạnh Hùng:
Xác định tầm quan trọng của công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản, Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch kiểm tra, rà soát các mỏ khoáng sản làm VLXD thông thường đã được quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng giai đoạn đến năm 2020, định hướng 2030 tại các Nghị quyết của HĐND tỉnh và Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 để xây dựng kế hoạch tổ chức đấu giá phù hợp nhu cầu thực tiễn.
Sau khi kế hoạch được phê duyệt, với khu vực đấu giá đã có kết quả thăm dò, UBND tỉnh đã giao Sở TN&MT tham mưu xây dựng, trình phê duyệt giá khởi điểm, bước giá, tiền đặt trước và tổng vốn đấu tư dự án khai thác khoáng sản; lựa chọn tổ chức điều hành cuộc đấu giá; tổ chức thẩm định hồ sơ tham gia đấu giá; tham mưu trình UBND tỉnh công nhận kết quả trúng đấu giá theo quy định. Đối với khu vực đấu giá chưa có kết quả thăm dò, tham mưu mời, lựa chọn đơn vị có đủ năng lực để đánh giá tài nguyên đưa ra đấu giá, sau đó tiếp tục triển khai các bước như trên.
Tại các cuộc đấu giá, đã phối hợp cùng Tổ chức đấu giá thực hiện Thông báo công khai đầy đủ thông tin về tài sản đưa ra đấu giá, gồm: Thông báo, niêm yết công khai thông tin đấu giá; lập, bán hồ sơ mời tham gia đấu giá, xét duyệt hồ sơ tham gia đấu giá; chuyển hồ sơ đề nghị tham gia đấu giá của các tổ chức, cá nhân cho tổ chức đấu giá để thực hiện.
Đồng thời, để đảm bảo tính trung thực, công khai, minh bạch, công bằng, khách quan, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên tham gia đấu giá, tại các phiên đấu giá đều có sự tham gia giám sát của đại diện các Sở, ngành có liên quan và UBND địa phương nơi có khoáng sản được đấu giá.
PV: Xin ông cho biết kết quả công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản và hiện trạng cấp phép hoạt động sau đấu giá trong 2 năm trở lại đây? Hoạt động đấu giá đã đóng góp như thế nào vào sự phát triển KT-XH địa phương, thưa ông?
Ông Nguyễn Mạnh Hùng:
Năm 2023, UBND tỉnh đã ban hành 9 Quyết định phê duyệt Kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản với 33 mỏ, trong đó, đã đấu giá thành công 6 mỏ. Trong 7 tháng năm 2024, đã đấu giá thành công và tham mưu UBND tỉnh ban hành 20 quyết định công nhận kết quả đấu giá với 20 mỏ, gồm: 4 mỏ đá vôi làm VLXD thông thường; 2 mỏ đá làm nguyên liệu sản xuất cát; 3 mỏ cát sỏi trên sông; 11 mỏ đất san lấp. UBND tỉnh đã cấp 5 giấy phép thăm dò, 4 giấy phép khai thác khoáng sản cho các đơn vị.
Có thể khẳng định, công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản đã tạo được sân chơi bình đẳng cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu. Đặc biệt, việc cấp phép quyền khai thác khoáng sản thông qua đấu giá đã giúp cơ quan quản lý nhà nước lựa chọn những tổ chức, cá nhân có năng lực, có công nghệ chế biến sâu, thân thiện với môi trường, góp phần quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, phát huy tiềm năng khoáng sản theo hướng bền vững. Đồng thời, các mỏ trúng đấu giá đều có giá trị cao hơn so với giá khởi điểm, tăng thu cho ngân sách nhà nước, tạo nguồn cung VLXD ổn định cho các dự án phục vụ phát triển KT-XH địa phương.
PV: Vậy, trong quá trình thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản, ông đánh giá Sơn La có những khó khăn, vướng mắc nào cần tháo gỡ?
Ông Nguyễn Mạnh Hùng:
Thời gian qua, công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại Sơn La còn gặp một số hạn chế do các quy định giữa Luật Đấu giá tài sản năm 2016 và Nghị định số 22/2012/NĐ-CP ngày 26/3/2012 của Chính phủ quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản còn có những nội dung chưa thống nhất.
Bên cạnh đó, với các dự án đã được cấp phép khai thác khoáng sản sau đấu giá, không thuộc trường hợp nhà nước thu hồi đất để cho thuê đất. Do vậy, sau khi trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản và được cấp Giấy phép, việc sử dụng đất được thực hiện thông qua hình thức thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Song, trước đây, các đơn vị khó hoàn thiện thủ tục thuê đất, do không thỏa thuận được với người sử dụng đất để bố trí bến, bãi tập kết khoáng sản. Từ ngày 1/8/2024, nội dung này đã được tháo gỡ theo quy định mới của Luật Đất đai 2024.
PV: Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản, thời gian tới, Sơn La sẽ triển khai các nhiệm vụ trọng tâm nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Mạnh Hùng:
Để hoàn thành mục tiêu trong năm 2024, đấu giá 100% các mỏ đất san lấp phục vụ nhu cầu đầu tư xây dựng tại các huyện, thành phố; đến năm 2025, 12/12 huyện, thành phố có ít nhất từ 1 mỏ đá làm VLXD thông thường trở lên được cấp phép khai thác, Sở TN&MT đang tích cực triển khai các quy trình, thủ tục liên quan đến công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm VLXD thông thường. Trước mắt, tập trung tại các địa phương đang thiếu VLXD thông thường như Quỳnh Nhai, Sông Mã, Vân Hồ… Đồng thời, khẩn trương đôn đốc các đơn vị đã được công nhận trúng đấu giá hoàn thiện các thủ tục có liên quan để cấp phép khai thác, tránh tình trạng khan hiếm VLXD trên địa bàn tỉnh.
Cùng với đó, tiếp tục tăng cường công tác phối hợp liên ngành trong quản lý khoáng sản từ giai đoạn quy hoạch đến đấu giá, cấp phép, chủ trương đầu tư, thiết kế cơ sở, thuê đất, đóng cửa mỏ… Tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh kiểm tra, xử lý các điểm khai thác khoáng sản trái phép. Tiếp tục mời gọi các nhà đầu tư có nhu cầu hoạt động khoáng sản làm VLXD thông thường tham gia đấu giá các mỏ khoáng sản đã có trong quy hoạch.
Trân trọng cảm ơn ông!